Để tìm lời giải cho vấn đề này, phóng viên Dân trí đã trò chuyện với nhà văn Lê Phương Liên, người đã có 50 năm kinh nghiệm viết sách cho thiếu nhi và từng giữ chức Trưởng ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam.
Thưa nhà văn Lê Phương Liên, với kinh nghiệm 50 năm viết cho thiếu nhi, theo bà, viết cho thiếu nhi có những đặc thù gì, và người viết cần có những yếu tố nào?
Trước khi viết một văn bản, tôi luôn tự hỏi: 'Viết cho ai? Viết về điều gì? Viết như thế nào?'. Nếu câu trả lời là viết cho thiếu nhi, tôi sẽ tìm hiểu thêm về thế hệ trẻ hiện nay: Trẻ em muốn đọc gì? Chọn đề tài nào để các em yêu thích và sử dụng giọng văn như thế nào (vui tươi, hóm hỉnh, ngọt ngào, tình cảm, hấp dẫn...).
Mỗi người viết đều có cá tính riêng, thật khó để tìm ra một điểm chung đặc thù. Tuy nhiên, người viết cho thiếu nhi thường là người yêu mến và biết cách chơi đùa với trẻ, biết kể chuyện, đọc thơ sao cho trẻ em hứng thú lắng nghe. Tôi mong rằng các tác giả trẻ hiện nay sẽ khám phá ra những con đường mới để chạm tới trái tim trẻ em.
Sách cho thiếu nhi luôn thu hút sự quan tâm của không chỉ phụ huynh mà còn cả xã hội. Với vai trò từng là Trưởng ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, bà đánh giá thế nào về tình hình các tác phẩm văn học cho thiếu nhi hiện nay?
Đúng là sách thiếu nhi luôn được xã hội quan tâm. Nhưng gần đây tôi thấy một hiện tượng lạ trên thị trường sách thiếu nhi: Sách do người Việt viết bằng tiếng Việt, xuất bản ở Việt Nam cho trẻ em Việt Nam, nhưng lại lấy bối cảnh nước ngoài với sinh hoạt, tâm lý, văn hóa, ẩm thực hoàn toàn của trẻ em nước ngoài.
Tôi đọc mà ngỡ như đang đọc sách dịch. Có người cho rằng đó là do tác giả viết theo lối giả tưởng. Phải chăng cuộc sống hiện đại đang khiến trẻ em ngày càng xa rời quá khứ dân tộc, với cảnh làng quê, cây đa, bến nước, sân đình? Trẻ em dường như quan tâm hơn đến cuộc sống hiện đại và mong muốn hội nhập đa văn hóa với những quốc gia phát triển hơn?
Hiện nay, có nhiều tác giả mới tích cực viết và vẽ sách cho thiếu nhi. Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, sẽ có những sáng tạo độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, lan tỏa tinh thần và sức sống của đất nước.
Có ý kiến cho rằng hiện nay trẻ em mải mê điện thoại và mạng xã hội nên thờ ơ với sách. Cũng có người cho rằng chúng ta chưa đáp ứng đúng nhu cầu của các em. Quan điểm của bà thế nào?
So với 50 năm trước, trẻ em ngày nay có nhiều lựa chọn văn hóa giải trí hơn. Từ khi máy truyền hình đầu tiên xuất hiện, lo ngại về sách thiếu nhi đã có. Tuy nhiên, các nhà xuất bản vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Dù có nhiều phương tiện giải trí mới, sách vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa hiện đại.
Tôi đã tham gia nhiều hội thảo sách quốc tế, các chuyên gia từ các nước phát triển đều khẳng định điều này. Tại Việt Nam, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn được độc giả trẻ yêu mến mỗi khi ra sách mới. Tôi hy vọng trong thế kỷ XXI sẽ có thêm nhiều tác giả vượt qua thành công của thế hệ trước.
Gần đây, nhiều cuộc vận động sáng tác sách cho thiếu nhi chưa đạt hiệu quả. Nhiều sách người lớn cho là hay nhưng trẻ lại không đọc. Theo bà, nguyên nhân là gì?
Theo tôi, việc 'sách người lớn cho là hay, nhưng trẻ em không đọc' luôn xảy ra trong thực tế. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta chưa xây dựng được Lý luận Văn học thiếu nhi Việt Nam. Nếu có sự đồng thuận cao giữa giới học thuật, sáng tác, biên tập và phát hành về 'Chuẩn thẩm mỹ' tác phẩm thiếu nhi, sự khác biệt cảm thụ giữa người lớn và trẻ em sẽ giảm. Dù khó thực hiện, tôi hy vọng với sự quan tâm của lãnh đạo, việc này sẽ đạt hiệu quả.
Với kinh nghiệm nhiều năm viết sách cho thiếu nhi, xin bà đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng các tác phẩm thiếu nhi, đáp ứng nhu cầu của độc giả nhí trong thời gian tới?
Tôi tin rằng nếu người viết yêu tuổi thơ của độc giả hôm nay như yêu tuổi thơ của chính mình trong ký ức, họ sẽ thành công. Người viết cần biết 'hóa thân' vào nhân vật, mang tâm hồn của độc giả vào trang viết. Tôi luôn tâm niệm rằng, phải viết sao cho tác giả và người đọc cùng rung cảm với từng câu chữ.
Tôi hy vọng, với sự quan tâm tích cực của Hội Nhà văn Việt Nam và toàn xã hội, văn học thiếu nhi sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Xin cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ!
Theo Báo Dân Trí