Cố vấn kinh doanh Anthony Tjan cho biết hầu hết các nhà tuyển dụng đều phỏng vấn sai cách. Chúng ta cần những câu hỏi hiệu quả để nhận diện những ứng viên không chỉ thông minh mà còn phù hợp với bản chất công việc. Dưới đây là một số câu hỏi mẫu mà các nhà tuyển dụng có thể tham khảo.
Nhà tuyển dụng có thể đặt ra vô số câu hỏi trong buổi phỏng vấn, nhưng hầu hết đều thuộc một trong hai tiêu chí: câu hỏi về năng lực hoặc tính cách của ứng viên. Mục tiêu của các câu hỏi về năng lực là xác nhận kỹ năng của ứng viên, trong khi các câu hỏi về tính cách nhằm làm rõ những phẩm chất bên trong và con người của họ. Cả hai loại câu hỏi đều quan trọng, nhưng 'chúng ta thường quá tập trung vào kỹ năng mà ít chú ý đến những đặc điểm quan trọng như trung thực, lòng trắc ẩn và sự khôn ngoan,' theo Anthony Tjan - cố vấn kinh doanh và CEO của tập đoàn Cue Ball, một quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Boston.
'Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?' là một câu hỏi về tính cách phổ biến, nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề. Nhà tuyển dụng thường đặt ra câu hỏi này vì họ hy vọng ứng viên sẽ trả lời một cách trung thực. Tuy nhiên, các câu trả lời thông thường như 'Tôi quá cầu toàn', 'Tôi làm việc quá chăm chỉ' và 'Tôi quá cẩn thận' thường được chuẩn bị sẵn, dễ đoán và không chân thành. Ứng viên hiểu rằng những câu trả lời như vậy không thực sự hữu ích hoặc đáng tin cậy, nhưng họ vẫn sợ phải tiết lộ các điểm yếu thực sự của mình.
Các công ty cần phải tìm cách đánh giá tính cách của ứng viên tiềm năng. Tjan, tác giả cuốn sách Good People: Quyết Định Lãnh Đạo Duy Nhất Quan Trọng (tạm dịch) tin rằng việc kiểm tra các phẩm chất như trung thực, khiêm tốn, lòng biết ơn và hiểu rõ bản thân là chìa khóa dẫn đến sự hài lòng và thành công trong sự nghiệp. 'Không có yếu tố nào quan trọng hơn con người và các giá trị cho lợi ích cạnh tranh lâu dài,' ông giải thích. 'Và chúng định hình mục tiêu và ý nghĩa của bất kỳ tổ chức nào.' Vì vậy, nhà tuyển dụng cần cố gắng đặt ra các câu hỏi không thể trả lời chung chung hoặc bằng cách rập khuôn.
Câu hỏi về tính cách số 1: 'Một hoặc hai đặc điểm từ cha mẹ mà bạn muốn có và truyền cho con cái của bạn suốt đời là gì?' Tjan nói rằng mục tiêu là tạo ra một cuộc trò chuyện dẫn đến sự khám phá, không phải là trả lời sẵn. Câu hỏi này yêu cầu ứng viên suy nghĩ kỹ lưỡng hơn và sẽ làm rõ những điều họ trân trọng nhất. Sau khi nhận được câu trả lời đầu tiên của ứng viên, nhà tuyển dụng nên ngay lập tức hỏi “Bạn có thể cho tôi biết thêm chứ?” Nếu bạn muốn có một câu trả lời sâu sắc và có giá trị thì đây là điều thiết yếu. Tjan cũng cho rằng, mặc dù bạn có cảm giác muốn chen vào khi ứng viên đang yên lặng suy nghĩ nhưng “hãy thoải mái với khoảng lặng suy ngẫm của họ. Kiên nhẫn và cho phép ứng viên chia sẻ thường sẽ dẫn đến những câu trả lời tốt hơn.”
Câu hỏi về tính cách số 2: “25 nhân 25 bằng bao nhiêu?” Tjan muốn xem phản ứng của mọi người dưới áp lực thời gian thực tế và phản hồi sẽ cho thấy họ đối phó với những tình huống thách thức như thế nào. Họ có tỏ ra tự vệ, xấu hổ hay thậm chí là giận dữ không? Hay họ cởi mở và sẵn lòng giải quyết vấn đề? Nếu ứng viên bị khuất phục hoặc trả lời sai, Tjan sẽ yêu cầu họ tiếp cận câu hỏi từ một góc độ khác: “Hãy tưởng tượng bạn có 25 đồng tiền 25 xu trong túi, bạn có bao nhiêu tiền?” Câu hỏi này không nhắm vào khả năng tính toán của ứng viên, ông giải thích. “Vấn đề là liệu họ có thể vượt qua sự xấu hổ và không thoải mái để làm việc với tôi không. Trong công việc, không phải lúc nào con người cũng phải đối mặt với những tình huống như vậy.”
Câu hỏi về tính cách số 3: “Hãy kể về ba người mà cuộc sống của họ đã được bạn ảnh hưởng tích cực. Họ sẽ nói gì nếu tôi gọi cho họ ngày mai?” Tjan khẳng định việc kiểm tra các lời giới thiệu thường là lãng phí thời gian. Thay vào đó, ông cho rằng việc tìm hiểu về những người mà ứng viên đã giúp đỡ sẽ hữu ích hơn. Những người này không nhất thiết phải là đồng nghiệp, họ có thể là người thân, bạn bè, hàng xóm hoặc bạn cùng học của ứng viên. Các công ty cần nhân viên có khả năng hỗ trợ lẫn nhau. “Và nếu ứng viên không thể nhớ ra ai, tôi muốn biết lý do tại sao,” Tjan nói. Ông nhận thấy nhiều thành công trong mối quan hệ mà ông đã xây dựng trong cuộc sống - cả với tư cách là người tư vấn và được tư vấn. Khi một người tự nhiên thiên về mối quan hệ tư vấn, hiệu ứng domino có thể xảy ra trong tổ chức. Ông thêm: “Tôi đã học được rằng những người như vậy đã thay đổi các tổ chức.”
Câu hỏi về tính cách số 4: Sau cuộc phỏng vấn, hãy tự hỏi (và các thành viên khác nếu có) “Tôi có thể tưởng tượng mang người này về nhà cùng trong kỳ nghỉ không?” Câu hỏi này có vẻ cá nhân, nhưng theo Tjan, “bạn đang cố gắng phát triển mối quan hệ với họ”. Mặc dù bạn có thể chưa gặp gỡ người đó nhiều, trong tâm trí bạn vẫn sẽ có một câu trả lời cho câu hỏi này. Ông nói: “So với việc xem xét danh sách kiểm tra năng lực, khi tôi hỏi đồng nghiệp về điều này, tôi nhận được nhiều câu trả lời dựa trên cảm xúc hơn.”
Câu hỏi về tính cách số 5: Sau cuộc phỏng vấn, hãy hỏi nhân viên bảo vệ hoặc lễ tân “Ung cử viên đó đã tương tác với bạn như thế nào?” Hãy chú ý đến cách họ đối xử với người lạ. Điều này sẽ giúp bạn hiểu họ có hành xử đạo đức, cởi mở và công bằng hay không. Tjan biết về một công ty từng yêu cầu nhân viên bảo vệ chặn ứng viên lại trong 10 phút để thử phản ứng của họ. “Nhưng tôi nghĩ tôi không thể làm điều đó,” ông bổ sung.
Việc tuyển dụng nhân viên tốt là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Theo Tjan, việc tạo ra một tổ chức với những nhân viên có phẩm chất tốt còn quan trọng hơn việc chỉ tập trung vào việc cải thiện tỷ lệ giữ chân khách hàng và lợi nhuận cuối cùng. Có thể sẽ có những ảnh hưởng lan truyền khi nhân viên tương tác với thế giới bên ngoài, nhưng việc phát hiện và đo lường sự ảnh hưởng này có thể khá khó khăn. Mặc dù những câu hỏi về tính cách được sử dụng trong các buổi phỏng vấn việc làm, chúng ta đều hưởng lợi khi tự hỏi: “Tôi có thể đóng góp điều gì vào việc tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với người khác không?”
Tác giả: Julia Fawal, Quản lý Nội dung Xã hội tại TED.
Liên kết đến bài gốc: http://ideas.ted.com/5-câu-hỏi-phỏng-vấn-giúp-bạn-tuyển-chọn-người-tốt-hơn/
Dịch bởi: Thu Trang - MyBook.
Bài viết hợp tác với MyBook, vui lòng gửi về: [email protected]