Lý do ra đời của Prachand
LCH được phát triển để đáp ứng nhu cầu của Không quân (IAF) và Lục quân Ấn Độ, họ đã đặt mua lần lượt 62 và 114 chiếc. Vai trò của Prachand rất đa dạng bao gồm theo dõi các mục tiêu trên không đang di chuyển chậm, theo dõi máy bay được điều khiển từ xa, hoạt động chống nổi dậy trong môi trường rừng rậm lẫn đô thị, phá hủy hệ thống phòng thủ của đối phương, tiến hành các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ, tham gia các hoạt động chống tăng và thực hiện nhiệm vụ trinh sát. Nó có một hệ thống liên kết dữ liệu giúp truyền dữ liệu về nhiệm vụ đến các phương tiện di động và trạm mặt đất nằm trong cùng mạng lưới.
Hai chiếc Prachand của IAF tại Jodhpur ngày 3/10/2022.
Thiết kế và hệ thống vũ khí
Tháp súng Nexter THL-20 dưới cằm trực thăng.
Prachand cũng được trang bị bệ phóng tên lửa FZ231 do Forges de Zeebrugge chế tạo có khả năng mang các rocket cỡ 70mm. Ngoài ra còn có các tên lửa không đối không, không đối đất và chống bức xạ của nhà thầu Âu châu MBDA, cùng với tên lửa dẫn đường chống tăng Helina. Vật liệu nổ bao gồm bom sắt, bom chùm và súng phóng lựu.
Buồng lái và hệ thống ứng phó
LCH có buồng lái trang bị màn hình điện tử đủ chỗ cho 2 phi công, người này ngồi sau người kia. Buồng lái được trang bị các màn hình đa chức năng, hệ thống thu thập và chỉ định mục tiêu cũng như máy quay phim kỹ thuật số để ghi lại cảnh quay chiến trường. Trên mũ bảo hiểm có gắn hệ thống nhắm mục tiêu JedEyes, cung cấp hình ảnh độ phân giải cao và cho phép phi công quan sát bao quát mặt đất và bầu trời.
Kiến trúc tích hợp và hệ thống màn hình trong buồng lái.
Cụm camera của Prachand (khoanh đỏ).
Trực thăng được trang bị máy thu cảnh báo bằng sóng radar và laser, hệ thống cảnh báo tên lửa đang đến gần, hệ thống phân bổ biện pháp ứng phó và thiết bị gây nhiễu tên lửa. Trên mô-tơ quay của máy bay cũng có hệ thống động lực tích hợp và hệ thống cách ly chống cộng hưởng (ARIS) - giúp cách ly thân trực thăng khỏi các rung động do cánh quạt tạo ra.
Nó còn được trang bị Hệ thống Ức chế tia Hồng ngoại (IRSS) do khí thải động cơ phát ra, được WR Davis Engineering cung cấp. IRSS tăng cường khả năng phục hồi của máy bay trước tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại bằng cách giảm khoảng cách khóa tên lửa và tạo điều kiện cho hoạt động vượt trội của thiết bị gây nhiễu hồng ngoại và pháo sáng.
Về khả năng “tàng hình”, Prachand có một máy phun áp suất ngược (làm giảm áp suất ngược lên động cơ, từ đó cải thiện hiệu suất của động cơ) kết hợp với một ống xả làm mát hướng lên trên (tạo ra một lớp mỏng không khí mát bao quanh luồng khí thải, giúp giảm tín hiệu hồng ngoại của trực thăng), đem lại khả năng phòng thủ đáng kể trước hệ thống phòng không di động tầm nhiệt tiên tiến do người mang vác.
Động cơ
Hai động cơ trục tuabin HAL/Turbomeca Shakti cung cấp năng lượng cho trực thăng, mỗi động cơ có công suất 871 kW và vận hành được tới 3.000 giờ mà không cần bảo trì. Prachand có tốc độ hành trình 260 km/giờ và tốc độ tối đa 268 km/giờ. Trực thăng có thể leo cao với tốc độ 12 mét/giây, đạt độ cao tối đa 2.743 mét với phạm vi bay 550 km, trọng lượng cất cánh tối đa là 5.800 kg.
Động cơ Turbomeca Shakti có hệ thống Điều khiển Điện tử Kỹ thuật số, giảm bớt công việc cho phi công bằng cách tự động đếm chu kỳ động cơ. Mỗi động cơ nặng 205 kg và giúp cánh quạt đạt tốc độ quay 21.000 vòng/phút.
Quá trình phát triển
HAL đã tiết lộ kế hoạch chế tạo LCH từ năm 2006 và được chính phủ Ấn Độ phê duyệt ngay cùng năm với chi phí phát triển 44,97 triệu USD. Năm 2007, chiếc trực thăng nguyên mẫu được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Ấn Độ. Nó hoàn thành chuyến bay thử nghiệm tại Bengaluru, bang Karnataka vào tháng 3/2010, bao gồm việc bay tốc độ thấp ở độ cao hạn chế. Tiếp đó nguyên mẫu thứ nhì cũng được trưng bày vào năm 2011. Tổng cộng HAL đã phát triển 3 nguyên mẫu trực thăng Prachand.
IAF đã lên kế hoạch mua 64 chiếc LCH như một phần của hợp đồng trị giá 4 tỷ USD ký với HAL vào tháng 3/2011. Chúng dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng năm 2012 nhưng việc giao hàng bị trì hoãn do một số vấn đề phát triển.
Tháng 3/2022, Ủy ban An ninh Nội các Ấn Độ đã đồng ý mua 15 trực thăng với giá 465,68 triệu USD. Đến tháng 10/2022, IAF đã đưa vào sử dụng 10 chiếc và trang bị cho Đơn vị Trực thăng Số 143. Đối với Lục quân Ấn, có 5 chiếc đã chuyển giao cho Phi đội Hàng không Lục quân 351.
Trực thăng Prachand là minh chứng cho những tiến bộ của Ấn Độ trong công nghệ hàng không và năng lực quân sự. Việc đưa Prachanda vào kho vũ khí của IAF không chỉ giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Ấn Độ mà còn cho thấy năng lực phát triển sản phẩm nội địa mạnh mẽ của nước này.
Theo AT.