Dưới đây là một bài thuyết trình TED mà Khánh Linh – quản trị viên, người sáng lập Beautiful Mind Vietnam đã tham gia tại sự kiện TEDxUEH tại Đại học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh vào tháng 1 năm 2017. Vì bài gốc bằng tiếng Anh, nội dung dưới đây là bản dịch từ bài nói này. Video thuyết trình có sẵn dưới đây:
Xin chào tất cả mọi người. Tôi là Linh – một người phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác mà bạn có thể gặp hàng ngày trên đường phố. Mặc dù có vẻ ngoài khỏe mạnh và luôn mang nụ cười trên môi, tôi đã phải đối mặt với rối loạn lo âu và rối loạn hoang tưởng trong suốt gần 14 năm. Tôi đã từng sống trong nhà và chìm đắm trong những suy tư tiêu cực. Tuy nhiên, những trải nghiệm đó vẫn là bài học quý giá, và cũng là một trong những lý do chính khiến tôi thành lập Beautiful Mind VN – một tổ chức phi lợi nhuận nhằm cung cấp kiến thức và dịch vụ miễn phí về tâm lý học lâm sàng và sức khỏe tâm thần cho người Việt.
Tôi lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông cố của tôi chính là nhà thơ Vũ Đình Liên. Với việc tiếp xúc với nghệ thuật trong thời gian dài, tôi tin rằng nghệ thuật là một phần rất quan trọng đối với mọi người.
Tôi sẽ chia sẻ một chút về nghệ thuật.
Chúng ta thường xem nghệ thuật là một thứ trừu tượng, sâu sắc và phức tạp. Nghệ thuật có thể như vậy, nhưng đối với tôi, nó là một điều rất thực tế và không hề phức tạp. Leo Tolstoy, trong bài luận “Nghệ thuật là gì?”, đã mô tả nghệ thuật trong một mối liên hệ chặt chẽ: “Nghệ thuật không phải là những ý tưởng cao siêu về cái đẹp hoặc đấng tối cao; nghệ thuật cũng không phải là một trò tiêu khiển để con người trút những khối năng lượng thừa trong mình … mà nghệ thuật là cách đoàn kết con người với nhau, hướng họ đến cùng những cung bậc cảm xúc, và hướng tới sự hạnh phúc của toàn nhân loại“. Đối với tôi, nghệ thuật không chỉ là một cái gì đó; mà còn là một con đường (lối đi, phương pháp). Thậm chí, nó là một cách tuyệt vời để hồi phục tâm hồn.
Chắc chắn bạn đã nghe nhiều người nói rằng, khi chúng ta gặp vấn đề về sức khỏe, cần phải thăm bác sĩ để kiểm tra và điều trị. Nếu bạn đau bụng, có thể là dạ dày và ruột bạn gặp vấn đề. Nếu ai đó mắc bệnh ung thư phổi, chắc chắn họ có một khối u bên trong phổi... Tương tự, sức khỏe tâm thần cũng quan trọng như sức khỏe cơ thể. Thỉnh thoảng, chúng ta có thể cảm thấy lo lắng, buồn bã hoặc tức giận, tương tự như khi chúng ta bị cảm lạnh. Nhưng nếu bạn gặp vấn đề tâm lý, có thể có điều gì đó không ổn trong não của bạn, như sự mất cân bằng hoá học, dẫn truyền thần kinh, và nhiều hơn nữa...
Dưới đây là một số hình ảnh so sánh giữa bộ não của người bình thường và bộ não của người mắc bệnh tâm lý.
Có rất nhiều hình ảnh khác nhau ở đây.
Vì vậy, nghệ thuật là một phương tiện để chữa trị tâm trí và giúp chúng ta có được hệ thống 'miễn dịch' tinh thần tốt hơn. Hơn nữa, trị liệu nghệ thuật là một trong những phương pháp được các chuyên gia và nhà trị liệu khuyên dùng nhiều nhất. Tuy nhiên, hôm nay, tôi sẽ chỉ nói về nghệ thuật trong cuộc sống hàng ngày, và cách mà nó chữa lành tâm hồn của chúng ta như thế nào.
Ngôn ngữ có thể thay đổi từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác, nhưng nghệ thuật không như vậy. Đó là một thứ mà chúng ta có thể cảm nhận và chia sẻ cùng nhau. Vì vậy, tôi sẽ đề cập đến một số khía cạnh của nghệ thuật như âm nhạc, hình ảnh và văn học.
Điều đầu tiên tôi muốn nói đến là âm nhạc. Không thể phủ nhận rằng một bài hát đơn giản có thể làm dịu đi tâm trí của một ai đó.
Johnny Cash, một nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng từng nói: “Tôi có thể ngâm mình trong âm nhạc và đi đến bất cứ nơi nào”. Tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đã từng sử dụng tai nghe, rời xa thế giới xung quanh và lắng đọng trong âm nhạc, đặc biệt là khi cảm thấy không thoải mái hoặc muốn nghỉ ngơi. Những giai điệu và lời ca ý nghĩa có thể lặp đi lặp lại trong tâm trí mỗi khi chúng ta gặp khó khăn nhất. Và tôi tin rằng, âm nhạc có thể giải quyết những xung đột trong lòng mỗi người.
Nghiên cứu khoa học chứng minh rằng âm nhạc giảm căng thẳng, lo âu, giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nó cũng giúp bệnh nhân Parkinson và đột quỵ hồi phục nhanh hơn, giúp họ di chuyển và hành vi như bình thường.
Dưới đây là hình ảnh sóng não sau khi nghe một giai điệu nhất định trong 15 phút. Nếu sóng não ban đầu chỉ cho thấy sự lo lắng và hoang mang, sau đó chúng ta sẽ cảm thấy bình tĩnh và tự tin hơn.
Đối với tôi, mỗi khi nghe một bài hát dễ chịu, tôi cảm thấy như tất cả những cảm xúc tiêu cực bị xua tan. Những lời ca ý nghĩa từ những giọng hát ấm áp là như lời nhắn gửi đến tâm trí của tôi. Tôi cảm thấy ít nhất có ai đó quan tâm, lắng nghe và hiểu tôi.
Tôi sẽ hát cho các bạn nghe một đoạn của bài hát “Somewhere over the rainbow”, hy vọng các bạn thích.
(“Somewhere over the rainbow…”)
Thứ hai, cách khác để cảm thấy nhẹ nhàng hơn là ngắm tranh hoặc hình ảnh động. Có thể là tranh vui nhộn hoặc phong cảnh đẹp như biển cả với những con sóng nhỏ, một thị trấn yên bình hoặc một ngọn núi. Hình ảnh của động vật và thú cưng dễ thương cũng có thể làm cho ai đó cảm thấy bình tĩnh khi họ tức giận.
Dưới đây là một số hình ảnh của chó cưng của tôi, tên là Lily, một chú chó giống Japanese Spitz. Tôi tin rằng không ai có thể cưỡng lại được sự dễ thương của Lily. Mỗi khi tôi cảm thấy căng thẳng ở nơi làm việc hoặc ở nhà, nhìn vào hình ảnh của Lily, tôi luôn cảm thấy bình tĩnh hơn. Vì vậy, đây cũng là một cách đơn giản mà bất kỳ ai cũng có thể thử.
Khi nhìn vào những bức tranh dưới đây, tôi thường tưởng tượng mình sẽ như thế nào nếu ở trong đó, hoặc ở giữa cảnh đẹp ấy. Sau một hoặc hai phút tưởng tượng, tôi luôn cảm thấy bình tĩnh hơn. Bạn cũng nên thử cách này.
Cuối cùng, tôi nghĩ việc sử dụng sách tô màu và vẽ có thể giúp bản thân mình. Mỗi khi tôi buồn chán, tôi viết ra những vấn đề của mình. Thỉnh thoảng, tôi biến chúng thành những câu chuyện hoặc thơ. Đọc nhiều thơ và truyện cũng khiến tôi cảm thấy tốt hơn.
Dưới đây là một ví dụ về tôi vẽ sách tô màu. Tôi đã thử một số khóa học tự học trực tuyến. Tôi nghĩ đó khá dễ dàng với mọi người vì nó có hướng dẫn từng bước. Tôi sử dụng nhiều màu sắc rực rỡ như vậy. Sau khi làm những điều đó, tôi cảm thấy tự tin hơn, như là đã đạt được một điều gì đó.
Có một dự án tại Mỹ mang tên “Làm thế nào nghệ thuật chữa lành vết thương của chiến tranh?” (dịch: Nghệ thuật làm lành vết thương chiến tranh như thế nào?). Dự án này sử dụng nghệ thuật để hỗ trợ những người lính và cựu chiến binh phục hồi sau các tổn thương não và rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD). Họ được yêu cầu tạo ra các mặt nạ và gán cho mỗi nỗi đau của họ một khuôn mặt. Điều này giúp họ gần gũi hơn, chia sẻ cảm xúc, như Melissa Walker - người sáng lập dự án từng nói “sự căng thẳng và giận dữ biến mất hoàn toàn. Mọi người ôm nhau và khóc. Họ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.” Thật đau lòng nhìn vào những chiếc mặt nạ, nhưng tôi thấy nó thật tuyệt vời.
Tại BMVN, chúng tôi thường nhận từ 10 – 20 email và tin nhắn mỗi ngày, hỏi về vấn đề của mọi người. Có một số trường hợp mà chúng tôi đã sử dụng nghệ thuật như một phương tiện để hướng dẫn và giúp đỡ người bệnh cảm thấy tốt hơn. Dưới đây là 2 trường hợp cụ thể mà tôi muốn chia sẻ. Nhưng trước hết, tôi xin phép được thay đổi danh tính của họ.
Trường hợp đầu tiên là một cô gái 16 tuổi tên Mai, học sinh và thường xuyên cảm thấy lo lắng, căng thẳng, đặc biệt là mỗi khi gần kì kiểm tra. Cô thường gặp đau đầu, căng cơ và rối loạn giấc ngủ mỗi tối. Cuối cùng, cô nói: “Tôi không còn cảm thấy thoải mái nữa và tôi hoàn toàn mất hứng thú với những điều khác. Điều duy nhất tôi có thể nghĩ đến là học và học”.
Lời khuyên của tôi cho cô ấy là hãy mua một quyển sổ trắng và viết những rắc rối của mình vào đó. Nếu có điều gì làm phiền cô, cô có thể vẽ hoặc tô màu những cảm xúc của mình (vd: đỏ là khi giận dữ, sợ hãi là màu xám, buồn là màu xanh đậm, …). Nếu có quá nhiều việc phải làm, tôi gợi ý cô làm từng việc một (không làm hai việc cùng một lúc). Lí do cho việc này là để tập trung hơn và không bị ám ảnh bởi những suy nghĩ tiêu cực.
Cuối cùng, tôi khuyên cô ấy nghe một bài hát mà cô ấy chọn. Khi nghe nhạc, cô ấy có thể mát-xa, thả lỏng cơ thể. Bằng cách làm những điều đó sau một tuần, cô ấy cảm thấy tốt hơn và có thể học hiệu quả hơn. Tôi khuyên cô ấy nên làm như vậy kể từ bây giờ.
Trường hợp thứ hai là một chàng trai 26 tuổi tên là Thanh. Anh ấy bị ám ảnh bởi suy nghĩ trở nên “một người tốt hơn” và có vấn đề trong việc kiểm soát cơn giận của mình. Anh được khuyên nghe tiếng mưa và những bản nhạc có thanh âm cao như sáo hoặc đàn hạc. Những âm thanh đơn giản này giúp anh tập trung vào hiện tại hơn là nghĩ nhiều về những vấn đề phức tạp.
Tôi khuyên anh ấy dành 15 phút mỗi ngày để nghĩ về suy nghĩ đã ám ảnh mình mà không cố gắng đẩy chúng đi. Anh cũng nên nằm và tập thở khi nghe nhạc. Vì anh có vấn đề với việc kiểm soát cơn giận của mình và đã từng bị cáo buộc có hành động bạo lực, nên khi cảm thấy sẽ đánh người hoặc phá vỡ đồ đạc, anh nên thử “thay thế” bằng hành động đơn giản như nhảy. Điều này giúp anh chuyển đổi cảm xúc tiêu cực thành tích cực và lành mạnh hơn.
Chắc chắn mọi người đều biết về tình trạng của mình. Kể từ khi áp dụng nghệ thuật kết hợp với các loại thuốc khác dưới sự hỗ trợ của bác sĩ, mình gần như đã bình phục đến 90%. Quá trình bình phục không nhanh chóng, nhưng lại chắc chắn và vững vàng. Có nhiều dự án khác cũng áp dụng nghệ thuật và các hoạt động cơ thể để cải thiện tình trạng và tinh thần, ví dụ như Dự án Life Art.
Một dự án có tên là “Who am I?” (Tôi là Ai?) sử dụng nhiều hoạt động tương tác để giúp mọi người hiểu rõ bản thân hơn.
Cuối cùng, mình tin rằng nghệ thuật là một phương pháp hiệu quả giúp chúng ta hồi phục từ các bệnh tâm lý và xây dựng tâm trạng lành mạnh hơn. Mình tin rằng trong tương lai, sẽ có nhiều lớp học và workshop giá rẻ hoặc thậm chí miễn phí để mọi người có thể tham gia.
Xin cảm ơn mọi người!
Dịch bởi: Nguyễn Trà My – Beautiful Mind Vietnam
Nguồn: Beautiful Mind VN
Liên kết đến bài viết gốc: beautifulmindvn