Nhờ vào những nỗ lực của chính phủ, người dân ở quốc gia châu Phi này đã bắt đầu chuyển sang sử dụng xe điện, không chỉ để theo kịp xu hướng toàn cầu mà còn giải quyết vấn đề môi trường.
Tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, các trạm xăng đang chứng kiến cảnh xếp hàng dài do thiếu nhiên liệu và giá tăng cao. Trong khi đó, các tài xế xe điện như anh Mikial Belayneh không bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.
Anh Belayneh chia sẻ với CNN: 'Tôi không còn phải đứng xếp hàng mua xăng nữa.' Với chiếc xe điện Toyota bZ4X nhập khẩu, anh cho biết một lần sạc đầy đủ cho phép di chuyển trong hai ngày.
Anh Belayneh, cùng với nhiều người khác, đang là một phần của quá trình chuyển đổi sang xe điện tại Addis Ababa. Thành phố này, nằm ở vùng sừng châu Phi, đang cố gắng giúp hàng triệu người Ethiopia thoát khỏi nghèo đói.
Trên các con phố của quốc gia này, bên cạnh những xe ô tô và xe tải gây ô nhiễm, ngày càng nhiều phương tiện sạch hơn như xe buýt điện, ô tô điện và xe máy điện xuất hiện. Hiện Ethiopia đã có khoảng 100.000 xe điện.
Chính phủ Ethiopia dự đoán con số này sẽ gấp bốn lần vào năm 2032, nhờ vào chính sách cấm nhập khẩu xe khách chạy xăng hồi đầu năm. Ethiopia đã trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện động thái này.
Quốc gia châu Phi này đã điều chỉnh thuế nhập khẩu ô tô: Thuế đối với xe chạy xăng đã tăng lên 200% trước khi bị cấm, trong khi thuế đối với xe điện lắp ráp hoàn chỉnh chỉ còn 15%.
Đây là một phần trong chiến lược của chính phủ nhằm khuyến khích việc sử dụng xe điện ngày càng nhiều trên các con phố.
Mức thuế thấp cũng kích thích sản xuất xe điện trong nước. Belayneh Kindie Group tại Ethiopia lắp ráp hàng trăm xe từ linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo Giám đốc Besufekad Shewaye, thuế nhập khẩu đối với các bộ phận xe điện lắp ráp tại Ethiopia gần như bằng 0%.
Shewaye cho biết: 'Hiện nay, phần lớn chủ xe ưu tiên xe điện, đặc biệt là xe hạng nhẹ… Nhu cầu đang gia tăng mỗi ngày.'
Các quốc gia lớn trên thế giới đang gặp khó khăn trong việc tăng tỷ lệ chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Trong quý 1/2024, doanh số xe điện ở Đức giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tại Hàn Quốc, số xe thuần điện bán ra trong ba tháng đầu năm giảm 25% so với quý 4/2023. Mặc dù thị phần xe điện ở Mỹ và Trung Quốc vẫn tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại.
Ethiopia nghiêng về xe điện một phần vì chi phí nhập khẩu nhiên liệu cao và 96% điện năng của nước này đến từ thủy điện sạch. Việc áp dụng xe điện được xem là thắng lợi kép cho tài chính và môi trường.
Jane Akumu từ Chương trình Môi trường Liên hợp quốc nhận xét: “Ethiopia thực sự là một quốc gia năng lượng sạch. Họ không cần phải nhập khẩu dầu khi có nguồn điện nội địa có thể sử dụng cho xe.”
Cố vấn giao thông Assefa Hadis Hagos của Bộ Giao thông và Hậu cần Ethiopia cho biết quốc gia này nhận ra nguồn năng lượng tái tạo phong phú khi bắt đầu chuyển sang sử dụng xe điện.
Grand Ethiopian Renaissance là đập thủy điện khổng lồ trên sông Nile, giáp ranh với Sudan và Ai Cập, sản xuất điện tại Benishangul-Gumuz, Ethiopia. Ảnh: Getty Images
Lệnh cấm hoàn toàn xe chạy xăng từ tháng 1 đã gây bất ngờ cho nhiều người. Akumu thừa nhận: “Chúng tôi không ngờ chính phủ lại áp dụng lệnh cấm tuyệt đối.”
Số lượng ô tô ở Ethiopia vẫn còn thấp, chỉ khoảng 1,2 triệu xe, tức là 1 xe/100 người. Ngược lại, hơn 91% người Mỹ sở hữu ít nhất một chiếc ô tô, và tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, có 11,8 triệu xe ô tô, tương đương 5-6 xe/100 người.
Ethiopia duy trì tỷ lệ sở hữu ô tô thấp bằng cách áp thuế cao ngất ngưởng đối với xe chạy xăng, làm giá xe nhập khẩu gấp ba lần so với giá thực tế. Điều này cũng nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Mặc dù chính phủ đã giảm hoặc loại bỏ một số thuế đối với xe điện nhập khẩu, việc sở hữu ô tô điện vẫn rất đắt đỏ. Iman Abubaker từ Viện Tài nguyên Thế giới cho biết: 'Người mua xe điện chủ yếu là nhóm thu nhập cao.'
Nhóm của Abubaker và các tổ chức khác đang làm việc để khuyến khích chính phủ Ethiopia và các quốc gia khác trên lục địa đầu tư nhiều hơn vào xe buýt điện và phương tiện giao thông công cộng, giúp mọi người, bất kể thu nhập, có thể tiếp cận các phương tiện hiệu quả này.
Tại Ethiopia, xe điện đang dần thay thế ô tô động cơ đốt trong. Theo CleanTechnica, kể từ khi quốc gia này đặt mục tiêu đưa hơn 100.000 xe điện vào sử dụng trong 10 năm bắt đầu từ năm 2022, xe điện đã chiếm gần 10% tổng số xe tại nước này chỉ sau hai năm.
Cố vấn giao thông Hagos chia sẻ với CNN rằng Ethiopia cảm thấy hài lòng với tiến trình chuyển đổi này. Ông cho biết chính phủ cam kết giảm thiểu ô nhiễm khí hậu và tác động môi trường từ ô tô chạy xăng.
Hiện nay, Ethiopia là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm hoàn toàn xe ô tô chạy xăng nhập khẩu. Giám đốc điều hành Moses Nderitu của công ty xe buýt điện BasiGo khẳng định rằng lệnh cấm này sẽ 'chắc chắn là vĩnh viễn'.
Sự phát triển của xe điện ở châu Phi vẫn tiếp tục, ngay cả khi không có lệnh cấm. Tại Nairobi, Kenya, xe máy điện đang tăng trưởng mạnh mẽ. Năm ngoái, Uber đã giới thiệu đội xe máy điện màu vàng nổi bật, được gọi là boda boda bởi người dân địa phương.
Các chuyên gia ngành công nghiệp cho biết sau khi chính phủ Kenya ban hành các ưu đãi thuế, số lượng xe máy điện trên đường đã tăng 500% chỉ trong một năm, từ vài trăm lên khoảng 3.000 xe ở Nairobi.
Hezbon Mose, Giám đốc khu vực Kenya của Ampersand, cho biết con số xe máy điện vẫn chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 200.000 xe đạp trên đường phố Nairobi, nhưng nó đã góp phần giảm ô nhiễm tiếng ồn ở một số khu vực của thành phố.
Tại thủ đô Ethiopia, chính quyền đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm việc không cấp giấy phép cho xe máy chạy bằng nhiên liệu. Mốc thời gian từ tháng 4 yêu cầu chuyển đổi xe máy xăng thành xe điện, và đầu tháng 3, thành phố đã đưa vào hoạt động dịch vụ xe buýt điện đầu tiên trong hệ thống giao thông công cộng.
Trên toàn Châu Phi, nhiều quốc gia đang nỗ lực từ bỏ dầu mỏ để chuyển sang sử dụng điện với chi phí thấp hơn. Để đạt được điều này, họ cần đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ để khuyến khích người dân chuyển sang xe điện.
'Tôi coi xe điện như cách mà chúng ta nhìn nhận thị trường điện thoại di động cách đây 30 năm. Khi thế giới bắt đầu tiếp cận điện thoại di động, Châu Phi thiếu cơ sở hạ tầng và chỉ một số ít người có điện thoại. Ngày nay, ở Nairobi, rất khó để tìm thấy người không có điện thoại,' Giám đốc Nderitu chia sẻ với CNN.
Tham khảo CNN