Nếu bạn là người đầu tiên đến buổi họp, bạn nghĩ căn phòng đó trống hay đầy?
Nếu bạn sinh ra ở phương Tây, buổi họp là nơi mọi người gặp gỡ. Do đó, nếu không có ai ở đó, dĩ nhiên căn phòng đó sẽ trống. Triết gia Henk Oosterling lưu ý, ở phương Tây, 'một căn phòng sẽ trống cho đến khi có người bước vào'.
Căn phòng này trống một nửa hay đầy một nửa?
Tuy nhiên, ở phương Đông, khái niệm không gian được hiểu theo cách khác. Ở Nhật Bản, một không gian luôn có những đặc điểm, ý nghĩa riêng biệt ngay cả khi chưa có sự kiện nào diễn ra ở đó. Theo cách hiểu này, một căn phòng sẽ luôn chứa đựng những cấu trúc vô hình, dù ai ở bên trong.
Khái Niệm về Không Gian của Người Nhật
Các nhà thiết kế và kiến trúc sư phương Tây từ lâu đã ngưỡng mộ những khái niệm về không gian của người Nhật. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể học được rất nhiều về văn hóa và cách tiếp cận từ họ. Mitsuru Kodama, giáo sư tại Đại học Nhật Bản, cho rằng, những khái niệm về không gian của người Nhật phát sinh từ 2 nền văn hóa cơ bản: Đạo Shinto (tín ngưỡng bản địa của Nhật Bản) và Phật giáo (du nhập từ châu Á lục địa).
Đạo Shinto đề cao sự hài hòa trong các mối quan hệ và sự kết nối, cả bằng lời nói và không lời, tạo ra sự liên kết giữa mọi người. Phật giáo vinh danh sự vô ảnh và lòng từ bi. Kodama lưu ý rằng, 'những khái niệm này không bao giờ giới hạn bởi bất kỳ hành động hay ý tưởng cố định nào'. Ngay cả từ để chỉ con người trong tiếng Nhật, ningen, phản ánh sự khác biệt trong cách tương tác và danh tính được hiểu. Phần đầu (nin) biểu thị con người, và phần thứ hai (gen) biểu thị không gian ở giữa. Sự hiểu biết về một con người không được phân chia rõ ràng mà được hình thành từ mối liên kết và mối quan hệ mà con người tạo ra khi tương tác với người khác.
Phòng trà truyền thống ở Nhật Bản. Ảnh:interior24.eu
Tương tự, không gian kiểu Nhật thường tập trung vào các mối quan hệ cấu trúc, tính ngẫu nhiên, và sự kết nối với người khác và xã hội. Ví dụ, những phòng trà truyền thống thường có cửa thấp và hẹp. Điều này khiến khách phải cúi thấp người, trước đây thì khiến samurai phải bỏ kiếm ngoài cửa. Cánh cửa như một lời nhắc nhở khách về mối quan hệ với chủ nhà (bằng cách cúi đầu) và rộng hơn là với văn hóa (nơi vũ khí không phù hợp). Bằng cách này, họ xây dựng không gian trở thành một phần của văn hóa và các giá trị.
Bốn dạng không gian của người Nhật
Người Nhật sử dụng ít nhất 4 từ khác nhau để diễn đạt 'không gian', đa số chúng đều khác biệt so với những từ tương đương trong tiếng Anh.
Không gian quan hệ (wa)
Wa thường được dịch là sự hòa hợp, nhưng thực ra điều đó không hoàn toàn chính xác. Wa là sự nhận biết mối kết nối giữa con người và thường được diễn đạt qua không khí. Mỗi không gian mang một đặc tính cụ thể ảnh hưởng đến quan hệ tại đó, và wa là cách xác nhận mối quan hệ trong không gian đó.
Ví dụ, du khách đến Nhật thường bất ngờ khi biết về cuộc sống vui vẻ vào buổi tối của người Nhật, dù họ biết về tính nghiêm túc và tôn trọng của họ. Những ngày làm việc dài dường như được kết thúc bằng những buổi tối tận hưởng, uống rượu và trò chuyện. Việc đồng nghiệp đi chơi cùng nhau thường được coi là cách giữ gìn wa và tăng cường mối quan hệ.
Quán bar kiểu Nhật (izakaya), nơi mọi người tụ tập sau một ngày làm việc căng thẳng.
Nơi làm việc thường có các quy tắc cụ thể và làm việc cùng nhau có thể gây ra áp lực và mâu thuẫn. Trong hầu hết các trường hợp, văn phòng không phải là nơi thích hợp để giải quyết vấn đề đó. Thay vào đó, izakaya, một loại quán bar Nhật Bản, cho phép các mối quan hệ được bày tỏ. Rượu, không gian thân mật và bày trí bàn ghế giúp các ý kiến không phù hợp trong môi trường công sở có thể được nêu ra. Nhân viên có thể trực tiếp nói với sếp về quan điểm của mình.
Chúng ta cần chú ý đến không gian mà chúng ta làm việc hoặc trò chuyện. Mỗi nơi sẽ tạo ra ảnh hưởng khác nhau đến mối quan hệ. Nếu muốn chia sẻ cảm xúc, không gian nào sẽ phù hợp hơn? Liệu một quán cà phê sôi động có thích hợp để thảo luận về những chủ đề sâu sắc? Hay một bữa tối lãng mạn ở nhà hàng có phải là lựa chọn tốt?
Không gian huy động tri thức (ba)
Ba chỉ sự tổ chức các yếu tố để tạo ra liên kết, tạo điều kiện cho việc áp dụng ý tưởng mới hoặc kinh nghiệm mới một cách dễ dàng. Trong khi wa tập trung vào mối quan hệ, ba tập trung vào cách xây dựng và chia sẻ tri thức. Nếu wa nói về sự hài hòa xã hội và giữa con người, ba nói về cách áp dụng tri thức và kinh nghiệm của mọi người.
Một văn phòng có bàn họp lớn cho phép mọi người trao đổi thông tin
Khái niệm văn phòng mở là sự thể hiện của ba dưới dạng một nguyên tắc thiết kế. Các văn phòng kiểu Nhật thường rất rộng mở và nhiều người có thể chia sẻ cùng một chiếc bàn lớn và không gian làm việc. Cách sắp xếp này cho phép trao đổi thông tin nhanh chóng, đôi khi là ngẫu nhiên. Người Nhật cũng ưa chuộng những đội ngũ đa ngành vì họ tin rằng sự đa dạng quan điểm sẽ tạo ra những đột phá. Thường thì sự tập trung của nhiều chuyên môn sẽ dẫn đến thiếu hiệu quả, nhưng ba cần một không gian chung để các mối quan hệ và kinh nghiệm đa dạng được thể hiện.
Địa điểm (tokoro)
Tokoro dùng để mô tả một địa điểm hoặc nơi cụ thể, nhưng cũng để diễn đạt một trạng thái tồn tại. Ở Nhật Bản, một địa điểm không thể tách rời khỏi những liên kết lịch sử, văn hóa, xã hội và những mối liên kết khác. Vì vậy, khái niệm tokoro cũng tương tự như ngữ cảnh, khi mà nó chắc chắn được kết nối với các hoạt động xung quanh nó.
Nếu wa tập trung vào mối quan hệ trong không gian, thì tokoro hướng tới một câu chuyện lớn hơn. Tuy nhiên, nó khác với khái niệm địa điểm trong tư duy phương Tây. Khái niệm không gian trong phương Tây bao gồm bên trong, bên ngoài và một ranh giới ở giữa. Điều này làm cho việc coi mọi thứ đều nằm trong cái lớn hơn và chứa những thứ nhỏ hơn trở nên dễ dàng: một văn phòng ở New York, thành phố thuộc Mỹ. Đội bán hàng trong văn phòng đó và Jules là thành viên của đội bán hàng.
Những cô gái mặc trang phục maid như thế này là một phần không thể thiếu của khu Akihabara, Tokyo. Ảnh: jonellepatrick.com
Khái niệm về không gian của người Nhật không tập trung vào các ranh giới, vì vậy việc thuộc về một nơi nào đó có nghĩa là có một mối quan hệ luôn chuyển động với nó. Ở Nhật Bản, một tòa nhà không thể nằm trong Tokyo nếu không có thứ gì thuộc về Tokyo trong tòa nhà đó.
Không gian âm (ma)
Ma thường được dịch là không gian âm. Tuy nhiên, ma nên được hiểu là khoảng không gian tự do cho phép những thứ không giống nhau tồn tại. Khi chúng ta truyền đạt một điều gì đó, thường ta nghĩ rằng người nghe sẽ hiểu theo cách mà ta muốn. Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Nếu tôi nói với bạn rằng 'tôi đói', bạn có thể hiểu câu nói đó chỉ đơn giản là mang thông tin, hoặc là yêu cầu bạn cho tôi ăn, hoặc là một lời khen khi bạn là chủ nhà, hoặc là có một ý nghĩa hoàn toàn khác nữa.
Khái niệm ma của người Nhật cho rằng, chúng ta cần tạo ra sự gián đoạn hoặc khoảng trống để cho phép sự khác biệt xuất hiện. Thiết kế theo ma là cách tạo ra những khoảnh khắc của nhận thức và yên bình.
Một công viên ở Nhật Bản với những cây anh đào đang nở rộ. Ảnh: amysview.wordpress.com
Ví dụ, ở Nhật Bản, các ngôi đền thường được xây dựng trên đỉnh đồi, sau khi leo một quãng đường dài, người ta sẽ cảm thấy thanh thản hơn khi bước vào ngôi đền và bỏ lại mọi sự phiền muộn phía sau. Thành phố thường có những công viên rải rác để mọi người thưởng thức không gian yên bình khi dạo chơi. Trong các cuộc trò chuyện, người Nhật thường có những khoảnh khắc im lặng, mà người phương Tây thường không hiểu.
Tạo ra không gian để suy nghĩ và hòa nhập có thể giúp chúng ta giải quyết mâu thuẫn và căng thẳng trong cuộc sống hiện đại. Sự khác biệt về quan điểm không thể tồn tại trong yên bình. Đi lại từ nhà tới cơ quan và ngược lại thường gặp phải sự đông đúc và căng thẳng. Vì vậy, có nhiều cách để tạo thêm không gian âm trong cuộc sống. Thiền và thư viện là những cách hiệu quả để thư giãn giữa xã hội ngày càng hối hả. Tại nhà, việc tạo ra một không gian riêng không có công nghệ có thể giúp ta tìm lại thời gian cho bản thân.
Suy nghĩ về không gian theo cách của người Nhật có thể mở ra nhiều lựa chọn mới để sắp xếp cuộc sống và chú trọng vào những mối quan hệ cần thiết. Xây dựng những không gian gắn kết mối quan hệ, tạo ra tri thức mới, kết nối với thế giới xung quanh và tạo điều kiện cho sự yên lặng và nhận thức có thể làm phong phú cuộc sống.
Nguồn: https://goo.gl/DYBd5W