Quét ba chiều của một quả trứng 1.700 năm tuổi tại thị trấn Aylesbury, Anh, cho thấy nó vẫn giữ nguyên lòng đỏ và lòng trắng bên trong.
Tờ The Guardian ngày 12/2 đưa tin, trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những quả trứng có tuổi đời lên đến 1.700 năm. Một trong những điều đáng ngạc nhiên là một trong số chúng vẫn chứa chất lỏng bên trong, được cho là sự pha trộn của lòng đỏ và lòng trắng. Phát hiện này có thể giải mã bí mật về loài chim đã đẻ ra những quả trứng gần hai thiên niên kỷ trước.
'Quả trứng Aylesbury' có kích thước giống như quả trứng cút, nhưng với lớp vỏ lốm đốm giống như hạt tiêu. Nó là một trong 4 quả trứng được tìm thấy cùng với một chiếc giỏ đan, bình gốm, giày da và xương động vật vào năm 2010 trong một cuộc khai quật khảo cổ tại một địa điểm La Mã ở thị trấn Aylesbury, miền trung nước Anh.
Quả trứng nguyên vẹn trong số các hiện vật được khai quật ở Berryfields - Ảnh: Oxford Archaeology
Mặc dù các chuyên gia đã cố gắng lấy ra các quả trứng một cách cẩn thận nhất, nhưng 3 quả đã bị vỡ, tạo ra mùi lưu huỳnh khó chịu, trong khi một quả vẫn giữ nguyên nguyên dạng.
Edward Biddulph, Giám đốc dự án cấp cao tại Oxford Archaeology, cho biết mặc dù vỏ trứng thời La Mã đã được tìm thấy trước đây - thường là trong các ngôi mộ, nơi trứng được xem là đồ cúng tế - nhưng đây là lần đầu tiên một quả trứng nguyên vẹn từ thời La Mã được tìm thấy ở Anh.
'Chúng tôi rất kinh ngạc khi nhìn vào bên trong, bởi chúng tôi có thể đã nghĩ rằng chúng đã rò rỉ ra ngoài', ông nói.
Bây giờ, quả trứng này đã được quét bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính tại Đại học Kent, tạo ra mô hình 3D ảo từ nhiều bản quét tia X được chỉnh sửa kỹ thuật số. Ông Biddulph nói: 'Nó tạo ra một hình ảnh kỳ diệu của quả trứng, vẫn giữ nguyên vẹn và có thể chứa chất lỏng bên trong, có thể là từ lòng đỏ và lòng trắng, cũng như khí.
Cuộc thảo luận đã diễn ra vào năm ngoái về cách trưng bày quả trứng, khi nhà bảo tồn khảo cổ và nhà khoa học vật liệu Dana Goodburn-Brown đề xuất việc quét nó để giúp quyết định phương pháp bảo quản tốt nhất.
'Thật không thể tin được. Đây có thể là quả trứng cổ nhất trên thế giới', ông Biddulph nói.
Người quản lý cho biết quả trứng đã được đặt vào một cái hố trước đây được dùng để ủ mạch nha và ủ bia. 'Đây là một khu vực ẩm ướt gần một con đường từ thời La Mã. Có thể quả trứng đã được đặt ở đây như là một phần của một nghi lễ tạ ơn. Chiếc giỏ chúng tôi tìm thấy có thể đã chứa bánh mì', ông Biddulph phỏng đoán.
Hình ảnh chụp CT của quả trứng cho thấy phần giữa màu hồng được bao quanh bởi màu trắng và vỏ có màu cam - Ảnh: Đại học Kent
Ông Biddulph nói rằng ông cảm thấy rất lo lắng khi ngồi trên tàu điện ngầm và đi xung quanh thủ đô Anh với một quả trứng đặc biệt và mong manh như vậy, và bây giờ quả trứng đã được đưa đến Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London.
Douglas Russell, người chịu trách nhiệm về việc thu thập trứng và tổ chim tại bảo tàng, cho biết có nhiều quả trứng cổ hơn, thậm chí chứa chất lỏng bên trong, nhưng có lẽ đây là quả trứng cổ nhất vẫn giữ nguyên vẹn dù không được bảo quản đúng cách. Russell nói rằng để bảo quản, có thể cần phải đục một lỗ nhỏ trên quả trứng để lấy chất lỏng bên trong ra và tìm hiểu xem đây là trứng của loài gì.
Theo The History Blog, trước đó, quả trứng duy nhất từ thời La Mã còn nguyên vẹn được tìm thấy trong tay của một đứa trẻ sơ sinh đã qua đời, được chôn gần Vatican, nhưng không chứa chất lỏng, khiến các nhà khảo cổ tin rằng nó tượng trưng cho sự tái sinh sau cái chết sớm của đứa bé.
Tuyên bố từ Khảo cổ học Oxford lưu ý rằng, người La Mã thường gắn ý nghĩa biểu tượng cho các quả trứng; chúng được liên kết với các vị thần Mithras và Mercury và mang ý nghĩa về khả năng sinh sản và tái sinh.
Tổng hợp