Dù trong năm có cố gắng đến đâu, hiệu suất 2-3 tháng cuối năm lại mang tính chất quyết định trong kỳ performance review của bạn.
Trong 3 tháng đầu năm, khá nhiều đơn vị tiến hành đánh giá hiệu suất (performance review). Vì vậy không ít người mong đợi được thăng chức, lên lương vào thời điểm này.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, dù trong năm bạn cố gắng đến đâu, thì 2-3 tháng trước kỳ review lại là thời điểm ảnh hưởng lớn nhất đến toàn bộ quá trình phấn đấu của bạn. Điều này xảy ra do một hiệu ứng mang tên recency bias (tạm dịch: thiên kiến gần đây).
Recency bias là gì?
Đây là hiện tượng bạn ghi nhớ và đánh giá cao những sự việc mới xảy ra gần đây hơn là những việc đã xảy ra một thời gian trước đó. Theo nhà tâm lý học Hermann Ebbinghaus, recency bias liên quan tới serial-position effect - hiện tượng khiến bạn nhớ mốc thời gian đầu tiên và cuối cùng của một chuỗi sự kiện hơn là những gì xảy ra giữa 2 mốc thời gian đó.
Thiên kiến này xuất hiện khá phổ biến trong performance review, và có thể ảnh hưởng đến cách quản lý đánh giá nhân viên của mình. Cụ thể, người quản lý dễ tập trung vào năng suất làm việc của nhân viên trong khoảng 2-3 tháng trước kỳ review, hơn là quá trình làm việc trong cả năm.
Nguyên nhân của recency bias?
Trong não bộ, chúng ta có 3 cấp độ trí nhớ: tạm thời, ngắn hạn và dài hạn. Có thể hiểu chúng như 3 ngăn tủ, với ngăn 'tạm thời' nhận thông tin mới, ngăn 'ngắn hạn' lưu trữ thông tin đến khi cần sử dụng và ngăn 'dài hạn' giữ lại những bài học và kỹ năng đã học.
Với vai trò chỉ nhận thông tin, ngăn 'tạm thời' có kích thước nhỏ. Nó chỉ lưu giữ một lượng thông tin nhỏ tại một thời điểm, giúp chúng ta truy cập nhanh chóng khi cần.
Trong quá trình đánh giá nhân viên, người quản lý cũng phải 'truy vấn' não bộ để nhớ lại chi tiết về nhân viên đó. Vì giới hạn thời gian của buổi đánh giá, các thông tin gần đây thường được ưu tiên.
Recency bias có lợi hay có hại cho sự nghiệp của bạn?
Bạn có thể sử dụng recency bias để tăng cường hiệu suất, tạo ấn tượng tích cực trong kỳ đánh giá công việc. Ví dụ, bạn là một nhân viên 'bình thường' suốt nhiều tháng, nhưng vào cuối năm, bạn đạt KPI cao nhất trong nhóm hoặc đạt được một thỏa thuận lớn cho công ty. Thành tích đó sẽ chắc chắn để lại ấn tượng sâu sắc với cấp trên của bạn.
Tuy nhiên, recency bias cũng có hai mặt. Ví dụ, nếu trong vài tháng trước kỳ đánh giá, bạn gặp phải sự cố ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Điều này có thể làm cho những nỗ lực của bạn ở đầu/nữa năm bị quên lãng, dễ khiến bạn mất động lực trong việc phấn đấu cho giai đoạn tiếp theo.