Task 2 thường được đánh giá là một thử thách khó nhằn và cần rất nhiều nỗ lực trong bài thi IELTS Writing. Trong phần này, thí sinh sẽ được yêu cầu viết một văn bản nghị luận (Argumentative Essay) theo yêu cầu của đề bài. Thí sinh thường phải trình bày các quan điểm như đồng tình, phản đối hay phân tích các mặt đối lập của vấn đề, phân tích thuận lợi và bất lợi, hoặc tìm các nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề trong cuộc sống. Với tính chất của dạng văn bản nghị luận (Argumentative Essay), thí sinh có thể đưa ra quan điểm của cá nhân liên quan tới vấn đề nhưng cần phải cung cấp lập luận hợp lý để chứng minh cho quan điểm của mình. Bài viết chỉ đưa ra các quan điểm mà không kèm theo các lập luận logic, chặt chẽ có thể thiếu tính thuyết phục và không đáp ứng được tiêu chí Task Response. Do đó, khi viết một văn bản nghị luận như Task 2, thí sinh cần bao gồm các luận cứ rõ ràng, hợp lý và có sự liên kết chặt chẽ. Một trong các dạng câu hỏi thường gặp của đề thi IELTS Writing Task 2 là câu hỏi “To what extent do you agree or disagree?”. Đối với dạng đề này, một số thí sinh thường lựa chọn viết theo hướng không hoàn toàn đồng ý hay phản đối thông tin đặt ra trong đề mà thí sinh sẽ nêu quan điểm “vừa đồng ý, vừa phản đối” hay “partly agree and partly disagree”. Tuy nhiên, có thể do bất cẩn hoặc vì chưa thành thạo kỹ năng lập luận, một vài thí sinh đã không thành công khi viết dạng văn bản kiểu này, dẫn tới một bài văn lan man, đưa ra các lập luận mâu thuẫn nhau và thiếu quan điểm rõ ràng cho cả bài văn. Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích và trình bày cách để viết một bài văn “vừa đồng ý, vừa phản đối” cho dạng đề “Agree or Disagree” sao cho bài văn có quan điểm rõ ràng, có trật tự logic trong luận cứ và mang lại hiệu quả thuyết phục đối với người đọc.
Key Takeaways
1. Dạng đề Agree or Disagree: Đề bài đưa ra một vấn đề và yêu cầu người viết nêu lên quan điểm đồng tình hay phản đối với vấn đề đã cho
2. Các đặc điểm chính của bài văn “vừa đồng tình, vừa phản đối”:
Luận điểm không ảnh hưởng tới điểm số
Lợi ích: nhiều cơ hội thể hiện vốn từ
Rủi ro: Khó khăn khi lập luận, có thể dẫn tới các lập luận mâu thuẫn
Cần xác định rõ phạm vi đồng ý, phạm vi phản đối
3. Xác định phạm vi đồng tình và phạm vi phản đối: Người viết phải chia vấn đề trong đề bài thành 2 phần, một phần để đồng tình, phần còn lại để phản đối
Giới thiệu về dạng đề bài Đồng ý hoặc Phản đối
Quan sát các đề bài ví dụ sau:
1. Families who send their children to private schools should not be required to pay taxes that support the state education system. To what extent do you agree or disagree with this statement?
2. Universities should accept equal numbers of male and female students in every subject. To what extent do you agree or disagree?
3. Some people who have been in prison become good citizens later, and it is often argued that these are the best people to talk to teenagers about the dangers of committing a crime. To what extent do you agree or disagree?
Ở các đề bài trên, ta có thể thấy rõ cấu trúc dạng “Agree or Disagree”. Thí sinh sẽ được thoải mái lựa chọn và nêu ra quan điểm cá nhân liên quan tới vấn đề nhưng thí sinh cần cung cấp các lý lẽ và dẫn chứng hợp lý để thuyết phục người đọc đồng tình với quan điểm của mình.
Đối với dạng đề này, cách làm an toàn và thận trọng nhất là thí sinh sẽ lựa chọn nghiêng hẳn về một phía theo quan điểm hoàn toàn đồng ý hoặc hoàn toàn không đồng ý. Khi đó thí sinh sẽ nêu ra quan điểm mà mình lựa chọn và trình bày các lý do chứng minh rằng quan điểm của mình là đúng. Các lý lẽ và dẫn chứng phải hợp lý và có tính thuyết phục cao đối với người đọc.
Tuy nhiên, một số thí sinh có thể mong muốn viết một bài văn theo hướng “vừa đồng ý, vừa phản đối” chứ không muốn nghiêng hoàn toàn về một phía. Đây là một hướng làm bài khá hay và sáng tạo nhưng cũng tiềm tàng nhiều rủi ro, bởi nếu không cẩn thận, thí sinh có thể tạo ra một văn bản thiếu logic với các luận cứ mâu thuẫn với nhau.
Phương pháp viết bài vừa đồng ý vừa không đồng ý
Hiểu rõ về loại văn bản này
Trước khi đến với cách viết, chúng ta cần hiểu rõ các thông tin về dạng bài viết “vừa đồng ý, vừa phản đối”.
a. Thứ nhất, quan điểm “vừa đồng ý, vừa phản đối” sẽ không mang lại cho thí sinh số điểm cao hơn quan điểm 100% đồng ý hay 100% phản đối.
Các thí sinh cần hiểu rõ, quan điểm của thí sinh đối với vấn đề trong bài thi không phải là một trong các tiêu chí chấm điểm. Nói cách khác, điểm số thí sinh sẽ được đánh giá dựa trên các phần thể hiện về từ vựng, ngữ pháp, sự liên kết trong bài văn và khả năng thực hiện đúng yêu cầu đề bài chứ quan điểm thế nào hoàn toàn không ảnh hưởng đến điểm số. Thí sinh có toàn quyền tự do thể hiện quan điểm của mình. Có rất nhiều bài viết được viết theo hướng 100% đồng tình hoặc 100% phản đối và vẫn đạt được những kết quả rất tốt.
b. Thứ hai, thí sinh cần cân nhắc kỹ lợi ích và tác hại của việc viết theo hướng vừa đồng tình, vừa phản đối trước khi lựa chọn viết bài văn theo hướng này.
Tuy quan điểm thế nào không ảnh hưởng đến điểm số, bài viết “vừa đồng ý, vừa phản đối” mang lại một lợi ích to lớn đó là thí sinh sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện vốn từ và vốn cấu trúc ngữ pháp của bản thân.
Ví dụ, như ở trong bài viết 100% đồng tình hay 100% phản đối, thí sinh sẽ dùng hoàn toàn các ngôn ngữ ủng hộ hoặc dùng hoàn toàn các ngôn ngữ phản đối. Để thể hiện quan điểm theo một hướng, thí sinh chỉ có thể dùng các cụm từ và các cấu trúc để dẫn dắt bài văn theo một hướng, ủng hộ hoặc bác bỏ vấn đề đã đặt ra. Khi viết văn bản “vừa đồng tình, vừa phản đối”, thí sinh có cơ hội để dùng cả ngôn ngữ đồng tình lẫn ngôn ngữ phản đối trong bài viết của mình. Giám khảo có thể thấy được cả lập luận ủng hộ lẫn lập luận bác bỏ trong bài viết. Từ đó, bài viết “vừa đồng tình, vừa phản đối” thành công có thể mang lại một số điểm tuyệt vời cho thí sinh.
Tuy nhiên, thí sinh cũng cần cân nhắc kỹ các rủi ro của việc làm bài theo hướng này. Dù sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện vốn từ và kiến thức ngữ pháp, nhưng nếu không cẩn thận, thí sinh có thể tạo ra một bài văn nghị luận thất bại. Khi viết văn bản theo hướng này (vừa đồng tình, vừa phản đối), thí sinh có thể mắc các lỗi như xác định phạm vi đồng tình và phạm vi phản đối không rõ ràng, dẫn đến quan điểm mơ hồ và không trả lời được câu hỏi trong đề bài. Hoặc có thể các phép lập luận của thí sinh được diễn đạt chưa khéo léo khiến các lý lẽ và dẫn chứng mâu thuẫn với nhau, làm cho bài văn trở nên thiếu thuyết phục.
c. Phải xác định rõ phạm vi đồng tình và phạm vi phản đối khi viết dạng văn bản này.
Như đã nhắc tới ở trên, xác định phạm vi đồng tình và phạm vi phản đối của vấn đề đặt ra là một nhiệm vụ quan trọng thí sinh cần thực hiện một cách khéo léo, bởi việc xác định này sẽ tạo tiền đề cho một bài văn có quan điểm rõ ràng.
Xác định phạm vi đồng ý và phạm vi không đồng ý
Rất nhiều thí sinh khi viết bài văn “vừa đồng tình vừa phản đối” đều sẽ chỉ nêu ra một cách mơ hồ rằng “Đối với vấn đề được đặt ra quan điểm của tôi là vừa đồng ý vừa không đồng ý”. Đó là một quan điểm không rõ ràng và sẽ dẫn tới nhiều khó khăn trong việc định hướng bài văn
Quan sát ví dụ sau:
Đề: Universities should accept equal numbers of male and female students in every subject. To what extent do you agree or disagree?
Thesis statement trong mở bài: Regarding the problem, I partly agree and partly disagree.
Đây là một ví dụ về quan điểm không rõ ràng. Với câu chủ đề của bài văn như trên, sau khi đưa ra quan điểm này trong mở bài, người viết có thể sẽ viết một đoạn thân bài nêu ra các luận cứ đồng tình với vấn đề. Sau đó, người viết sẽ trình bày tiếp một đoạn thân bài nữa.
Ta có thể thấy, cách làm bài theo hướng trên hoàn toàn vô nghĩa về mặt lý luận bởi có thể sau khi đọc xong cả bài, người đọc cũng không thể hiểu được quan điểm rõ ràng của người viết là gì. Người đọc có thể cảm thấy khó hiểu và đánh giá thấp bài văn nghị luận này khi thấy các thông luồng thông tin chính trong bài hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Nếu tác giả vừa chứng minh đồng tình ở đoạn đầu tiên thân bài rồi lại chứng minh phản đối ở đoạn thứ hai thân bài thì bài văn sẽ hoàn toàn vô giá trị bởi bài văn không có quan điểm rõ ràng và hiển nhiên là không thể thuyết phục được người đọc tin vào một điều không rõ ràng.
Để viết một bài văn “vừa đồng tình vừa phản đối” một cách hiệu quả, trước hết, người viết cần xác định rõ phạm vi đồng tình và phạm vi phản đối của vấn đề. Nói cách khác, từ vấn đề mà đề bài đặt ra, người viết sẽ chia vấn đề đó ra thành 2 phần chính, một phần để đồng tình và một phần để phản đối. Sau đó, người viết sẽ nêu ra quan điểm đồng tình với phần này của vấn đề và phản đối phần còn lại của vấn đề đã phân tích.
Ta có thể xem xét ví dụ sau:
Đề bài: Some people think that all teenagers should be required to do unpaid work in their free time to help the local community. They believe this would benefit both the individual teenager and society as a whole. Do you agree or disagree?
Với đề bài trên, trước khi bắt đầu viết theo hướng “vừa đồng ý, vừa không đồng ý”, người viết cần phân tích và chia nhỏ vấn đề ra thành hai phần. Ở đề bài trên, ta có thể thấy vấn đề gồm thông tin chính:
- Thanh thiếu niên nên bị bắt buộc làm các công việc không lương cho cộng đồng
- Các công việc này cho thể mang lại lợi ích
Sau khi đã phân tích, mổ xẻ và định hướng phần nào đồng tình cũng như phần nói phản đối. Thí sinh cần nêu rõ ra quan điểm của mình ngay trong mở bài.
Mở bài đề xuất:
That adolescents have the obligation to make contributions to the society via unpaid work remains a widely controversial problem. Some people support the idea as they argue that these activities are beneficial for both the young workers and the society. From my perspective, despite some undeniable advantages that these activities may bring about, I am strongly opposed to forcing teenagers to engage in these tasks involuntarily.
Phân tích mở bài trên, ta có thể thấy mở bài thực hiện khá tốt hai chức năng: nêu rõ quan điểm và định hướng cho lập luận trong thân bài.
Trước hết, ta thấy quan điểm trong mở bài được nêu ra rất rành mạch và dễ hiểu tại câu chủ đề (thesis statement): From my perspective, despite some undeniable advantages that these activities may bring about, I am strongly opposed to forcing teenagers to engage in these tasks involuntarily.
Như đã nói ở trên, một trong những lỗi cơ bản và phổ biến khi viết bài văn theo hướng vừa đồng ý vừa phản đối đó là việc không đưa ra được quan điểm rõ ràng. Khi viết bài văn nghị luận trong IELTS Writing Task 2, điều tối quan trọng là người viết phải nêu ra được một quan điểm đầy đủ, thể hiện chính xác nhiệm vụ của bài viết ngay từ mở bài. Việc nêu lên những quan điểm như “Với vấn đề trên, tôi vừa đồng ý và vừa không đồng ý” không được đánh giá cao quan điểm ấy rất mập mờ, tối nghĩa. Đồng ý và phản đối là thái cực hoàn toàn đối lập nhau, người viết không thể nào vừa đồng tình và vừa phản đối cùng một đối tượng. Do đó, việc phân tích đối tượng đề bài ban đầu thành hai phạm vi riêng biệt và nêu hai quan điểm riêng biệt cho mỗi phần là việc cần thiết để tránh tạo ra sự mâu thuẫn ngay tại câu chủ đề đầu bài.
Bên cạnh đó, mở bài như trên cũng đã tạo ra một ranh giới rạch ròi giữa phần được đồng ý và phần bị phản đối, hình thành một định hướng rõ ràng cho lập luận ở thân bài. Người viết có thể chia thân bài thành hai đoạn, một đoạn lập luận đồng ý với phần đồng ý và đoạn còn lại để phản bác phần còn lại của vấn đề. Bằng cách này, bài văn sẽ có bố cục chỉn chu, chặt chẽ và dễ hiểu hơn.
Bài tập áp dụng thực hành
Bài 1: We cannot help everyone in the world that needs help, so we should only be concerned with our own communities and countries.To what extent do you agree or disagree with this statement?
Lời giải 1:
Với đề bài như trên, người viết có thể thực hiện theo các hướng dẫn ở trên, mổ xẻ vấn đề thống nhất ban đầu thành hai phạm vi riêng rẽ, độc lập. Sau đó, người viết có thể thoải mái nêu lên quan điểm đồng tình hoặc phản đối với vấn đề đã đặt ra. Ví dụ:
Phạm vi đồng tình: Chúng ta không thể giúp đỡ tất cả mọi người trên thế giới
Phạm vi phản đối: Chúng ta chỉ nên giúp đỡ những người thuộc đất nước hay cộng đồng của mình.
Lời giải 2: Tương tự như các ví dụ và lời giải ở trên, để viết một bài văn “vừa đồng ý, vừa phản đối” thành công thì một việc cực kỳ quan trọng cần chú ý đó là xác định và phân biệt rạch ròi phạm vi đồng tình cũng như phạm vi phản đối. Điều này sẽ tạo ra định hướng rõ ràng để phát triển ý tưởng bài văn. Ví dụ:
Phạm vi đồng tình: Các cựu tù nhân có thể hòa nhập được và trở thành các công dân tốt sau khi mãn hạn tù
Phạm vi phản đối: Các cựu tù nhân là những người tốt nhất có thể giáo dục thanh thiếu niên về sự nguy hiểm của việc pham tội
Sau khi xác định phạm vi đồng tình và phạm vi phản đối trong mở bài, người viết có thể bố cục thân bài theo 2 đoạn: một đoạn để chứng minh thông tin mình đồng tình và một đoạn để lập luận bác bỏ thông tin mình phản đối.
Bài 3: The older generations tend to have very traditional ideas about how people should live, think and behave. However, some people believe that these ideas are not helpful in preparing younger generations for modern life.To what extent do you agree or disagree with this view?
Tương tự như trên, tác giả có thể hướng dẫn bài viết theo hướng “vừa đồng ý vừa phản đối “ bằng cách xác định rõ phạm vi cụ thể:
Phạm vi đồng ý: Người cao tuổi thường có quan điểm khá truyền thống về lối sống, tư duy và cách hành xử.
Phạm vi phản đối: Những quan điểm này hoàn toàn không phù hợp trong cuộc sống hiện đại của giới trẻ.