Piano cánh (bên trái) và piano tủ (bên phải) | |
Nhạc cụ dùng phiếm bấm | |
---|---|
Phân loại của Hornbostel–Sachs | 314.122-4-8 (Simple chordophone with keyboard sounded by hammers) |
Phát minh bởi | Bartolomeo Cristofori |
Phát triển bởi | Đầu thế kỉ 18 |
Âm vực | |
Piano hay còn gọi là dương cầm là một nhạc cụ bàn phím có dây, trong đó các dây được gõ bằng các búa gỗ bọc vật liệu mềm hơn (các búa hiện đại thường được phủ len dày, một số đàn piano cổ dùng lông). Nhạc cụ này được chơi bằng cách nhấn hoặc gõ các phím trên bàn phím, khiến các búa đập vào dây đàn. Piano được phát minh ở Ý bởi Bartolomeo Cristofori khoảng năm 1700.
Tên gọi và nguồn gốc
Trước đây, Việt Nam sử dụng từ 'Tây Dương' để chỉ các nước Tây Âu. Khi Piano từ phương Tây du nhập vào Việt Nam, nó được gọi là 'Tây Dương cầm', sau đó rút gọn thành 'dương cầm'. 'Cương cầm' (phồn thể: 鋼琴 / giản thể: 钢琴 / bính âm: gāng qín) là cách gọi piano ở Trung Quốc. Một từ Hán Việt khác cũng là Dương cầm nhưng chỉ đến đàn tam thập lục của Trung Quốc, không liên quan đến piano.
Giới thiệu
Quá trình phát triển
Những cây đàn piano cổ điển, còn gọi là dương cầm cổ điển, phát triển từ những đàn clavico (harpsichord) vào khoảng thế kỷ 16 và 17. Vào khoảng năm 1700, Bartolomeo Cristofori đã cố gắng tạo ra một loại đàn harpsichord có khả năng thể hiện âm nhạc một cách sinh động hơn. Ông đã chế tạo một cơ chế mà các búa gõ vào dây, thay vì dùng quill như đàn harpsichord. Một điểm đặc biệt của đàn piano thời kỳ đầu là cơ chế búa thoát, giúp búa tách rời khỏi phím sau khi nốt được đánh, tạo ra một sự thay đổi lớn về biểu cảm âm thanh. Những cây đàn piano đầu tiên của Cristofori vẫn giữ nhiều đặc điểm của clavecin, tuy nhiên người chơi đã có thể tạo ra âm nhạc bằng cách nhấn các phím.
Các thiết kế của Cristofori không được biết đến cho đến cuối thế kỷ 18, khi các bản thiết kế của ông được công bố. Các nhà sản xuất như Gottfried Silbermann người Đức cùng các học trò của ông là Christian Friederici và Johannes Zumpe đã phát triển piano thành một nhạc cụ độc lập với clavecin. Mặc dù ban đầu không được đánh giá cao, nhưng piano đã nhận được sự ủng hộ của J.S. Bach vào năm 1747. Âm nhạc bắt đầu được viết riêng cho piano từ năm 1732, đánh dấu sự khởi đầu của nó như một nhạc cụ biểu diễn chính.
Sau năm 1750, piano cổ điển phát triển theo hai hướng chính. Ở Anh, đàn piano trở nên nặng nề và phức tạp hơn. Trong khi đó, ở Đức, một loại đàn nhẹ hơn với cấu trúc đơn giản hơn, được gọi là đàn xứ Viên do Johann Andreas Stein chế tạo, trở nên phổ biến. Đây chính là những cây đàn mà Haydn, Mozart và Beethoven đã chơi và sáng tác trên đó.
Khi piano cổ điển ngày càng phát triển, nó trở thành một nhạc cụ độc lập với yêu cầu âm thanh lớn hơn. Để đạt được điều này, các dây đàn phải được làm dày hơn và bộ khung cần phải vững chắc hơn, nhằm tạo ra áp lực lớn hơn. Khung của đàn piano thường được chế tạo bằng gỗ, trở nên dày hơn và nặng hơn với các thanh chằng chéo để tăng cường sự chắc chắn. Vào năm 1820, Thomas Allen vẫn dùng ống kim loại để căng dây, trong khi John Broadwood, một nhà sản xuất thành công người Anh, bắt đầu sử dụng các tấm sắt thay vì gỗ để giữ dây căng. Đến năm 1825, Alpheus Babcock sáng chế khung gang và năm 1843, Jonas Chickering, một người Mỹ, bắt đầu sản xuất piano với khung hình tròn vành, một đặc trưng của piano cánh hiện nay. Henri Pape cũng phát triển hệ thống chằng dây vào năm 1828 và Steinway cấp bằng sáng chế vào năm 1859, giúp đặt dây bass dài hơn lên cao hơn các dây kim loại và cải thiện sự hồi âm bằng cách đặt dây bass qua bảng cộng hưởng.
Việc sản xuất hàng loạt đàn piano cổ điển bắt đầu vào những năm 1800, với sự ra đời của các công ty lớn chuyên chế tạo đàn. Những công ty này đã phát triển dựa trên mẫu đàn cánh và hoàn thiện thiết kế của nó cho đến năm 1821.
Đặc điểm và cấu trúc
Đàn dương cầm cổ điển tạo ra âm thanh bằng cách dùng các búa bọc nỉ gõ vào dây thép, khiến chúng rung lên và tạo ra âm thanh vang vọng. Những rung động này được truyền qua các cầu đến bảng cộng hưởng, bộ phận khuếch đại âm thanh.
Ứng dụng
Đàn dương cầm có rất nhiều ứng dụng thực tiễn trong việc biểu diễn và sáng tác âm nhạc, bao gồm nhiều thể loại khác nhau như nhạc cổ điển và nhạc hiện đại.
Nhạc jazz
Jazz là một thể loại âm nhạc xuất phát từ cộng đồng người châu Phi tại Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Jazz nhanh chóng lan rộng trên toàn nước Mỹ với phong cách âm nhạc độc đáo, kết hợp các yếu tố của âm nhạc Mỹ gốc châu Âu và âm nhạc Mỹ gốc Phi, với một xu hướng mạnh mẽ về biểu diễn.
Trong nhạc jazz, piano là một nhạc cụ rất phổ biến, thường được sử dụng để chơi solo như một nhạc cụ độc lập trên nền nhạc hoặc để đệm cho các nhạc cụ khác hoặc ca sĩ.
Nhạc cổ điển
Nhạc cổ điển là một thể loại nghệ thuật phát triển từ truyền thống tế lễ phương Tây, bao gồm cả nhạc tôn giáo và nhạc thế tục, trải dài từ thế kỷ XI cho đến nay.
Có nhiều thể loại nhạc cổ điển được sáng tác dành riêng cho đàn dương cầm, bao gồm: sonata cho piano, concerto cho piano và dàn nhạc, mazurka, polonaise, rondo, nocturne...
Các thể loại nhạc khác
Piano được sử dụng rộng rãi trong nhiều thể loại nhạc khác nhau, có thể là để đệm cho ca sĩ hoặc các nhạc cụ khác, hoặc để biểu diễn các bản nhạc không lời đã được chuyển soạn cho piano.
Tiền thân
Harpsichord
Harpsichord là một nhạc cụ có từ thế kỷ 15, với cấu tạo phím và dây, trong đó các dây được gẩy bằng một mảnh lông quạ gắn ở cuối phím. Harpsichord có nhiều hình dáng khác nhau và có thể trông giống như một chiếc dương cầm lớn. Dù rất phổ biến trong nhiều thế kỷ và được các nhà soạn nhạc nổi tiếng như J. S. Bach sử dụng, nó có một hạn chế lớn là không thể thay đổi âm lượng theo độ mạnh nhẹ khi người chơi bấm phím.
Clavichord
Clavichord là một trong những nhạc cụ phím nhỏ gọn và đơn giản, phát ra âm thanh qua các dây. Dựa trên các tài liệu và hình vẽ, clavichord, với thiết kế tương tự như một số mẫu hiện còn, đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 15. Clavichord được ưa chuộng ở Tây Âu trong thời kỳ Phục hưng và ở Đức đến đầu thế kỷ 19, nhưng chủ yếu được dùng để luyện tập và chơi cá nhân hơn là sáng tác. Khi người chơi ấn phím, một mảnh kim loại bật lên và gõ vào dây, đồng thời giữ dây căng, khiến âm thanh kéo dài cho đến khi phím được thả ra. Hệ thống đơn giản này cho phép người chơi điều chỉnh cường độ và thời gian của âm thanh.
Pianoforte
Năm 1709, thợ chế tạo harpsichord người Ý Bartolomeo Cristofori đã tạo ra cây dương cầm đầu tiên trên thế giới, gọi là piano et forte (nhẹ và mạnh). Chẳng bao lâu sau, các thợ thủ công khác bắt đầu chế tạo những chiếc pianoforte với cơ chế búa. Pianoforte nhanh chóng thay thế harpsichord và clavichord nhờ những ưu điểm vượt trội mà các nhạc cụ phím khác không có. Fortepiano, một nhạc cụ dây-búa, có khả năng thay đổi âm lượng dựa vào độ mạnh nhẹ của bấm phím. Đến khoảng năm 1850, từ 'fortepiano' được thay thế bằng 'piano'. Vào đầu thế kỷ 18, dương cầm chưa được ưa chuộng nhiều. J.S. Bach, có thể, vẫn ưa thích clavichord, nhạc cụ mà ông quen chơi và dễ sử dụng hơn.
Dương cầm vuông
Khoảng năm 1760, Johannes Zumpe đã chế tạo dương cầm vuông kiểu Anh đầu tiên tại London, sau này được gọi là 'piano vuông lớn'. Không lâu sau, Broadwood ở London và Erard ở Pháp cũng sản xuất những chiếc tương tự. Johann Behrend ở Philadelphia trưng bày chiếc dương cầm vuông của mình vào năm 1775. Những chiếc đàn vuông này có âm thanh yếu hơn và không thể so sánh với các pianoforte lớn. Hơn nữa, dương cầm vuông không có cơ cấu nhấc và búa không thể gõ vào dây một cách liên tục. Búa đàn, làm từ gỗ nhỏ và lớp da mỏng, đều có kích thước giống nhau dù phải gõ lên dây bass lớn nhất. Trong suốt thế kỷ 19, nhiều công ty dương cầm hàng đầu ở Mỹ như Chickering, Knabe, Steinway và Mathushek đã chế tạo dương cầm vuông lớn để trang trí, dù dương cầm vuông vẫn thống trị thị trường, đặc biệt ở Mỹ.
Một hạn chế của những nhạc cụ phím đầu tiên, bao gồm dương cầm vuông, là âm thanh còn yếu. Để có âm thanh mạnh mẽ hơn, cần sử dụng dây nặng hơn và khung âm lớn hơn. Khung gỗ không thể chịu được sức căng của dây nặng, vì vậy vào năm 1825, Alpheus Babcock đã chế tạo khung sắt hoàn chỉnh. Tuy nhiên, phải đến năm 1837, Jonas Chickering mới hoàn thiện thiết kế và nhận được bằng sáng chế. Dù có tranh cãi về việc khung sắt có ảnh hưởng tiêu cực đến âm thanh, nó vẫn được chấp nhận. Năm 1855, Steinway đã giới thiệu dương cầm vuông kiểu dây đan tại hội chợ thế giới ở New York, chứng minh rằng nó là đối thủ đáng gờm của dương cầm Chickering và thúc đẩy nghiên cứu chế tạo dương cầm trong tương lai.
Các kiểu đàn hiện tại
Hiện nay, trên thị trường có ba loại đàn dương cầm: dương cầm lớn, dương cầm đứng và loại kết hợp giữa hai kiểu trên.
Dù đàn đứng có chất lượng cao đến đâu, chúng vẫn không được xem là nhạc cụ chuyên nghiệp bởi nhiều người chơi piano. Các yếu tố như nghiên cứu hay sở thích cá nhân là lý do chính cho đánh giá này. Một mục tiêu của các nhà sản xuất đàn đứng là làm cho âm thanh của chúng gần giống như đàn lớn.
Hình dạng của đàn đứng, vốn được thiết kế cho sử dụng trong nhà, có thể tạo cảm giác không thoải mái. Nó cũng gây khó khăn cho người chơi trong việc quan sát khán giả, cũng như cho khán giả trong việc thấy người chơi và cảm nhận âm thanh.
Đàn lớn có hệ thống phím được thiết kế để tận dụng trọng lượng của phím giúp chúng trở lại vị trí ban đầu. Trong khi đó, đàn đứng sử dụng lò xo. Hệ thống phím là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh của đàn piano và đánh giá của người chơi về âm thanh.
Các tấm chặn trên đàn piano lớn hoạt động hiệu quả hơn vì chúng chặn dây ngay tại vị trí búa gõ. Ngược lại, trên đàn đứng, các tấm chặn chỉ nằm bên cạnh dây nên hiệu quả không bằng. Tuy nhiên, tác động của việc chặn dây, yếu tố quan trọng trong chất lượng âm thanh, vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Đàn lớn có hình dạng tối ưu hơn so với đàn đứng. Hộp cộng hưởng của đàn lớn mở ra ở cả hai bên, cho phép âm thanh phát ra tự do. Trong khi đó, đàn đứng có hộp cộng hưởng bị che chắn bởi vỏ đàn và thường đặt gần tường, dẫn đến âm thanh mềm và kém trong hơn so với đàn lớn.
Hai cây đàn có cùng kiểu dáng có thể tạo ra âm thanh rất khác biệt do sự tinh xảo trong chế tạo. Đàn lớn thường mang lại cảm giác phím chuẩn hơn, âm thanh tốt hơn nhờ nguyên liệu và kỹ thuật chế tạo chất lượng cao. Những khác biệt này có thể được nghe thấy và nhận ra bởi các thợ sửa đàn.
Ưu điểm âm thanh của đàn lớn phần lớn là do kích thước lớn hơn so với đàn đứng hiện tại. Các yếu tố khác như vị trí ngang của dây và hộp cộng hưởng cũng tạo điều kiện cho âm thanh phát tán tốt hơn.
Dương cầm lai kết hợp ưu điểm của cả hai loại đàn: dây và hộp cộng hưởng nằm ngang, với kích thước nhỏ gọn phù hợp cho các phòng. Tuy nhiên, dù nó nhỏ hơn đàn lớn, chất lượng âm thanh của dương cầm lai vẫn không bằng đàn lớn chính hiệu.
Cấu tạo và các bộ phận
Phím đàn
Pedal
Cơ chế hoạt động của đàn
Chăm sóc và bảo trì
Các nhà sản xuất đàn piano luôn chú trọng đến việc kiểm soát độ ẩm để bảo vệ đàn. Đối với mỗi loại đàn, đặc biệt là Grand Piano, nhà sản xuất sẽ đưa ra mức độ ẩm tối ưu. Chẳng hạn, một số loại piano khuyên nên duy trì độ ẩm trong khoảng 30% - 70%, trong khi các hãng như Steinway & Sons khuyến nghị từ 40% - 60% để bảo quản đàn một cách tốt nhất.
Kỹ thuật và cách chơi đàn
Chức năng
Piano không chỉ làm đẹp cho không gian trong nhiều ngôi nhà mà còn là nhạc cụ thiết yếu ở cả phòng hòa nhạc lớn và nhỏ. Với các phòng khách nhỏ, thường chọn đàn piano dạng đứng (Upright), trong khi phòng khách rộng hơn có thể chứa một cây Grand Piano. Đàn Concert Grand dài 2.7 mét thường được đặt trong các phòng hòa nhạc hoặc không gian lớn. Đặc biệt, cây Concert Grand dài khoảng 308cm của Fazioli có thể được đặt ở các phòng hòa nhạc lớn.