Tâm thần phân liệt | |
---|---|
Vải do một người được chẩn đoán tâm thần phân liệt thêu | |
Chuyên khoa | tâm thần học, tâm lý học lâm sàng |
ICD-10 | F20 |
ICD-9-CM | 295 |
OMIM | 181500 |
DiseasesDB | 11890 |
MedlinePlus | 000928 |
eMedicine | med/2072 emerg/520 |
Patient UK | Tâm thần phân liệt |
MeSH |
|
Rối loạn tâm thần phân liệt (Tiếng Anh: Schizophrenia) là một tình trạng tâm lý nghiêm trọng đặc trưng bởi sự suy giảm trong quá trình suy nghĩ và sự thiếu hụt cảm xúc bình thường. Triệu chứng phổ biến bao gồm ảo giác, nghe thấy những âm thanh hoặc giọng nói không tồn tại, dẫn đến cảm xúc tiêu cực hoặc tích cực, và do đó gây ra những phản ứng hành vi không ổn định như thù hận đối với người thân, gia đình và xã hội. Những tác động nhỏ cũng có thể làm người bệnh mất kiểm soát, dẫn đến hoảng loạn, giận dữ, và hành vi không kiểm soát với người và vật xung quanh. Bệnh nhân thường không thể kiểm soát được tâm trạng, gặp khó khăn trong suy nghĩ, thiếu động lực sống, và gặp vấn đề về trí nhớ. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng xã hội và công việc, thường xảy ra ở người trưởng thành trẻ tuổi với tỷ lệ toàn cầu ước tính khoảng 0.3–0.7%. Chẩn đoán dựa trên quan sát hành vi và các triệu chứng được bệnh nhân mô tả.
Các yếu tố góp phần vào sự phát triển của bệnh bao gồm di truyền, sử dụng ma túy, môi trường trong những năm đầu đời, tâm lý và diễn biến xã hội. Một số loại thuốc kích thích và thuốc kê đơn có thể là nguyên nhân hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng. Sự kết hợp của nhiều triệu chứng bệnh đã gây ra tranh cãi về việc liệu đây có phải là một loại rối loạn đơn lẻ hay nhiều hội chứng khác nhau. Thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp skhizein (“phân chia”) và phrēn (“tâm trí”), tâm thần phân liệt ám chỉ sự “phân chia tính cách” hoặc “rối loạn nhân cách”. Tuy nhiên, thuật ngữ này còn phản ánh sự “phân tách chức năng tâm thần” theo biểu hiện của bệnh.
Các triệu chứng của rối loạn tâm thần phân liệt
Triệu chứng của tâm thần phân liệt được phân thành ba nhóm chính: triệu chứng dương tính, triệu chứng âm tính và rối loạn tổ chức. Triệu chứng dương tính không có nghĩa là những triệu chứng này là có lợi hoặc phù hợp với bệnh nhân; ngược lại, chúng đặc trưng bởi sự hiện diện của các phản ứng bất thường, chẳng hạn như nghe những giọng nói không có thật (huyễn thính). Trong khi đó, triệu chứng âm tính liên quan đến sự thiếu vắng các phản ứng bình thường như cảm xúc, ngôn ngữ, và động lực mà lẽ ra bệnh nhân nên có.
Triệu chứng dương tính (hay còn gọi là triệu chứng loạn thần)
Các giác quan của chúng ta cung cấp những thông tin cơ bản nhưng rất quan trọng để nhận biết bản thân, hành động của mình, hoặc cách người khác nhìn nhận chúng ta. Nhiều người mắc bệnh tâm thần phân liệt trải qua những thay đổi nhận thức phức tạp hoặc đáng sợ. Một triệu chứng phổ biến và dễ nhận biết là ảo giác, khi các giác quan trải nghiệm những kích thích không có thực. Dù ảo giác có thể ảnh hưởng đến bất kỳ giác quan nào, nhưng người bệnh thường gặp phải huyễn thính – nghe thấy những giọng nói không tồn tại. Họ có thể nghe thấy những giọng nói bình phẩm về hành vi của họ hoặc ra lệnh cho họ, hoặc thậm chí nghe thấy nhiều giọng nói đang tranh cãi.
Tuy nhiên, cần phân biệt giữa ảo giác và những lỗi nhận thức tạm thời mà nhiều người gặp phải. Bạn có bao giờ đi trên đường và cảm thấy nghe thấy ai đó gọi tên bạn, nhưng khi quay lại thì không thấy ai không? Bạn có thể nghĩ rằng mình đã tưởng tượng ra. Nhưng ảo giác khác biệt ở chỗ nó xâm nhập vào tâm trí bệnh nhân rất mạnh mẽ, khiến họ thực sự cảm nhận và tin vào những gì không tồn tại.
Hoang tưởng
Nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt trải qua chứng hoang tưởng, tức là có những niềm tin đặc biệt kỳ quặc dù không có cơ sở thực tế. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân kiên quyết bảo vệ niềm tin ảo tưởng của mình dù có bằng chứng ngược lại ngay trước mắt. Lo lắng cũng là một đặc điểm của hoang tưởng. Trong giai đoạn loạn thần cấp tính, người bệnh không thể ngừng suy nghĩ về những niềm tin không có thực đó. Cuối cùng, người mắc chứng hoang tưởng có thể không quan tâm đến ý kiến của người khác về niềm tin của họ.
Mặc dù có nhiều loại hoang tưởng, phần lớn chúng thuộc dạng cá nhân và không được chia sẻ với gia đình hoặc cộng đồng. Những hoang tưởng phổ biến mà bệnh nhân thường gặp bao gồm cảm giác rằng suy nghĩ của họ bị đưa vào đầu họ, người khác có thể đọc được suy nghĩ của họ, hoặc bệnh nhân bị điều khiển bởi một lực lượng siêu nhiên bí ẩn. Những niềm tin này thường là những mảnh ghép rời rạc, không liên kết với nhau thành một hệ thống thống nhất và không được bệnh nhân diễn tả một cách thường xuyên.
Ảo giác
Ảo giác là cảm giác mà không có đối tượng thực tế. Ảo giác có thể ảnh hưởng đến bất kỳ giác quan nào (như ảo thanh, ảo thị, ảo khứu, ảo xúc giác, hoặc ảo vị giác), nhưng ảo thanh là phổ biến nhất và có giá trị chẩn đoán cao trong tâm thần phân liệt.
- Ảo thanh xuất hiện ở 60-70% bệnh nhân tâm thần phân liệt. Bệnh nhân nghe thấy những âm thanh không có thực, nhưng họ tin rằng đó là thật. Ảo thanh thường được phân loại thành ảo thanh thật và ảo thanh giả.
Nội dung của ảo thanh có thể rất đa dạng. Dựa trên nội dung, ảo thanh có thể được phân loại thành các loại khác nhau.
+ Ảo thanh phê phán thường là những âm thanh mà bệnh nhân nghe thấy đang chỉ trích hoặc xúc phạm họ, thậm chí đe dọa, và đây là dạng ảo thanh phổ biến.
+ Ảo thanh khuyến khích hoặc ra lệnh: là các âm thanh mà bệnh nhân nghe thấy đang yêu cầu hoặc chỉ dẫn họ thực hiện một hành động nào đó. Thông thường, bệnh nhân không thể từ chối những mệnh lệnh này.
+ Ảo thanh đối thoại: bệnh nhân trò chuyện với các âm thanh như thể đó là những cuộc trò chuyện thực sự, mặc dù người ngoài có thể thấy bệnh nhân đang nói chuyện một mình.
+ Ảo thanh đối thoại: là những âm thanh mà bệnh nhân nghe thấy có sự trao đổi giữa hai hoặc nhiều giọng nói, hoặc giọng nói bình phẩm về suy nghĩ và hành vi của họ.
- Ảo thị giác: là những hình ảnh không có thật mà bệnh nhân thấy như là thật. Khoảng 10% bệnh nhân tâm thần phân liệt gặp phải ảo thị, tuy chúng không có giá trị chẩn đoán cao như ảo thanh. Những hình ảnh ảo có thể dễ chịu hoặc vui vẻ, nhưng thường là hình ảnh đáng sợ gây lo lắng và sợ hãi, có thể dẫn đến hành vi nguy hiểm như tự sát hoặc bạo lực.
- Ảo xúc giác: loại ảo giác này ít gặp trong bệnh tâm thần phân liệt và không có giá trị chẩn đoán cao. Bệnh nhân có thể cảm thấy như có côn trùng bò dưới da hoặc cảm giác có rắn di chuyển trong bụng.
Ngôn ngữ kỳ lạ:
- Ngôn ngữ kỳ lạ là triệu chứng rất quan trọng trong chẩn đoán tâm thần phân liệt, đặc biệt là ở thể thanh xuân. Bệnh nhân có thể biểu đạt tư duy qua lời nói rất rối loạn, khó hiểu và không theo trật tự logic.
Hành vi kỳ lạ:
- Hành vi kỳ lạ là một dạng rối loạn hành vi nghiêm trọng, đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán tâm thần phân liệt. Triệu chứng này thường gặp ở thể thanh xuân và thể không biệt định của bệnh.
- Các hành vi này có thể xuất hiện với nhiều mức độ khác nhau, từ việc đi lại liên tục đến sự kích động mạnh mẽ. Chúng thường mang tính chất lố lăng, hời hợt, kỳ quái và khó lý giải.
Hành vi căng trương lực:
Hành vi căng trương lực bao gồm các hiện tượng sau:
- Sững sờ căng trương lực: Đây là tình trạng giảm đáng kể khả năng phản ứng với các tác động từ môi trường xung quanh. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể duy trì một tư thế cố định trong thời gian dài đến mức gần như bất động.
- Kích động căng trương lực: Là dạng kích động liên quan đến căng trương lực cơ bắp. Các hành vi kích động này thường rất lố bịch và kỳ quái, nhưng chỉ xuất hiện trong không gian nhỏ hẹp như trên giường hoặc trong phòng, khác với sự hưng cảm xảy ra trong không gian rộng.
- Phủ định căng trương lực là khi bệnh nhân phản kháng lại mọi tác động từ bên ngoài. Ví dụ, khi bạn kéo tay bệnh nhân ra, bệnh nhân sẽ co tay lại để chống cự.
- Uốn sáp căng trương lực là tình trạng bệnh nhân giữ nguyên ở các tư thế kỳ lạ và vô lý trong thời gian dài (ví dụ, nếu bạn đưa tay bệnh nhân lên đầu như tư thế chào, bệnh nhân sẽ giữ nguyên tư thế đó hàng giờ). Trong thực tế lâm sàng, người ta thường làm nghiệm pháp gối không khí, trong đó bệnh nhân có thể giữ đầu không chạm xuống giường hàng chục phút.
- Trong trường hợp căng trương lực rất nặng, bệnh nhân sẽ không phản ứng với các kích thích bên ngoài và chỉ nằm yên một chỗ.
Triệu chứng âm tính
Triệu chứng âm tính biểu hiện qua sự thiếu vắng các phản ứng cảm xúc, ngôn ngữ hoặc động lực. Do đó, triệu chứng này thường khó phát hiện hơn so với triệu chứng tích cực. Triệu chứng âm tính cũng thường ổn định hơn theo thời gian so với triệu chứng tích cực, vì triệu chứng tích cực có thể thay đổi mạnh mẽ trong và ngoài các đợt loạn tinh thần.
Một triệu chứng tiêu biểu của dạng âm tính là sự thiếu hụt trong việc thể hiện cảm xúc, thường được gọi là 'Diễn đạt cảm xúc giảm sút' (diminished emotional expression) hoặc 'cảm xúc cùn mòn' (blunted affect). Bệnh nhân với triệu chứng này thường không biểu lộ bất kỳ cảm xúc nào, không thể hiện sự vui vẻ hay buồn bã. Họ có vẻ hờ hững với mọi thứ xung quanh, gương mặt không có biểu cảm và giọng nói phẳng lặng, thiếu nhịp điệu. Những sự kiện diễn ra xung quanh không có ảnh hưởng gì đến họ. Họ có thể không quan tâm đến bản thân cũng như những người xung quanh.
Một triệu chứng khác của sự thiếu hụt cảm xúc là không cảm thấy niềm vui. Trong khi thiếu cảm xúc liên quan đến việc không có phản ứng bên ngoài, việc không cảm nhận được khoái lạc là thiếu cảm giác tích cực. Người bệnh không cảm thấy hứng thú với bất kỳ hoạt động hoặc mối quan hệ xã hội nào và không tìm thấy niềm vui trong chúng. Họ có thể mất đi cả vị giác và xúc giác.
Nhiều người mắc tâm thần phân liệt trở nên xa lánh xã hội. Sự cô lập này có thể xảy ra trước khi các triệu chứng chính bắt đầu. Đây vừa là một triệu chứng vừa là cách mà nhiều bệnh nhân dùng để đối phó với các triệu chứng khác của họ. Ví dụ, họ có thể hạn chế giao tiếp để giảm sự kích thích có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Sự cô lập thường đi kèm với sự do dự, mâu thuẫn trong tư tưởng, và thiếu động lực. Họ có thể ngồi im một chỗ cả ngày, không nhúc nhích hay chăm sóc bản thân như chải đầu hay tắm rửa trong nhiều tuần.
Một triệu chứng âm tính khác là rối loạn ngôn ngữ. Một dạng của triệu chứng này là 'nghèo nàn ngôn ngữ' (poverty of speech), khi bệnh nhân giảm thiểu đáng kể lượng lời nói của mình. Họ dường như không có gì để nói. Một dạng khác là 'suy nghĩ bị chặn', khi chuỗi suy nghĩ của bệnh nhân bị ngắt quãng trước khi một ý tưởng hoặc suy nghĩ kịp hình thành.
Rối loạn tổ chức
Một số triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt không dễ dàng phân loại thành tích cực hay tiêu cực. Do đó, hiện tượng rối loạn suy nghĩ và hành vi kỳ lạ, thể hiện khía cạnh thứ ba của bệnh, được gọi là rối loạn vô tổ chức (Disorganization).
Một triệu chứng quan trọng trong các triệu chứng của tâm thần phân liệt là ngôn ngữ vô tổ chức (disorganized speech). Đây là khi lời nói của bệnh nhân trở nên vô nghĩa hoặc không có liên kết. Các dấu hiệu của ngôn ngữ vô tổ chức bao gồm trả lời câu hỏi không liên quan, ý tưởng rời rạc và sử dụng từ ngữ một cách không bình thường. Triệu chứng này còn được gọi là 'rối loạn suy nghĩ' và thường thấy qua việc chuyển đổi chủ đề trò chuyện đột ngột, trả lời lạc đề hoặc lặp lại từ hoặc cụm từ một cách liên tục.
Chuyển động cơ thể bất thường
Người mắc tâm thần phân liệt có thể gặp phải hiện tượng cứng cơ hoặc cứng chi, dẫn đến việc di chuyển không bình thường. Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể giữ nguyên một tư thế bất thường trong thời gian dài, ví dụ như nằm thẳng lưng nhưng gồng người lại với đầu nâng lên như gối đầu. Bệnh nhân thường không thay đổi tư thế dù cảm thấy cực kỳ khó chịu và đau đớn.
Để chẩn đoán tâm thần phân liệt, bệnh nhân cần có ít nhất hai triệu chứng nêu trên và triệu chứng phải kéo dài ít nhất một tháng. Cuộc sống, công việc và các mối quan hệ cá nhân của người bệnh phải bị ảnh hưởng nghiêm trọng so với trước khi phát bệnh. Cần lưu ý rằng một số triệu chứng tiêu cực của tâm thần phân liệt có thể giống với bệnh trầm cảm lâm sàng, vì vậy triệu chứng phải xuất hiện trong thời gian không có bệnh trầm cảm hoặc hưng cảm để được coi là tâm thần phân liệt.
Khám phá các trường hợp
'Khánh Ly, 24 tuổi, nhưng trông như mới chỉ mười mấy tuổi. Cô được anh trai đưa vào bệnh viện lần thứ 12 vì ngày càng trở nên đáng sợ với anh ấy. Ly mặc chiếc áo choàng dài tơi tả, dép ngủ, mũ bóng chày và đeo nhiều huy chương quanh cổ. Triệu chứng của cô rất đa dạng, từ cơn giận vô lý với anh trai (anh ta cho tôi ăn phân) đến cười khúc khích và dụ dỗ người khám bệnh. Cô nói và hành xử như một đứa trẻ, đi lại nghiêng ngả và lắc eo quá mức. Anh trai cho biết cô không chịu uống thuốc khoảng một tháng trước, sau đó cô bắt đầu nghe thấy một giọng nói trong đầu và ngày càng hành xử kỳ quặc. Khi được hỏi về việc mình đang làm, cô trả lời: 'Tôi đang ăn dây điện và chuẩn bị đốt lửa.'
Trong trường hợp của Khánh Ly, rõ ràng là cô mất khả năng vận hành các chức năng nhận thức và cảm xúc. Cô không thể suy luận, nhận thức được hành động của mình, giao tiếp không trôi chảy, ngôn ngữ không bình thường và không thể điều chỉnh hành vi theo chuẩn mực xã hội. Do đó, cô được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt. Cô phải dùng thuốc hàng ngày, nhưng việc ngừng thuốc đã khiến bệnh tình tái phát và nghiêm trọng hơn, dẫn đến việc cô nghe thấy những tiếng nói và hành xử ngày càng lạ lùng.
'Bà Hồng Thủy, 79 tuổi, một nhân viên thư viện về hưu, khi đến khám bác sĩ đã nói: 'Có những con giun vẫn còn trong cơ thể tôi.' 4 năm trước, khi tắm, bà bắt đầu cảm nhận có những 'con giun nhỏ' trong người. Sau đó, bà cảm thấy chúng 'chui qua da'. Bà đã nhiều lần đến bác sĩ và mang theo mẫu nước nghi có giun, nhưng không ai tìm thấy ký sinh trùng. Dù bác sĩ khẳng định chỉ là mảnh da khô của bà, bà vẫn không tin. Bà cảm thấy bạn bè và đồng nghiệp dần xa lánh mình vì những con giun đó. Khoảng 9 tháng sau, khi đi nhà thờ, bà thấy chuỗi tràng hạt tự xoay và cảm nhận có lực từ hút mọi thứ xung quanh. Bà tin rằng lực từ này là do giun xâm nhập vào tủy sống và di chuyển lên xuống. Do bà không dùng chất kích thích, bác sĩ dễ dàng chẩn đoán bà mắc tâm thần phân liệt.'
Trường hợp của bà Thủy và cô Ly đều là ví dụ tiêu biểu của các triệu chứng tích cực của tâm thần phân liệt. Rõ ràng là bà Thủy có ảo giác và hoang tưởng theo mô tả. Vậy triệu chứng tiêu cực có biểu hiện ra sao? Hãy cùng khám phá qua ca bệnh dưới đây:
'Thúy Vân, 26 tuổi, luôn khom lưng và cúi gầm đầu. Cô có gương mặt trẻ con với những bím tóc và dây ruy-băng hồng. Cô được bác sĩ gia đình đưa tới Văn phòng tâm lý vì bác sĩ lo lắng về tình trạng hoạt động cơ thể quá thấp của cô. Cô chỉ nói với bác sĩ rằng: 'Tôi có khoảng thời gian gián đoạn trong việc chăm sóc bản thân và cuộc sống của tôi đang dưới mức bình thường.' Sau đó, cô giữ im lặng và nhốt mình trong phòng. 20 năm trước, khi vị hôn phu hủy bỏ lễ đính hôn, cô bắt đầu không thể tổ chức mọi thứ gọn gàng, lang thang vô định trong những bộ đồ không phù hợp. Vân bị sa thải và được đưa vào bệnh viện, sau đó anh trai cô làm giấy xuất viện với hy vọng cô sẽ hồi phục và bắt đầu lại cuộc sống. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, cô càng ngày càng cô lập với xã hội và ít vận động hơn. Cô dành phần lớn thời gian để nấu nướng và xem TV, nhưng món ăn của cô thường là những sự kết hợp kỳ lạ như súp-lơ với bánh ngọt. Khi người anh vào phòng, cô thường giả vờ đọc sách hoặc tạp chí nhưng thực tế chỉ ngồi ngẩn ngơ. Vân rất lười tắm và chải đầu, ăn uống ngày càng ít đi và từ chối giao tiếp với bác sĩ.'
Rõ ràng từ mô tả trên, Thúy Vân đã hoàn toàn cô lập bản thân khỏi xã hội, không còn hứng thú với bất kỳ hoạt động xã hội nào và hạn chế giao tiếp. Lượng ngôn từ cô sử dụng rất hạn chế, chứng tỏ rõ ràng các triệu chứng tâm thần phân liệt tiêu cực.
Nguyên nhân
Nhiều yếu tố có thể dẫn đến chứng tâm thần phân liệt, bao gồm việc mẹ bị nhiễm virus trong thời kỳ mang thai, yếu tố di truyền, chấn thương tâm lý, hoặc bất thường trong cấu trúc não. Bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến một khu vực não cụ thể mà còn liên quan đến nhiều phần khác nhau. Nghiên cứu MRI cho thấy tổng số tế bào não của người mắc tâm thần phân liệt thấp hơn đáng kể so với người bình thường (trong hình, phần màu đen là khu vực rỗng, rõ ràng bệnh nhân tâm thần phân liệt (bên trái) có phần rỗng nhiều hơn người bình thường (bên phải)). Nghiên cứu fMRI cũng cho thấy hoạt động não của người mắc bệnh này thấp hơn. Một số báo cáo còn chỉ ra rằng kích thước của các bộ phận não như hồi hải mã và hạch hạnh nhân bị giảm, các bộ phận này rất quan trọng trong việc điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ và nhận thức. Sự giảm kích thước này rõ nhất ở não trái – khu vực chịu trách nhiệm điều khiển ngôn ngữ.
Chất dẫn truyền thần kinh dopamine có ảnh hưởng đến ngôn ngữ, hành vi, học tập và cảm xúc, đồng thời tạo ra cảm giác hưng phấn và vui vẻ. Thuyết Dopamine, một trong những thuyết quan trọng nhất về chất dẫn truyền thần kinh và tâm thần phân liệt, cho rằng các triệu chứng tích cực của bệnh là do lượng dopamine và cơ quan thụ cảm dopamine quá cao (mỗi chất dẫn truyền thần kinh có một cơ quan thụ cảm riêng biệt), dẫn đến hiện tượng ảo giác. Hầu hết các loại thuốc chữa tâm thần phân liệt hiện nay hoạt động bằng cách chặn cơ quan thụ cảm D2, ngăn chặn việc tiếp nhận dopamine.'
Ngoài dopamine, các chất dẫn truyền thần kinh khác như serotonin (liên quan đến cảm xúc) và glutamate (liên quan đến cảm giác phấn khích) cũng đang được nghiên cứu. Nhiều nhà khoa học tin rằng những chất này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của tâm thần phân liệt. Đặc biệt, glutamate (có nhiều trong bột ngọt) đã được chứng minh là khi suy giảm (do cơ quan thụ cảm bị chặn) có thể gây ra một số triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt.
Thêm vào đó, những yếu tố căng thẳng từ môi trường có thể tác động lên sinh lý và tâm lý của cá nhân, làm tăng tốc độ phát bệnh ở những người có nguy cơ di truyền, vì gene và môi trường thường tác động qua lại lẫn nhau.
Điều trị
Do các nguyên nhân gây ra tâm thần phân liệt chủ yếu liên quan đến di truyền và sinh lý, nên việc điều trị chủ yếu dựa vào thuốc. Tâm thần phân liệt hiện không thể được chữa khỏi hoàn toàn; bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc đúng liều và đều đặn. Nếu không, bệnh có thể tái phát nghiêm trọng hơn, gây tổn thương nặng nề hơn cho não bộ, như trường hợp của Khánh Ly đã nêu. Tuy nhiên, hiện tại khoa học thần kinh còn nhiều hạn chế, và thuốc điều trị tâm thần thường ảnh hưởng đến hệ nội tiết và chất dẫn truyền thần kinh, vốn có mối liên hệ phức tạp. Việc dùng thuốc lâu dài có thể gây ra tác dụng phụ không lường trước được, như cứng cơ miệng và cơ mặt, ví dụ như lưỡi thè ra ngoài, môi nhăn lại, và các cơ co thắt. Ngoài ra, thuốc còn có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây run rẩy, cứng cơ, kích động, hoặc các động tác kỳ lạ không thể kiểm soát. May mắn là những tác dụng phụ này thường xảy ra với các thuốc đời đầu như Thorazine và Hadol.
Các loại thuốc đời hai như Clorazil, Risperdal, Zyprexa, Seroqul và Solian ít gây tác dụng phụ hơn nhưng vẫn giữ được hiệu quả điều trị như các thuốc đời đầu và có tác dụng ngăn ngừa bệnh tái phát. Một nghiên cứu cho thấy chỉ có 13% bệnh nhân dùng thuốc đời hai gặp tác dụng phụ như cứng cơ và co thắt, trong khi tỷ lệ này là 32% đối với thuốc đời đầu. Tuy nhiên, các thuốc đời hai không hiệu quả lắm trong việc điều trị triệu chứng âm tính và có tác dụng phụ nguy hiểm như tăng cân, béo phì, huyết áp cao, tiểu đường, và các bệnh tim mạch. Những tác dụng phụ này có thể dẫn đến việc bệnh nhân ngưng thuốc và làm bệnh tái phát nghiêm trọng hơn.
Trị liệu tâm lý có thể làm cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tâm thần phân liệt. Các nhà trị liệu tâm lý hỗ trợ bệnh nhân giải quyết những khó khăn trong cuộc sống do bệnh gây ra, đồng thời trang bị cho họ các kỹ năng cần thiết để quản lý bệnh hiệu quả hơn. Phương pháp nhận thức hành vi, ngày càng được áp dụng rộng rãi, giúp bệnh nhân phân tích, điều chỉnh và cải thiện những suy nghĩ lệch lạc về bản thân và môi trường xung quanh.
Chú thích
Liên kết ngoài
- Thông tin về bệnh tâm thần phân liệt có thể được tìm thấy tại Đây, lưu trữ ngày 12 tháng 3 năm 2015, từ Cơ quan Y tế Tâm thần Đa Văn hóa Úc.
- Tâm thần phân liệt