Việc phát âm chuẩn và nói như người bản xứ từ lâu đã trở thành một mục tiêu mà hầu hết những người học tiếng Anh nào cũng đều mong muốn. Tuy nhiên, để đạt được đến trình độ native-like pronunciation (Phát âm chuẩn như người bản xứ), người học phải trả qua một quá trình học rất dài và liệu việc phát âm chuẩn này có giúp người học thể hiện được hết điều mình muốn nói? Judy B. Gilbert cho rằng mục đích quan trọng của việc nói tiếng Anh là nói để làm sao người khác hiểu, đặc biệt là để cho người bản xứ hiểu được. Vì vậy, kể cả khi những người học tiếng Anh có thể phát âm chuẩn từng từ, dùng đúng ngữ pháp nhưng nếu không truyền tải được ý mình muốn nói và khiến người bản xứ khó hiểu thì việc nói tiếng Anh này được đánh gía là chưa hiệu quả.
Cũng theo Gilbert, nếu học phát âm các từ riêng rẽ mà không học dựa trên văn cảnh (context) cũng như thiếu đi sự hiểu biết về nhịp điệu ( rhythm) và âm điệu (melody), thì việc nói tiếng Anh chưa thể có kết quả như mong muốn. Do đó để cải thiện trình độ nói tiếng Anh, việc quan trọng là tập trung vào ngôn điệu của câu thay vì cố phát âm chuẩn từng từ và quá để ý đến các lỗi ngữ pháp. Vì vậy Judy B. Gilbert đã giới thiệu một phương pháp là Prosody Pyramid ( Tháp ngôn điệu) vào năm 2008 nhằm giúp những người học tiếng Anh có thể cải thiện phát âm dựa trên việc học qua ngôn điệu.
Bài viết này sẽ giới thiệu và phân tích tác dụng của phương pháp này đồng thời đưa ra định hướng ứng dụng nó vào trong việc học phát âm.
Prosody Pyramid là gì?
Theo Gilbert, khi người bản xứ nói tiếng Anh, việc quan trọng giúp người nghe hiểu được những gì họ nói là bằng cách chia nhỏ câu ra, nhóm các từ lại với nhau để thông tin có thể được tiếp nhận dễ dàng hơn. Hay nói cách khác, các câu tiếng Anh sẽ không được nói một cách trơn tru, không ngừng nghỉ mà nó sẽ được chia nhỏ thành các đoạn ngắn hơn gọi là Thought Group. Thought group có thể là 1 câu ngắn, một mệnh đề hoặc thậm chí là một cụm từ có nghĩa . Trong mỗi Thought Group lại có một Focus Word (một từ quan trọng, mà người nói muốn nhấn mạnh hơn các từ khác). Focus word đó sẽ có Stress (trọng âm) và âm tiết nhận trọng âm sẽ được gọi là Peak (âm đỉnh).
Ví dụ dưới đây sẽ giúp người đọc dễ hình dung hơn mô hình Tháp ngôn điệu: I woke up late, so i missed the bus
Ta có thể chia nhỏ câu này thành 2 Thought group: “ I woke up late” và “ so i missed the bus” và đi phân tích từng thành phần trong 2 Thought group này.
Ở Thought group 1 “ I woke up late”, người viết muốn nhấn mạnh vào việc dậy muộn, vì vậy Focus word ở đây là “Late”. Do đó từ này phải được nhấn mạnh hơn các từ khác. Mặc dù Late là từ một âm tiết nhưng theo Gilbert, ta vẫn có thể nhấn mạnh, đưa trọng âm (Stress) cho nó bằng cách Lên giọng ở từ này hoặc Kéo dài nguyên âm. Vì vậy, nguyên âm “A” trong từ “Late” có thể được kéo dài hơn hoặc được đọc to, lên giọng so với các âm tiết khác trong từ. Theo đó, “A” trong từ này được phiên âm là /eɪ/, sẽ được nhấn mạnh hoặc kéo dài hơn. Ở đây /eɪ/ được gọi là âm đỉnh (Peak).
Tượng tự ở Thought group 2 “ so I missed the bus”, người viết muốn nhấn mạnh đến hậu quả của việc dậy muộn là bị lỡ xe buýt, vì vậy Focus word ở đây là “ Missed”. Do đó từ này sẽ được nhấn mạnh (Stress) và âm được nhấn mạnh là /ɪs/ sẽ là âm đỉnh (Peak)
Tác dụng của mô hình Prosody Pyramid trong việc học phát âm
Nhận diện từ tốt hơn
Người bản xứ khi nghe và nói, họ sẽ chỉ nắm bắt Pitch word ( từ Nổi bật, được nhấn mạnh hơn các từ khác trong cùng một câu) và lược bỏ những từ không quan trọng khác. Ngược lại, đa số các học sinh Việt Nam khi nghe tiếng Anh sẽ cố gắng nghe cho ra từng từ một. Do đó, nếu không phân biệt được những thông tin chính mà chỉ chú ý vào việc nghe rõ tất cả từ, người học có thể bị bỏ lỡ hoặc hiểu sai thông tin khi người bản xứ lược bỏ những âm không quan trọng.
Ngoài ra, có nhiều học sinh nói rằng không thể nghe rõ người bản xứ nói vì họ nói quá nhanh hoặc học sinh đã biết từ nhưng lại không thể nhận diện nó khi nghe tiếng Anh. Điều này được Brown (1977) giải thích là học sinh bị phụ thuộc vào việc tra từ điển để biết cách phát âm một từ. Tuy nhiên thực tế, phát âm của một từ có thể thay đổi rất nhiều dựa theo văn cảnh hoặc mức độ quan trọng của nó đối với người nói. Cụ thể là, trong một cuộc hội thoại thông thường, các từ thường được nối với nhau (want to – wanna) chứ không được phát âm riêng rẽ, hoặc những âm không quan trọng đôi khi sẽ được người bản xứ nói bé lại hoặc thậm chí là không phát âm (had better – d’better). Vì vậy nếu chỉ học phát âm từ một cách truyền thông là qua từ điển, người học sẽ gặp khó khăn trong việc nhận diện một từ lúc nghe và nói tiếng Anh, kể cả khi họ đã biết cách phát âm từ đó rồi.
Bằng việc học theo phương pháp Prosody Pyramid – chú trọng tới ngôn điệu và ngữ cảnh của tiếng Anh, người học có thể làm quen dần với việc nhóm các thông tin quan trọng và nhấn mạnh những từ cần thiết. Từ đó, nắm bắt được những ý chính khi nghe người bản xứ nói mà không cần phải cố nghe hết từng từ. Khi đã quen dần với cách học qua Prosody Pyramid, người học có thể thấy được sự phát triển về cả kĩ năng nghe và nói của mình.
Ghi nhớ từ vựng và phát âm tự nhiên hơn
Việc học theo Prosody Pyramid yêu cầu người học cần thường xuyên nhắc lại những câu mình đã nghe được từ người bản xứ (câu mẫu), bắt chước theo cách họ phát âm cũng như cách nhóm từ, nhấn mạnh từ, tốc độ cũng như nhịp điệu khi nói. Theo Gilbert, bằng cách học này người học sẽ có thể chủ quan hoá (internalize) những câu này hay nói cách khác, họ có thể ghi nhớ những câu vừa học được và về lâu dài, có thể vô thức nói theo nhịp độ và âm điệu của người bản xứ trước cả khi cần phải phân tích câu. Điều này có thể xảy ra vì theo nghiên cứu của Greenberg (trích theo Gilbert), người đọc có thể tự hình thành nên được một “mô hình chuyển động của âm thanh cuả một câu chuẩn”, hay nói cách khác là tự nắm đươc quy luật ngắt nghỉ, lên xuống giọng như người bản xứ khi nói tiếng Anh bằng cách nghe câu mẫu chuẩn nhiều lần, sau đó lại nghe chính giọng đọc của mình thông qua đường dẫn truyền âm thanh qua hộp sọ.
Ngoài ra, việc nhắc lại thường xuyên này theo Kiellin (1999) còn hỗ trợ việc chuyển đổi kiến thức từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn.
Áp dụng Prosody Pyramid vào quá trình học phát âm
Một số quy tắc cần ghi nhớ
Theo Gilbert, có một vài nguyên tắc giúp học sinh xác định được rõ hơn Thought Group và Focus word giúp cho việc nghe và nói dễ hiểu hơn.
I woke up late, so I missed the bus
Cách áp dụng Prosody Pyramid vào việc học phát âm
Quá trình tiếp nhận thông tin
Thay vì học riêng lẻ phát âm của từng từ, người học nên học cách phát âm của từ đó trong một câu và dựa theo ngữ cảnh.
Người học có thể tìm những clip người bản xứ khi nói tiếng Anh và tập trung phân tích cách họ phân chia Thought group ( dựa theo quy tắc 1 và 2). Trong mỗi Thought group, nghe đi nghe lại nhiều lần để xác định được Focus Word ( dựa theo quy tắc 4)
Cần thường xuyên nhắc lại câu mẫu nhiều lần cho đến khi có thể bắt chước cách ngắt nhịp, nhấn mạnh từ giống như câu mẫu. Như đã giải thích ở phần trên, việc này giúp người học cảm nhận được nhịp điệu tự nhiên của tiếng Anh, về lâu dài có thể nói theo nhịp điệu này một cách vô thức.
Khi nói bằng tiếng Anh
Ban đầu, trước khi nói, học viên có thể viết ra những câu định nói. Xác định rõ các Thought Group trong câu của mình. Sau đó, tùy vào mục đích nói, học viên cần nhấn mạnh vào những từ mang thông tin quan trọng (Focus word) trong từng Thought group.
Xác định những âm nhấn trọng âm trong từng Focus word và áp dụng những cách trong quy tắc 4.
Luyện tập nói những câu trên nhiều lần sau khi đã phân tích rõ những yếu tố trong Prosody Pyramid.
Phương pháp Prosody Pyramid đã cho thấy những tác dụng nổi bật hơn so với việc học phát âm theo cách truyền thống - thông qua từ điển. Trên thực tế, đây là phương pháp được nhiều người sử dụng khi học tiếng Anh và thậm chí còn được áp dụng trong giảng dạy ở một số quốc gia trên thế giới như Indonesia (theo nghiên cứu của Sifiani và các cộng sự) hoặc Ả Rập (Bin Hady). Khi được sử dụng đúng cách và dựa trên những quy tắc đã nêu trên, phương pháp này không chỉ giúp phát triển khả năng phát âm và nói mà còn cải thiện kỹ năng nghe của học viên.
Trà Hồ