Tôi muốn một cái khuôn khác, méo mó cũng được! là cuốn hành trình dài đi tìm kiếm bản ngã của tác giả trẻ Lê Bùi Thảo Nguyên.
Với hai dòng chuyện xen kẽ nhau, tác phẩm giống như một cuốn tự truyện chia sẻ những suy tư, những đắn đo về ý nghĩa của bản thân trong cuộc sống này. Cuốn sách là tác phẩm đầu tay của Lê Bùi Thảo Nguyên sau khi nghỉ việc ở một bệnh viện phụ sản lớn nhất miền Nam để tìm cho mình một lối đi riêng.
Ngay từ những dòng đầu tiên, độc giả sẽ lạc bước vào tâm tư của một cô gái từ bên ngoài có vẻ rất trưởng thành, mạnh mẽ, bình tĩnh nhưng trong tâm hồn, trong suy nghĩ là một hố sâu hút hồn, sóng sánh.
Nguyên bị mắc kẹt, bị giằng xé giữa hai cái khuôn trong một con người. Một cái khuôn do người khác tạo ra với hình ảnh Nguyên học giỏi, Nguyên làm việc tốt, Nguyên có công việc ổn định cùng cơ hội thăng tiến cao. Nguyên ở bệnh viện phải học cách bỏ qua cảm xúc của bản thân, chấp nhận nỗi đau một cách bình thản, không kêu ca, không cảm thấy vui sướng.
“Cuộc sống có nhiều điều không thể kiểm soát hết, hãy làm những điều bạn cho là đúng, và đảm bảo rằng bạn có thể ngủ ngon suốt cuộc đời với những hành động đó'.
Trong toàn bộ cuốn sách, độc giả sẽ trải qua những cảm xúc được kể liên kết với nhau trong thời gian của Nguyên trong ngành Y từ khi thực tập đến khi làm việc trong bệnh viện và những chuyến đi của Nguyên khắp cả nước.
Khi bắt đầu cuộc hành trình của mình, nhiều người nghĩ Nguyên là một người 'hư', một người nổi loạn. Nhưng đó không phải là một sự nổi loạn đột ngột. Đó là một hành trình dài để trở thành chính mình. Đằng sau mỗi chuyến đi, không chỉ là sự trải nghiệm cuộc sống mà còn là sự trưởng thành, kiên nhẫn và hiểu biết về bản thân cùng với những kỷ niệm đầy cảm xúc.
Mỗi địa danh trong câu chuyện của Nguyên không phải lúc nào cũng hoa mỹ, rực rỡ. Chúng chỉ đơn giản là một cảm giác rất gần gũi, thân quen. Đó là một Hà Nội nhẹ nhàng, một Huế cổ kính, một Đà Lạt thơ mộng hoặc những vùng núi bạt ngàn được phủ đầy sương mờ ở phía Bắc.
Thông qua những chia sẻ chân thành của Nguyên, độc giả một phần nào đó có thể hiểu được những khó khăn, vất vả trong ngành y. Từ những cuộc cấp cứu khẩn trương giữa đêm tối đến cảm giác u ám trong những hành lang của bệnh viện và cách Nguyên đối mặt với áp lực công việc và vượt qua những nỗi đau tâm lý.
“Nghề của tôi là giảm đau và giúp người khác ngủ ngon, nhưng đối với chính bản thân tôi, đêm nào cũng thao thức'.
Cuối cùng, sau những ngày tháng trôi nổi vô định giữa thế gian, khi Nguyên quyết định sống chân thật với chính mình cũng là lúc cô tìm ra ý nghĩa của bản thân. “Cảm giác lúc này hơi giống chuyến đi miền Trung khi mới tốt nghiệp, khác biệt chỉ là mọi thứ không còn mông lung, mờ mịt, khi mà tôi biết rõ mình cần làm gì tiếp theo'.
Tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được! không chỉ là câu chuyện của một cô gái trong ngành Y mà còn là câu chuyện của mỗi người trẻ mới bước chân vào xã hội này. Sự bất công, nỗi đau, cảm giác lạc lõng, cô đơn, chán nản, mong muốn được trốn chạy nhưng cuối cùng cũng phải đối mặt với thực tế “trần trụi'.
Mỗi người chúng ta ai cũng có một cái khuôn và bọc mình theo hình dạng của nó. Và không phải ai cũng đủ dũng cảm để bước ra khỏi khuôn đó, bước ra khỏi những định kiến, suy nghĩ của người khác gắn cho mình, bước ra khỏi vỏ bọc của bản thân để thể hiện ý kiến từ sâu thẳm. Như Nguyên nói: “Bạn chỉ sống một lần duy nhất, hãy tử tế với bản thân mình, hạnh phúc, rồi những người thực sự yêu thương bạn cũng sẽ hạnh phúc'.
Cách kể chuyện nhẹ nhàng, giản dị của Nguyên sẽ khiến cho tâm hồn người đọc cảm nhận như chính mình đang trải qua những đoạn đường, những cung bậc cảm xúc lẫn lộn. Điều này tạo ra sự đồng điệu, gắn kết, chạm đến trái tim của người đọc, khi mà ai cũng thấy thấp thoáng hình bóng của mình trong đó.
Nguồn từ Zing.vn