Quy trình, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp cá nhân:
1. Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình nộp Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp cá nhân tới cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi có địa chỉ kinh doanh. Nội dung của Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp cá nhân bao gồm:
a) Tên doanh nghiệp, địa chỉ kinh doanh;
b) Ngành nghề kinh doanh;
c) Số vốn kinh doanh;
d) Họ tên, số và ngày cấp Chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú và chữ ký của cá nhân hoặc các cá nhân thành lập doanh nghiệp cá nhân đối với doanh nghiệp cá nhân do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với doanh nghiệp cá nhân do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp doanh nghiệp cá nhân do hộ gia đình thành lập.
Cùng với Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp cá nhân cần có bản sao Chứng minh nhân dân của các cá nhân tham gia doanh nghiệp cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình và Biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập doanh nghiệp cá nhân đối với trường hợp doanh nghiệp cá nhân do một nhóm cá nhân thành lập.
Đối với các ngành nghề yêu cầu có chứng chỉ hành nghề, thì cần kèm theo các giấy tờ quy định phải có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.
Đối với các ngành nghề yêu cầu vốn pháp định cần có bản sao hợp lệ văn bản xác nhận vốn pháp định từ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
2. Khi nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cá nhân cho doanh nghiệp cá nhân trong thời hạn năm ngày làm việc, tính từ ngày nhận hồ sơ, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Ngành nghề kinh doanh không nằm trong danh mục ngành nghề cấm kinh doanh;
b) Tên doanh nghiệp cá nhân dự định đăng ký phù hợp với quy định;
c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
Trong trường hợp hồ sơ không đúng quy định, trong thời gian năm ngày làm việc, tính từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo rõ nội dung cần điều chỉnh, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp.
3. Nếu sau năm ngày làm việc, tính từ ngày nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc không nhận được thông báo yêu cầu điều chỉnh, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì người đăng ký doanh nghiệp có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
4. Hàng tháng, vào tuần đầu tiên, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ gửi danh sách doanh nghiệp đã đăng ký trong tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật cấp tỉnh.
Đăng ký thuế cho doanh nghiệp:
Tùy theo địa phương, cán bộ thuế sẽ đến tận nơi để tiến hành đăng ký thuế. Chuẩn bị 2 bản sao Giấy đăng ký doanh nghiệp + Chứng minh nhân dân của chủ doanh nghiệp.
Vào ngày 6/12/2012, Tổng cục Thuế đã phát hành công văn số 4367/TCT-CS về việc thu thuế môn bài năm 2013. Theo đó, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh tiếp tục áp dụng các mức thuế môn bài đã xác định khi lập bộ thuế môn bài năm 2012 để thu thuế môn bài năm 2013.
Như vậy, năm 2013, đối với doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh, việc nộp thuế môn bài sẽ được thực hiện theo 6 mức thuế như sau:
+ Thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng: đóng thuế môn bài hàng năm là 1 triệu đồng;
+ Thu nhập từ 1 – 1,5 triệu đồng/tháng: đóng thuế môn bài cả năm là 750.000 đồng;
+ Thu nhập từ trên 750.000đ – 1 triệu đồng/tháng: đóng thuế môn bài hàng năm là 500.000 đồng;
+ Thu nhập từ trên 500.000 đồng – 750.000 đồng/tháng: đóng thuế môn bài cả năm là 300.000 đồng;
+ Thu nhập trên 300.000 – 500.000 đồng/tháng: đóng thuế môn bài cả năm là 100.000 đồng;
+ Thu nhập từ 300.000 đồng/tháng trở xuống, đóng thuế môn bài cả năm là 50.000 đồng.
Theo luatminhkhue