Đại đức Hae Min sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc, từng tốt nghiệp và giảng dạy về tôn giáo. Năm 2015, Đại đức cùng nhiều chuyên gia mở trường Trị liệu Tâm hồn, cung cấp điều trị miễn phí cho những người gặp bất hạnh trong cuộc sống hay đang mang nhiều khổ tâm. Cuốn sách 'Bước chậm lại giữa thế gian vội vã' của ngài, ra mắt lần đầu năm 2012, đã nhận được sự ủng hộ lớn từ độc giả, trở thành cuốn sách chữa lành cho hàng triệu người trẻ đang vội vã với nhịp sống hối hả.
Khi bạn cảm thấy thế gian xung quanh mình
Đang xoay chuyển quá nhanh
Hãy dừng lại và tự hỏi.
“Có phải chính tâm trí bạn đang quá bận rộn?
Hay là do thế gian này quá vội vàng?
Con người thường nghĩ rằng “tâm trí” và “thế gian” là hai khái niệm hoàn toàn riêng biệt. Chúng ta luôn cho rằng, tâm trí là thứ ở bên trong ta, còn thế gian là thứ bên ngoài. Và chúng ta tin rằng tâm trí mình bị chi phối bởi thế gian, có lúc thế gian làm ta vui, cũng có lúc khiến ta buồn. Chính vì vậy, chúng ta thường coi tâm trí mình nhỏ bé và yếu đuối so với thế gian rộng lớn ngoài kia.
Nhưng lời dạy của đức Phật sẽ thay đổi hẳn suy nghĩ của chúng ta. Không phải thế gian làm ta vui hay buồn, mà chính khi ta thấy tâm trí mình phản chiếu trong cuộc sống, ta dựa vào đó rồi tự cho rằng thế gian này như thế này, thế gian kia như thế kia.
Điều này có nghĩa là gì? Nhìn thấy tâm trí mình phản chiếu trong cuộc sống là sao? Tôi sẽ lấy một ví dụ đơn giản. Đây là câu chuyện do một bậc thầy kể lại cho tôi, sau khi hoàn thành việc xây dựng một ngôi chùa không lâu trước đây.
“Những ai từng xây nhà chắc chắn sẽ hiểu cảm giác của tôi. Khi đang xây chùa, đến công đoạn lợp ngói cho mái nhà, hễ đi đến đâu, bất kể là nhà ở hay chùa, đền thì mái ngói ở đấy lại đập vào mắt tôi trước tiên. Đến khi lót sàn cho hiên, thì đi đâu tôi cũng chỉ nhìn vào hiên nhà. Tôi toàn chú ý xem sàn hiên được lót bằng gỗ gì, chắc chắn ra sao. Khoảnh khắc nhận ra điều này, tôi đã giác ngộ ra một điều nhỏ bé. Khi ta nhìn thế gian, dường như ta chỉ nhìn những thứ tâm ta muốn nhìn. Tôi ngộ ra rằng, thế gian mà chúng ta thấy không phải toàn bộ vũ trụ rộng lớn, mà là thế gian bị giới hạn bởi tầm nhìn của đôi mắt trong tâm.”
Sau khi nghe vị sư ấy nói, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, và thực sự đó là sự thật. Chúng ta có bao giờ để ý đến cả vũ trụ rộng lớn mà sống đâu? Thực ra chúng ta cũng không cần phải biết tất cả những gì đang xảy ra trong vũ trụ này. Chúng ta sống và nhận thức thế gian chỉ qua lăng kính tâm hồn của chính mình.
Khi ta nhìn thế gian qua ống kính tâm hồn trong trạng thái “mình cần thứ này” thì ta chỉ thấy điều mình đang tìm. Bởi tâm ta chỉ hướng về điều nó cần. Giống như khi một vị sư già đi qua và nói một câu, người bình thường không thấy gì đặc biệt, nhưng người đang tìm kiếm sự giác ngộ sẽ nhận ra bài học lớn ẩn chứa trong câu nói đó.
Vậy, tâm trí ta đâu chỉ là thứ nhỏ bé, thụ động, bị chi phối bởi thế gian rộng lớn. Chúng ta có thể quyết định ống kính tâm hồn mình sẽ hướng về phía nào của thế gian. Thế gian mà ta thấy qua ống kính tâm hồn bị giới hạn, khi ta điều chỉnh tâm trí hướng về điều mình muốn thấy, thì thế gian sẽ hiện ra những gì ta mong muốn. Nhưng điều này không hề dễ dàng, cần sự nỗ lực vô cùng lớn để thay đổi chiều hướng của ống kính theo ý mình.
Quan trọng hơn cả, không chỉ là điều chỉnh hướng ống kính, mà là trạng thái của ống kính. Tâm trí ta nhìn thế giới theo trạng thái nào, thì màu sắc của ống kính sẽ thay đổi theo trạng thái đó. Khi tâm vui vẻ, ống kính sẽ mang màu của niềm vui, thế giới qua đó cũng đầy ắp niềm vui. Ngược lại, khi lòng cô đơn, ống kính sẽ đổi màu, khiến thế gian xung quanh cũng trở nên quạnh quẽ.
Như vậy, những chuyện xảy ra trên thế gian vốn dĩ không có chuyện nào là vui hay buồn, đẹp đẽ hay đáng kinh tởm. Thế gian không tự phân chia mọi thứ, chính ống kính tâm hồn của ta làm điều đó. Khi nhìn thấy lá vàng rơi vào mùa thu, có người nói “Ôi, sao mà cô đơn quá”, có người lại nói “A, cảnh đẹp quá”. Thế gian đó vẫn là một, cùng là cảnh lá rơi, nhưng tuỳ theo tâm mỗi người đang thanh tịnh hay cô đơn mà thế gian nhìn thấy cũng thay đổi.
Giờ tôi sẽ kể câu chuyện của chính mình. Khi ở Mỹ, vừa thực hiện bổn phận nhà sư, vừa là giáo sư, tôi không có phút nào rảnh rỗi. Sống cuộc sống của một học giả, giáo viên, nhà tôn giáo và tu hành, nhiều khi tôi thấy mình cực kỳ bận rộn. Trong tuần dạy học và nghiên cứu, cuối tuần lái xe ba tiếng đến ngôi chùa ở New York của ân sư, nhận nhiệm vụ và làm việc ở đó. Đến kỳ nghỉ, lịch làm việc còn bận rộn hơn. Tôi phải thăm viếng và chào hỏi các sư thầy lớn tuổi, đi thông dịch, giảng pháp văn và dành thời gian tự tu hành, chưa kể viết luận văn và nghiên cứu.
Thật ra có lúc tôi tự hỏi “Mình đang làm nghề gì vậy?” Tôi nghĩ mình có đúng là nhà sư không, nếu là nhà sư thì có được phép sống bận rộn như thế này không. Nhưng rồi tôi nhận ra ngay. Không phải thế gian bận rộn, mà chính tâm trí tôi bận rộn. Thế gian này không bao giờ tự thở dài và than thở “Mình thật bận rộn” cả. Rốt cuộc, nếu tâm trí ta nghỉ ngơi thì thế gian này cũng sẽ nghỉ theo.
Tôi nhận ra rằng cuộc sống bận rộn của mình là do tôi tự muốn như vậy. Nếu muốn nghỉ ngơi, tôi có thể làm điều đó. Nếu không muốn làm việc gì đó, tôi có thể từ chối hoặc không nhận cuộc gọi. Nhưng việc tiếp tục đẩy bản thân vào lịch làm việc bận rộn là vì tôi cảm thấy thích thú với điều đó. Gặp gỡ và giúp đỡ người khác, dù là những điều nhỏ nhặt nhất, cũng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tôi.
Nếu bạn muốn nghỉ ngơi, hãy tập trung vào hiện tại. Tâm trí bạn luôn bận rộn suy nghĩ về quá khứ và tương lai. Khi tập trung vào hiện tại, không có quá khứ hay tương lai làm phiền. Hiện tại sẽ không gặp phải bất kỳ trở ngại nào.
Có câu nói: “Mắt Phật chỉ nhìn thấy Phật, mắt lợn chỉ nhìn thấy lợn.” Tâm hồn nhìn thế gian ở trạng thái như thế nào, thì thế gian sẽ hiển thị như thế đó.
Tóm lại, không phải lỗi của thế gian mà là của chúng ta. Cảm xúc của chúng ta về thế gian có thể do chính chúng ta tạo ra, có ý thức hoặc không ý thức. Nếu tâm trí được nghỉ ngơi, thế gian cũng sẽ yên bình theo.
Trích từ sách: Tú Linh - MyBook