







Bố cục, keycap và Topre:
Realforce TKL for Mac đi kèm với 87 phím, bố cục tương tự như phiên bản TKL cho Windows. Tuy nhiên, các chức năng của các phím được điều chỉnh để phù hợp với bố cục trên bàn phím của Mac.

Về cụm phím bên phải, Realforce TKL for Mac đã được thiết kế lại một chút: không còn phím Insert như trên bàn phím cho Windows, thay vào đó là các phím Home/End/Page Up/Down và Delete. Phím Fn cũng nằm trong cụm này, và việc kích hoạt tổ hợp Fn + Home sẽ khóa các phím, Fn + End sẽ chuyển sang chế độ Win mode - khi kích hoạt, chức năng của các phím Ctrl + Option + Command sẽ chuyển thành Ctrl + Alt + Windows.

Hàng phím F ở phía trên bao gồm các chức năng tăng giảm độ sáng, điều khiển đa phương tiện, âm lượng và cả nút Eject để mở khay đĩa CD. Các phím chức năng đa phương tiện vẫn có thể sử dụng trên Windows.

Một điểm đáng chú ý khác là font chữ trên keycap được thiết kế đẹp hơn rất nhiều. Trong khi các bàn phím Realforce cho Windows có font keycap khá thô và cổ điển, phiên bản cho Mac đã chuyển sang font giống với bàn phím của MacBook hay Magic Keyboard.

Keycap được làm từ chất liệu nhựa PBT dày và có bề mặt sần. Font chữ được khắc bằng laser etch rất sắc nét và mảnh, với độ chi tiết cao. Đặc biệt, bạn có thể nhận ra biểu tượng đặc trưng của nút Command và các phím điều hướng với dấu mũi tên nhỏ và sắc nét hơn.

Switch Topre không sử dụng các lá kim loại tiếp xúc hay tiếp điểm như switch Cherry MX. Thay vào đó, nó sử dụng cảm biến điện dung nằm trên bản mạch, lò xo hình nón và vòm cao su. Khi nhấn phím xuống, phần slider đè lên vòm cao su và làm nén lò xo, tạo ra sự thay đổi về điện dung. Khi điện dung đạt một giá trị nhất định, cảm biến nhận tín hiệu. Điều này tạo ra cảm giác xúc giác và khiến phím nẩy trở lại vị trí ban đầu.

Cơ chế này làm cho switch Topre trở nên độc đáo và khác biệt. Khi đã trải nghiệm gõ Topre, bạn sẽ khó lòng quay trở lại các loại bàn phím cơ khác. Cơ bản là vậy, và hai chiếc bàn phím trong bài này cũng có những điểm đặc biệt riêng.
Realforce R2TLSA-US3M-WH 'trắng Tường Vi' vs 'anh đen' R2TL-USVM-BK
Dù tên mã có vẻ phức tạp, nhưng thực chất nó chỉ là viết tắt của những tính năng được trang bị. Nhìn vào tên gọi, bạn sẽ biết được sự khác biệt giữa hai chiếc bàn phím này:

Chiếc bàn phím màu trắng được gọi là R2TLSA-US3M-WH, trong đó R2TL là bàn phím TKL với 87 phím, S là Silent - nghĩa là switch Topre có độ ồn thấp nhất, A là tính năng APC cho phép điều chỉnh điểm kích hoạt hoặc độ nhạy, US là layout bàn phím, 3M biểu thị cho lực nhấn của mỗi phím bấm (30 g), và WH là màu trắng.

Bàn phím màu đen được gọi là R2TL-USVM-BK cũng tương tự như R2TL với layout TKL, US là layout, VM biểu thị cho lực nhấn đa dạng (variable), trong đó có phím lực nhấn 30 g, 45 g, và 55 g. BK là màu đen.
Vì sao lại là trắng mềm mượt?
Mặc dù có thiết kế giống hệt nhau, nhưng lực nhấn và tính năng APC làm cho hai chiếc bàn phím này mang lại trải nghiệm gõ khác biệt. Trước đó, @cuhiep đã khen phiên bản màu trắng vì nó ít ồn và gõ nhẹ nhàng hơn, dù không nêu rõ lý do. Lý do nằm ở việc chiếc bàn phím này sử dụng switch Topre Silent với lực nhấn chỉ 30 g.

30 g rất nhẹ và hầu như chỉ có Topre Silent mới có phiên bản lực nhấn này, dòng switch Cherry MX Red Silent vẫn có lực nhấn đến 45 g. Khi gõ trên Topre Silent, anh em sẽ cảm nhận được sự nắn nót, nhẹ nhàng, chính xác và êm đềm của từng phím bấm. Nó không phát ra tiếng Thock đặc trưng của Topre mà giống như khi anh em sử dụng switch Cherry MX và gắn thêm O-Ring vậy.


Trong trường hợp anh em muốn bàn phím im lặng hơn, Realforce cung cấp 2 miếng Key Spacer với 2 độ dày khác nhau: 2 mm và 3 mm. Anh em chỉ cần lột toàn bộ keycap ra, đặt miếng Key Spacer vào và áp xuống. Khi nhấn phím, keycap sẽ chạm vào miếng mút này, giảm tiếng động và rút ngắn hành trình đi.

Phiên bản R2TLSA-US3M-WH còn tích hợp tính năng APC (Actuation Point Changer), cho phép anh em điều chỉnh điểm kích hoạt trên hành trình phím. Với APC, điểm kích hoạt có thể nằm ở nhiều vị trí trên hành trình như 1,5 mm, 2,2 mm và 3 mm. Anh em có thể nhanh chóng chuyển đổi bằng tổ hợp Fn + mũi tên đi lên và đèn LED sẽ báo hiệu điểm kích hoạt đang được chọn.

Tuy nhiên, với phần mềm Realforce đi kèm, chúng ta có thể điều chỉnh hành trình trên từng phím một, không chỉ áp dụng một điểm kích hoạt trên toàn bàn phím. Ví dụ, có thể chỉnh hành trình của các phím ký tự chính xuống 1,5 mm để gõ nhạy, các phím chức năng xung quanh xuống 2,2 mm, và các phím như Enter hoặc Esc xuống 3 mm để tránh bấm nhầm. APC là một tính năng lý tưởng khi sử dụng bàn phím để chơi game. So với các loại switch Cherry tương tự, Topre vẫn mang lại cảm giác xúc giác tốt nhờ vào vòm cao su dưới đáy, đồng thời có thể đạt được độ nhạy cực cao với lực bấm rất nhẹ.
Mạnh mẽ với màu đen!

Phiên bản R2TL-USVM-BK không tích hợp tính năng APC, giá thành thấp hơn nhưng lực nhấn trên các phím đa dạng, đòi hỏi sự mạnh mẽ hơn từ phía người dùng. Lực nhấn được thiết lập sẵn, ví dụ như 30 g cho các phím ký tự chính, 45 g cho các phím chức năng xung quanh, và 55 g cho các phím như Space hoặc Enter. Điểm kích hoạt của chiếc bàn phím này ổn định ở 2,2 mm, và sự phân bổ khác nhau về lực nhấn giữa các phím giúp tránh bấm nhầm.

Với việc sử dụng switch Topre truyền thống, phiên bản R2TL-USVM-BK mang lại âm thanh Thock đặc trưng. Tôi rất thích âm thanh độc đáo này khi gõ Topre, không giống bất kỳ âm thanh nào từ các bàn phím cơ Cherry khác.

Tổng quan, Realforce vẫn là sự đam mê, nhưng giá phải trả cho đam mê này không hề rẻ. Topre là dòng switch rất bền bỉ, chính xác và mang lại trải nghiệm gõ khác biệt. Với tính độc đáo của Topre, các bàn phím Realforce có giá không dưới 5 triệu đồng. Phiên bản màu trắng trong bài viết này với tính năng APC có giá khoảng 6,4 triệu đồng, trong khi phiên bản màu đen không có APC có giá gần 6 triệu đồng.

Tuy nhiên, đối với những gì mà nó mang lại, đây là khoản đầu tư xứng đáng. Tôi đã nói lại nhiều lần rằng sau khi gõ Topre, bạn sẽ không muốn chuyển sang bất kỳ loại phím cơ nào khác. Đây là một khoản đầu tư lớn, nhưng chỉ cần đầu tư một lần thay vì phải thay đổi liên tục như với các loại phím cơ khác.