Phát triển là khái niệm triết học dùng để diễn tả quá trình chuyển hóa từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, từ chất cũ đến chất mới ở trình độ cao hơn của tự nhiên, xã hội và tư duy.
Nguyên lý
Triết học duy vật biện chứng cho rằng, phát triển là khái niệm triết học diễn tả quá trình tiến hóa từ thấp lên cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của sự vật. Sự phát triển xuất phát từ việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong sự vật. Quá trình phát triển diễn ra qua tích lũy lượng và thay đổi chất trong sự vật. Xu hướng phát triển là sự phủ định của phủ định, với cái mới thay thế cái cũ.
Phát triển mang tính khách quan, có nghĩa là nguồn gốc của nó nằm trong chính bản thân sự vật và không bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài hay ý thức chủ quan của con người; mang tính phổ biến, vì nó xảy ra ở mọi lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy, trong mọi không gian và thời gian; mang tính đa dạng và phong phú, vì sự phát triển diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, phụ thuộc vào không gian, thời gian và các yếu tố tác động.
Yêu cầu
Khi nhận thức sự vật phải nhận thức nó trong sự vận động, phát triển, không đánh giá sự vật ở trạng thái đứng im, không vận động, chết cứng. Quan điểm phát triển đòi hỏi phải chống lại quan điểm bảo thủ, trì trệ, ngại khó, ngại đổi mới, dễ bằng lòng với thực tại.
Phát triển là khó khăn, phức tạp vì phải giải quyết mâu thuẫn bên trong sự vật; là quá trình tích lũy về lượng, thay đổi về chất lâu dài; là quá trình phủ định thay thế cái cũ. Nhận thức được điều này sẽ tránh tình trạng chủ quan, giản đơn khi đề ra con đường, biện pháp thúc đẩy sự vật, hiện tượng phát triển.
Tư duy cần phải mềm dẻo, linh hoạt cho phù hợp với sự thay đổi của sự vật, hiện tượng. Thực hiện tốt yêu cầu này sẽ khắc phục được bệnh giáo điều trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Bài liên quan
- Nhận thức toàn diện
- Đạo lý