Khi vay mua nhà trả góp, bạn cần tuân thủ những quy định và hoàn thiện hồ sơ để được giải ngân sớm. Mỗi ngân hàng có các điều kiện và thủ tục riêng, nhưng thường sẽ yêu cầu một số giấy tờ cơ bản sau.
Hồ sơ pháp lý
- Sổ hộ khẩu/KT3 hoặc giấy tạm trú của người vay và người bảo lãnh (nếu cần)
- CMND của cả hai vợ chồng và người bảo lãnh (nếu có). CMND có thể thay thế bằng các giấy tờ khác được cơ quan nhà nước chấp nhận.
- Giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Hồ sơ tài chính
- Bảng lương, giấy xác nhận thu nhập, sao kê tài khoản từ ngân hàng
- Hợp đồng lao động với công ty hiện đang làm việc
- Các giấy tờ liên quan đến bảo hiểm (nếu có)
- Giấy phép đăng ký kinh doanh
- Các hợp đồng cho vay tài chính
Hóa đơn nhập và xuất trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong 6 tháng gần nhất
Sổ sách ghi chép các giao dịch mua bán hàng hóa trong vòng 1 năm qua
Hồ sơ đảm bảo và mục đích vay vốn
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Giấy tờ liên quan đến nhà ở
- Hợp đồng mua bán nhà do hai bên thỏa thuận (nếu có)
Thẩm định hồ sơ và định giá tài sản đảm bảo
Sau khi bạn đã chuẩn bị và cung cấp đầy đủ hồ sơ cần thiết, ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ vay vốn mua nhà của bạn.
Quy trình thẩm định thông thường bao gồm: Kiểm tra lịch sử tín dụng và điểm tín dụng, thẩm định qua trao đổi điện thoại, thẩm định thực tế tại nơi cư trú, nơi làm việc/kinh doanh và định giá tài sản đảm bảo (TSĐB).
Trong quá trình thẩm định, việc định giá Tài sản Đảm bảo có thể thực hiện đồng thời hoặc sau khi có quyết định chấp thuận vay. Bộ phận định giá có thể là ngân hàng hoặc các công ty định giá độc lập. Giá trị Tài sản Đảm bảo được sử dụng làm căn cứ cho việc ngân hàng phê duyệt mức vay đối với khách hàng. Chi phí định giá có thể do khách hàng hoặc ngân hàng chi trả (tuỳ theo quy định của từng ngân hàng).
Đưa ra quyết định và tiến hành thủ tục giải ngân
Nếu hồ sơ vay mua nhà trả góp của bạn đủ điều kiện, ngân hàng sẽ gửi Thông báo cấp tín dụng và tiến hành các thủ tục liên quan đến việc thế chấp Tài sản Đảm bảo và giải ngân khoản vay.
Trường hợp đã hoàn thành thủ tục sang tên
Các bên ký Hợp đồng thế chấp công chứng và Đăng ký giao dịch đảm bảo tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Văn phòng đăng ký đất đai quận/huyện, hoặc tỉnh/Thành phố) và Ngân hàng giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ, sổ hồng...) trước khi giải ngân cho khách hàng.
Trường hợp chưa hoàn thành thủ tục sang tên
Bên mua, Bên bán và Ngân hàng ký thỏa thuận 3 bên về việc giải ngân phong tỏa sổ tiết kiệm/mở tài khoản tạm khóa đối với khoản tiền giải ngân cho bên mua. Sau khi ký kết Hợp đồng tín dụng, Ngân hàng giải ngân khoản vay vào sổ tiết kiệm/tài khoản tạm khóa đứng tên Bên bán và phong tỏa toàn bộ số tiền này trong quá trình hai bên mua bán thực hiện thủ tục sang tên theo quy định của pháp luật. Ngân hàng sẽ giải tỏa sổ tiết kiệm/tài khoản tạm khóa cho Bên bán sau khi Bên vay vốn (Bên mua) ký Hợp đồng thế chấp công chứng và thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định.
Theo MuaBanNhaDat.com