PowerVision PowerEgg X là một chiếc drone 4 cánh quạt lớn có thể biến hình thành một quả trứng đà điểu!
PowerVision, một thương hiệu nổi tiếng về robot thợ lặn, hiện đang bán 2 phiên bản của drone hình trứng thuộc dòng PowerEgg X. Phiên bản đầu tiên có tính năng cơ bản, trong khi phiên bản thứ hai có nhiều phụ kiện hơn, bao gồm một viên pin dự phòng và một bộ vỏ chống nước.
Cụ thể:
- PowerEgg X Explorer đi kèm với 1 viên pin, 1 bộ cánh quạt phụ, 1 điều khiển từ xa, 1 dây đeo tay cho chế độ quay phim, 1 đầu tripod, và 1 bộ vỏ du lịch. Giá của phiên bản này là 900 USD.
- PowerEgg X Wizard đi kèm với 2 viên pin, 2 bộ cánh quạt phụ, 1 túi đựng chân drone, và 1 bộ vỏ chống nước tích hợp phao để drone có thể hạ cánh trên mặt nước. Giá của phiên bản này là 1.250 USD.
PowerEgg X có thể sử dụng theo 2 cách: khi không có cánh quạt, nó hoạt động như một camera cầm tay. Ở chế độ này, quả trứng nặng 1,15 pound và pin có thể sử dụng được khoảng 3,5 giờ. Khi gắn cánh quạt, quả trứng nặng 1,9 pound và pin có thể sử dụng được tối đa 30 phút. Mỗi viên pin có dung lượng 3.800mAh. Sạc cũng khá lớn với 2 cổng USB để sạc điện thoại và điều khiển từ xa cùng lúc, công suất 50W. Điều khiển từ xa đi kèm với viên pin 3.500mAh có thể sạc qua cổng microUSB.
Bên trong, drone được trang bị một CPU 5 nhân, một GPU 1 nhân, một vi xử lý hình ảnh 4 nhân, và một engine mạng thần kinh 2 nhân (đảm nhiệm các chức năng AI của thiết bị). Về dung lượng lưu trữ, PowerEgg X có 6GB bộ nhớ trong kèm khe cắm thẻ microSD tối đa 128GB, ẩn bên dưới viên pin.
Để kết nối drone với điện thoại, bạn cần cài đặt ứng dụng Vision 2 từ App Store. Nếu bạn dùng Android, bạn phải tải tập tin APK từ website của PowerVision và tự cài đặt. Có một vấn đề với tập tin APK này: nó chỉ có tiếng Trung Quốc và tiếng Anh mà thôi.
Có tên gọi chính thức là AI Camera Mode, chế độ camera quay phim của PowerEgg X cho phép bạn ghi những đoạn video siêu mượt khi đặt dưới đất. Nó không có chất lượng video cao như các smartphone cao cấp, nhưng chẳng có chiếc smartphone nào có bộ phận chống rung 3 trục với khả năng bám theo một vật thể đang di chuyển đâu!
Để dùng PowerEgg X ở chế độ camera, bạn chỉ cần nối dây đeo tay vào quả trứng, bật nó lên với một cú nhấn nhẹ và một cú nhấn giữ, và kết nối điện thoại của bạn vào mạng Wi-Fi do quả trứng phát ra (mật mã là 12345678). PowerEgg X có thể quay video 4K ở 60fps và chụp ảnh ở độ phân giải 12MP.
Trên thực tế, 1,15 pound là khá nặng đối với một chiếc camera cầm tay, đặc biệt nếu bạn đang cầm điện thoại ở tay bên kia để xem hình ảnh drone thu được theo thời gian thực (PowerEgg X không có màn hình tích hợp). Tuy nhiên, ứng dụng điện thoại cho lại cho phép bạn tự mình điều khiển camera, do đó bạn có thể đặt drone lên một mặt phẳng hoặc tripod và điều khiển nó từ xa. Bạn còn có thể để hệ thống theo dõi thông minh tự làm việc của nó.
Con drone này không được trang bị microphone, nhưng nó đi kèm với một tùy chọn gọi là SyncVoice, cho phép ghi tiếng từ điện thoại của bạn và đồng bộ nó với tập tin video trong thời gian thực. Nó còn hoạt động với headphone và bất kỳ loại microphone nào kết nối vào điện thoại của bạn, và nó thậm chí có thể được dùng trong khi bạn đang bay. Tuy nhiên, bạn không nên làm điều đó, bởi âm thanh đôi lúc sẽ bị gián đoạn nếu tín hiệu yếu hoặc có sóng radio can nhiễu.
Khi sử dụng PowerEgg X như camera cầm tay, bộ phận chống rung có 3 chế độ hoạt động. Chế độ FPV sẽ theo sát chuyển động của bạn mà không cần khóa bất kỳ trục nào. Chế độ khóa sẽ cho phép bạn khóa 2 hoặc 3 trục. Cuối cùng, chế độ đi theo sẽ dò chuyển động và mở khóa các trục đảm nhận xử lý chuyển động từ trái sang phải cũng như lên và xuống. Lưu ý là trục xoay sẽ bị khóa lại.
Tính năng tự động bố cục là chức năng tuyệt vời nhất trong chế độ camera. Nó cho phép bạn chọn một đối tượng và tập trung vào lấy nét đối tượng đó. Con drone này sử dụng một thuật toán học tự động để nhận dạng khuôn mặt, nhưng nó còn có thể duy trì điểm lấy nét trên xe hơi hay các vật thể đang di chuyển khác. Một khi nó phát hiện ra thứ gì đó (có thể mất khá nhiều thời gian, phụ thuộc vào ánh sáng), nó sẽ không lỡ mất thứ đó dù cho bạn di chuyển drone ra xa hoặc đi ngang qua các vật thể khác. Tuy nhiên, drone có thể bị nhầm lẫn và mất điểm lấy nét nếu có quá nhiều vật thể hoặc người trong khung hình.
Chế độ drone
Khi bạn gắn các cánh quạt vào, PowerEgg X sẽ trở nên to và nặng hơn những con drone mà DJI đang bán với cùng mức giá trên thị trường. Tin tốt là thời lượng pin của nó ở chế độ drone sẽ lên đến 30 phút, tốt hơn Mavic Air. Bên cạnh đó, nó có thể đạt vận tốc 40mph và có thể chống chịu được những cơn gió với tốc độ lên đến 23mph. Drone bay ổn định đáng ngạc nhiên xét hình dạng trông như quả trứng của nó.
PowerEgg X có 2 cảm biến ở mặt trước và 2 cảm biến ở đáy. Nó có thể phát hiện các chướng ngại vật ở cách đó đến 65 feet, giúp bản thân drone có thể tìm cho nó một vùng an toàn trước khi hạ cánh. Dù vậy, cảm biến phát hiện chướng ngại lại rất ồn ào và có thể khiến bạn phát điên lên vì nó liên tục kêu 'bíp, bíp'.
Độ chi tiết của video 4K quay được là xuất sắc, nhưng dải động, độ tin cậy màu sắc và cân bằng trắng lại không nhất quán, phụ thuộc nhiều vào ánh sáng. Có một số thiết lập mà bạn có thể tự tinh chỉnh trong ứng dụng, nhưng thông thường bạn chẳng có nhiều thời gian để cân chỉnh chi tiết khi đang lái drone đâu!
Điều khiển từ xa kèm theo drone cũng khá cồng kềnh và nặng, nhưng nó có khả năng kháng mưa và có thiết kế công thái học. Điều khiển được trang bị 3 sợi cáp (lightning, microUSB, và USB-C) và một nút bấm có thể tùy biến được. Tín hiệu từ điều khiển có thể bay xa 3,7 dặm, và hình ảnh từ drone được truyền về theo thời gian thực ở độ phân giải Full HD. Có một điểm trừ ở đây: nếu bạn dùng điện thoại cỡ lớn và gắn ốp lưng, thì nó có thể không lắp vừa vào phần giữ điện thoại trên điều khiển.
PowerEgg X dùng tín hiệu GPS/GLONASS để quay về điểm xuất phát khi hết pin hoặc mất tín hiệu. Bạn có thể tirn dụng tính năng này và sử dụng nó ngược lại. 'Điểm Quan Tâm' cho phép bạn đặt điểm trên bản đồ, drone sẽ bay đến và quay quanh đó để quay phim.
Tính năng QuickShot đặt điểm lấy nét của camera lên một mục tiêu và ghi lại một đoạn clip ngắn trong khi thực hiện một chuyến bay đã định trước. Có các chế độ bay như fading away, sky rocketing, surrounding, spiral, và ellipse. Chế độ Theo Dõi AI hoạt động hiệu quả với mục tiêu là con người, xe đạp và xe hơi. Bạn có thể yêu cầu drone bám theo mục tiêu đang di chuyển từ phía sau hoặc bay song song với mục tiêu và khóa camera vào mục tiêu.
Chế độ chống thấm nước
Gói Wizard bao gồm một bộ vỏ nhựa trong suốt để biến PowerEgg X thành một con drone có khả năng chống nước mưa. Kết hợp với khả năng chống gió, drone có thể bay ngay cả trong những cơn mưa lớn.
Bên cạnh bộ vỏ chống nước, phiên bản Wizard còn bao gồm một cặp phao nổi gắn vào chân drone, cho phép bạn điều khiển drone trên mặt nước và thậm chí là lướt trên mặt nước. Nhưng chế độ chống nước sẽ làm giảm thời lượng pin và giới hạn vận tốc bay của drone.
Cần lưu ý rằng bộ vỏ chống nước hoạt động tốt trong nhiều môi trường, nhưng khi ướt, hơi nước có thể ngưng tụ phía trước camera. Chân drone cũng dễ gãy, nên cần cẩn thận khi sử dụng.
Chụp ảnh và ảnh selfie
Camera của PowerEgg X có một cảm biến 12MP và ống kính 27mm f/1.8 với trường nhìn 170 độ. Ảnh chụp từ trên cao có chất lượng tốt, nhưng một vấn đề là khi bạn cầm drone trong tay, việc lấy nét ở khoảng cách gần có thể hơi khó, dù khoảng cách đó chỉ hơn 3 feet một chút.
Ở chế độ camera, PowerEgg có thể phát hiện một số cử chỉ. Bạn có thể kích hoạt theo dõi thông minh bằng lòng bàn tay – đây là chế độ duy trì điểm lấy nét lên một người vừa đưa tay lên. Để chụp ảnh selfie trong 3 giây, chỉ cần đưa hai ngón tay thành hình chữ 'V'. Khi đưa tay thành ký hiệu 'OK', drone sẽ chụp một tấm ảnh nhóm sau 3 giây.
Việc thay đổi từ chế độ chụp ảnh sang chế độ quay phim khi đang bay có thể không được mượt mà lắm, đặc biệt nếu bạn chỉ có một viên pin. Giải pháp ở đây là nếu linh hoạt và không đòi hỏi quá nhiều, bạn có thể quay video 4K và chụp ảnh từ video đó. Trừ chi tiết và độ tương phản vừa phải, các ảnh chụp từ video có thể được dùng để đăng lên Instagram mà chẳng gặp vấn đề gì.
Chế độ Time Lapse và Slow Motion
PowerEgg X có thể quay Time Lapse trong 3, 5, 7, 10, 15, 30 hoặc 60 giây. Drone còn quay video ở chế độ slow motion với tốc độ khung hình 120fps, nhưng ảnh sẽ mất nhiều chi tiết.
PowerEgg X gặp khá nhiều vấn đề khi mới ra mắt: hình ảnh mất tín hiệu liên tục, drone không nhận dạng được vật thể nào trong khung hình, chất lượng video khá kém, drone tự ngắt kết nối trong quá trình cập nhật firmware và sau đó không hoạt động như ý. Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp này, bạn có thể tự cài đặt lại firmware bằng thẻ microSD. Còn ở thời điểm hiện tại, sau 3 – 4 lần cập nhật, trải nghiệm với PowerEgg X đã được cải thiện đáng kể. Bạn có thể quên đi DJI được rồi!
Tham khảo: Gizmodo