Khi Apple giới thiệu iPad Pro M4 vào tháng 5, không chỉ là chiếc máy tính bảng mỏng và mạnh mẽ nhất hiện tại, mà iPad mới còn mang đến một trang bị có khả năng thay đổi lớn trong trải nghiệm người dùng.

Các phiên bản 1 và 2TB có tùy chọn nâng cấp lên màn hình cấu trúc nano (nano-texture), với mục đích chống chói, giúp giảm thiểu phản chiếu ánh sáng và cải thiện trải nghiệm xem trong điều kiện ánh sáng mạnh. Cấu trúc nano này không chỉ nâng cao khả năng hiển thị mà còn bảo vệ màn hình khỏi trầy xước khi sử dụng với Apple Pencil Pro.
Trước khi sử dụng máy, tôi có phần nghi ngờ về cấu trúc này, không biết nó có giống như những gì Apple nói không?
Trước khi đi sâu vào chi tiết, hãy nói về số tiền người dùng cần chi để có nano-texture. Tùy chọn kính nano-texture chỉ có trên các mẫu iPad Pro 1TB và 2TB, dù là phiên bản 11 inch hay 13 inch, và người dùng phải trả thêm 100 USD cho màn hình này; tại Apple VN, số tiền chi thêm là 2,5 triệu đồng.

Tùy chọn màn hình có lớp phủ chống chói có mặt lần đầu trên màn hình Pro Display XDR, trong đó kính cấu trúc nano có giá cao hơn 1.000 USD và tiếp đó là màn hình Studio Display có giá nâng cấp là 300 USD vào tổng chi phí. Ngoài ra, iMac 27 inch cũng từng có phiên bản lớp phủ nano này vào năm 2020.
Đây là lần đầu tiên Apple giới thiệu tùy chọn màn hình cấu trúc nano trên iPad, có nghĩa là người dùng có thể trải nghiệm công nghệ chất lượng này ở bất kỳ đâu, không còn giới hạn chỉ trên bàn làm việc nữa.

iPad Pro M4 phiên bản mặt kính cấu trúc nano (Bên phải) so với iPad Pro M2 không có chống chói (Bên trái).
Kính nano-texture mới trên iPad Pro được sản xuất bằng phương pháp khắc chính xác ở cấp độ nano trực tiếp lên lớp ngoài cùng của màn hình. Những vết khắc siêu nhỏ này thay đổi cấu trúc bề mặt màn hình và quan trọng nhất là điều chỉnh cách phản xạ ánh sáng chiếu vào.
Quá trình sử dụng thực tế cho thấy kính này thực sự hữu ích. Khi mang iPad Pro ra quán cà phê hay làm việc ngoài trời, cấu trúc nano giúp tôi sử dụng máy thoải mái dù màn hình bị ánh sáng chiếu vào.

Ngay cả khi dưới ánh nắng trực tiếp, màn hình vẫn không bị chói, xem ảnh trên tạp chí LFI (Leica Fotografie International) rất chi tiết, gần như không ảnh hưởng đến độ tương phản và màu sắc.
Nếu phải đánh đổi chất lượng màu sắc và hình ảnh để chống chói thì có thể không xứng đáng, nhưng iPad Pro M4 không như vậy; máy vẫn hiển thị hình ảnh tuyệt vời dù có nano-texture. Một màn hình chất lượng cần cung cấp màu sắc sống động, chi tiết và màu đen sâu, và iPad Pro với nano-texture đáp ứng tất cả những yêu cầu này.
Một điểm nữa là màn hình nano-texture hoạt động hoàn hảo với Apple Pencil Pro (và Apple Pencil USB-C). Nếu bạn thường xuyên sử dụng iPad để vẽ ngoài trời, đây là lựa chọn tuyệt vời, bạn sẽ không bị ánh nắng làm khó khăn khi xem nội dung trên màn hình nữa.



Màn hình cấu trúc nano hoạt động tuyệt vời với Apple Pencil Pro.
Với tất cả những lợi ích mà nano-texture mang lại, tôi rất hy vọng Apple sẽ trang bị màn hình này cho MacBook, đặc biệt là các phiên bản MacBook Pro cao cấp.
Đối với máy tính bàn, vấn đề phản chiếu không quá nghiêm trọng vì chúng ta có thể kiểm soát môi trường xung quanh để tránh ánh sáng làm ảnh hưởng.
Tuy nhiên, như iPad, MacBook được thiết kế để sử dụng mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi ra ngoài trời. Một chiếc MacBook với màn hình nano-texture sẽ giúp giảm thiểu sự khó chịu do ánh sáng xung quanh mà vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh.

Nhiều lần sử dụng iPad Pro M4 nano-texture cùng với MacBook Pro 14/16 inch để mở rộng không gian làm việc, tôi nhận thấy chất lượng hình ảnh không khác biệt nhiều; thực tế, màu đen trên iPad còn sâu hơn trên MacBook nhờ vào màn hình OLED, trong khi MacBook Pro sử dụng miniLED. Chính trong những khoảnh khắc này, tôi ước màn hình MacBook cũng có tính năng chống chói như iPad Pro để dễ nhìn hơn.

Dù có thêm lớp nano, nhưng chất lượng màn hình iPad Pro không hề thua kém so với MacBook Pro, khác với những lo ngại ban đầu rằng lớp phủ này có thể làm giảm chất lượng màu sắc.


Nếu chú ý kỹ, iPad Pro M4 (nằm dưới) cho độ sâu màu sắc tốt hơn, các mạch máu trên tay của chủ thể cũng rõ ràng hơn, tất cả là nhờ vào màn hình OLED. Từ ví dụ này, bạn có thể thấy lớp phủ nano không làm giảm chất lượng màu sắc.
Với tư cách là tùy chọn cao cấp, mẫu MacBook Pro rất phù hợp với màn hình nano-texture. Nếu Apple thực sự triển khai, giá nâng cấp từ màn hình thường sang nano-texture có thể cao hơn mức 100 USD như trên iPad Pro, nhưng theo tôi, điều đó hoàn toàn xứng đáng để sở hữu một màn hình có thể sử dụng ở bất kỳ đâu mà không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng trực tiếp.
Hiện tại đã có nhiều tin đồn về MacBook Pro sẽ trang bị màn hình OLED trong tương lai, tôi thực sự rất mong chờ một phiên bản MacBook Pro OLED đi kèm với nano-texture. Đó sẽ là sự kết hợp hoàn hảo để sử dụng mọi nơi, không còn lo ngại về ánh sáng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh xuất sắc.
Cuối cùng, theo tôi, một sản phẩm khác cũng có thể hưởng lợi từ màn hình cấu trúc nano là iPhone, thiết bị mà chúng ta thường sử dụng ngoài trời và rất dễ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng phản chiếu.