1. Khám phá triệu chứng của tiểu đêm
Theo cơ chế hoạt động bình thường, khi bàng quang tích tụ nước khoảng từ 400 - 500ml sẽ co bóp và phát ra tín hiệu cần đi tiểu. Và khi cơ thể ở trạng thái ngủ, hệ thống thần kinh ức chế việc co bóp của bàng quang để kiểm soát sự cảm giác tiểu trong đêm.
Người trung niên và người cao tuổi thường gặp phải tình trạng tiểu đêm
Trong khoảng thời gian ngủ từ 6 - 8 tiếng, một người bình thường có thể không bị tiểu đêm hoặc chỉ đi tiểu 1 lần. Tiểu đêm xảy ra khi số lần tiểu trong đêm nhiều hơn 2 lần, trong khoảng thời gian từ 3 ngày trở lên. Tình trạng này thường gặp ở người trung niên từ độ tuổi 45 - 50 trở lên cao hơn so với người trẻ, hoặc một số trường hợp khác như phụ nữ mang thai, người mắc bệnh lý tiết niệu,... cũng có nguy cơ mắc tiểu đêm.
2. Nguyên nhân gây tiểu đêm nhiều lần
Tiểu đêm nhiều lần có nhiều nguyên nhân khác nhau từ việc thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt đến các bệnh lý liên quan đến hệ bài tiết.
2.1. Rối loạn cân bằng nước trong cơ thể
Khi lượng nước trong cơ thể vượt quá 40 ml/kg gây ra sự mất cân bằng chất lỏng trong cơ thể dẫn đến tình trạng đi tiểu nhiều hơn, bao gồm cả hiện tượng tiểu đêm. Một số nguyên nhân từ sinh hoạt hàng ngày hoặc do bệnh lý gây tăng lượng nước tiểu như:
- Thói quen sinh hoạt: Uống nhiều nước, rượu bia vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ.
- Dấu hiệu của các bệnh lý: tiểu đường nhẹ, suy thận, suy tim, suy giãn tĩnh mạch, tăng canxi máu,...
2.2. Vấn đề về hệ thần kinh
Sau khi được lọc tại thận, nước tiểu được đưa về bàng quang để được đào thải ra khỏi cơ thể. Hoạt động của bàng quang được điều chỉnh bởi não, tuỷ sống và hệ thần kinh ngoại biên để tạo ra tín hiệu và kích thích cảm giác đi tiểu. Do đó, tiểu đêm có thể là biểu hiện của các vấn đề về hệ thần kinh như: hội chứng chèn ép tủy sống, xơ cứng dây thần kinh lan tỏa, bệnh suy giảm chức năng thần kinh Parkinson,...
Tiểu nhiều lần trong đêm có thể do các vấn đề về hệ thần kinh gây ra
2.3. Vấn đề về đường tiết niệu
Tiểu đêm nhiều lần cũng là một dấu hiệu phổ biến của các bệnh lý liên quan đến đường tiết niệu. Cơ chế tự nhiên của hệ tiết niệu là để cô đặc nước tiểu trong thời gian cơ thể ngủ để tránh làm gián đoạn giấc ngủ. Tuy nhiên, chức năng này thường dễ bị suy giảm khi hệ tiết niệu gặp vấn đề hoặc do tuổi tác, từ đó dẫn đến tình trạng tiểu đêm.
Các bệnh lý về bàng quang, đường tiết niệu có thể gây ra tiểu đêm thường xuyên
Một số bệnh thông thường của đường tiết niệu gây ra tiểu đêm nhiều lần:
- Tắc nghẽn bàng quang do viêm niệu đạo.
- Bàng quang co bóp quá mức bình thường tạo cảm giác buồn tiểu.
- Viêm nhiễm bàng quang.
- Đường niệu bị nhiễm trùng do vi khuẩn .
- Sa bàng quang,...
2.4. Phụ nữ mang thai
Trong thời kỳ mang thai, tử cung mở rộng gây áp lực lên bàng quang, khiến bàng quang phải làm việc mạnh mẽ hơn và kích thích tiểu nhiều hơn. Tiểu đêm thường xảy ra chủ yếu từ tháng thứ 6 của thai kỳ trở đi, khi kích thước của thai nhi lớn hơn. Tùy thuộc vào cơ địa, tình trạng này có thể kéo dài đến cuối thai kỳ hoặc kết thúc sớm hơn.
2.5. Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt ở nam giới
Ở nam giới đặc biệt là ở độ tuổi trung niên từ 50 tuổi trở lên, thường dễ gặp tình trạng tăng sinh lành tính của tuyến tiền liệt. Sự phình to của tuyến tiền liệt xung quanh niệu đạo có thể gây ra tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu. Điều này dẫn đến việc thành bàng quang dày lên và gây rối loạn thói quen tiểu. Cùng với bệnh lý, thường có những triệu chứng khác như: tiểu gấp, tiểu ngắt quãng,...
3. Có thể tự điều trị bệnh tiểu đêm tại nhà không?
Đối với từng nguyên nhân bệnh khác nhau, có các phương pháp điều trị phù hợp và việc tự điều trị bệnh tiểu đêm tại nhà không được khuyến khích. Bởi ngoài những biểu hiện về sinh lý, tiểu đêm cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý trong cơ thể, nếu tự điều trị tại nhà có thể làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu nguyên nhân là do thay đổi thói quen ăn uống và tình trạng tiểu đêm chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, khoảng vài ngày, thì người bệnh có thể thực hiện các biện pháp cải thiện như điều chỉnh chế độ ăn uống và nghỉ ngơi.
Không nên tự điều trị bệnh tiểu đêm tại nhà nếu chưa được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên môn
Để đảm bảo sức khỏe an toàn, những người mắc bệnh tiểu đêm nhiều lần và kéo dài nên đi khám tại cơ sở y tế.
4. Cách phòng tránh bệnh tiểu đêm
Mặc dù không nên tự điều trị bệnh tiểu đêm tại nhà nhưng chúng ta có thể tự phòng tránh hoặc kết hợp điều chỉnh lối sống trong quá trình điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ để giúp cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn.
4.1. Chế độ ăn uống lành mạnh
- Trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ, hạn chế uống nước nhiều.
- Giảm thiểu việc sử dụng thức uống kích thích như cà phê, trà, bia, rượu,...
- Nên ăn trái cây tươi giàu vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, hạn chế ăn hoặc uống các loại trái cây nhiều nước như: bưởi, cam, dưa hấu,... sau 18h để tránh tích nước trong bàng quang và dễ gây tiểu đêm.
Thay đổi chế độ ăn lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe hệ tiết niệu
- Hạn chế sử dụng gia vị mặn như muối, nước mắm, nước tương,... Tránh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp,...
- Trong trường hợp cảm thấy khát nước giữa giấc ngủ, chỉ nên uống một ít nước để giảm cơn khát.
4.2. Thay đổi thói quen ngủ
- Thực hiện thói quen đi ngủ đều đặn và đúng giờ theo lịch sinh hoạt hàng ngày.
- Luôn đi tiểu trước khi đi ngủ để giảm lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang.
- Giữ tinh thần thư giãn và tránh căng thẳng về việc tiểu đêm để không kích thích hệ thần kinh gây ra cảm giác buồn tiểu.
- Đối với những người mắc bệnh tiểu đêm đặc biệt là người lớn tuổi hoặc phụ nữ mang thai, nên sắp xếp vệ sinh gần giường ngủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và đảm bảo an toàn.
4.3. Kiểm tra sức khỏe đều đặn
Bệnh tiểu đêm thường không có dấu hiệu cảnh báo rõ rệt cho người bệnh, đặc biệt là ở nhóm tuổi trung niên, thường gặp phải tình trạng này. Vì vậy, không chỉ những người ở độ tuổi trung niên hoặc có tiền sử bệnh tiết niệu mà tất cả mọi người nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát để phát hiện sớm bất thường trong cơ thể.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, việc đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra ngay là điều cần thiết