Cách đây không lâu, Cốc Cốc đã công bố báo cáo nghiên cứu dựa trên dữ liệu thu thập từ khảo sát trực tuyến từ ngày 01/07 - 04/07/2024, đi sâu vào phân tích các phản ứng của người dùng và những quan điểm về lợi ích và lo ngại liên quan đến quy định mới này.
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 01/07/2024, tất cả các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày sẽ phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học.
Theo khảo sát của Cốc Cốc, tỷ lệ người dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến (bao gồm Internet Banking và Mobile Banking) khá cao và đồng đều ở mọi nhóm tuổi và khu vực. Nhóm tuổi 22-24 chiếm tỉ lệ cao nhất với 77,8%, nhìn chung, nhóm lao động trẻ có xu hướng sử dụng dịch vụ trực tuyến nhiều hơn so với các nhóm tuổi khác.
Khu vực trọng điểm của Hà Nội và TP.HCM ghi nhận tỷ lệ người dùng cao hơn so với các khu vực khác.
Người dùng Việt Nam ngày càng có nhiều lựa chọn hơn về ngân hàng trực tuyến. Đến 50% người tham gia khảo sát cho biết họ sử dụng dịch vụ của từ 2 ngân hàng trở lên.
Đa số người dùng đã từng thực hiện các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày, với tần suất khác nhau.
Báo cáo cũng cho biết rằng, việc thông tin về quy định xác thực sinh trắc học tới người dân đã đem lại những kết quả tích cực khi có đến 94% người dùng tham gia khảo sát đã biết đến quy định này.
Theo khảo sát, có 75,4% người dùng đã thực hiện cài đặt xác thực sinh trắc học. Cụ thể, gần một nửa người tham gia khảo sát cho biết họ đã cập nhật thành công cho tất cả ngân hàng đang sử dụng.
Tuy nhiên, do khảo sát được thực hiện ngay sau thời điểm quy định mới áp dụng nên dữ liệu vẫn cho thấy có một số người dùng chưa thực hiện thành công hoặc vẫn có ngân hàng chưa hoàn thành.
Khảo sát cho thấy, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện đang là hai khu vực có tỷ lệ người dùng thực hiện cài đặt xác thực sinh trắc học thành công tất cả các ngân hàng cao nhất.
Khu vực miền Nam (trừ TP. HCM) và khu vực miền Trung có tỷ lệ người dùng gặp khó khăn trong việc cài đặt sinh trắc học cao hơn so với các khu vực khác khi có đến khoảng 30% người dùng chưa thực hiện thành công bất kỳ ngân hàng nào.
Về trải nghiệm người dùng, hơn 40% đáp viên cho biết quá trình thu thập sinh trắc học là rất dễ dàng hoặc dễ dàng. Tuy nhiên, có hơn 30% người dùng cho biết việc này khó khăn.
Đánh giá về trải nghiệm cũng có sự khác biệt giữa các độ tuổi. Nhìn chung, phần lớn người dùng dưới 35 tuổi cảm thấy việc cập nhật sinh trắc học khá dễ dàng, với tỉ lệ khoảng 44%, cao hơn gấp 1,2 lần so với nhóm người dùng trên 35 tuổi.
Tuy nhiên, quá trình này cũng gặp không ít vấn đề, gây ra những khó khăn nhất định cho người dùng. Gần 2/3 người dùng gặp vấn đề khi thực hiện cập nhật sinh trắc học. Trong đó, có tới 44% người dùng gặp từ 2 vấn đề trở lên. Người dùng thường gặp phải các vấn đề liên quan đến căn cước công dân, nhận diện khuôn mặt, thiết bị, thông tin hướng dẫn hay thậm chí phải ra ngân hàng mới để thực hiện được.
Đặc biệt, có tới 50% người dùng trong độ tuổi từ 35-44 lo ngại về việc bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng xác thực sinh trắc học, trong khi tỉ lệ này ở các nhóm tuổi khác dao động từ 24% - 39%. Người dùng miền Nam cũng thể hiện sự lo ngại cao hơn các khu vực khác với tỷ lệ là 43,6%, trong khi con số này của khu vực miền Bắc là 31,6% và miền Trung là 33,3%.
Về vấn đề an toàn khi sử dụng sinh trắc học, tuy có khoảng 1/3 người dùng lo ngại về bảo mật thông tin nhưng đa số họ đồng ý rằng xác thực sinh trắc học có thể làm tăng mức độ an toàn cho các giao dịch trực tuyến. Theo khảo sát, có gần 70% đáp viên cho biết họ rất đồng ý/ đồng ý với quan điểm này.
Có 60% người dùng cho rằng việc sử dụng xác thực sinh trắc học tiện lợi hơn so với phương pháp truyền thống như sử dụng mật khẩu/mã OTP/faceID/mã PIN/câu hỏi bảo mật/xác thực qua email. Tuy nhiên, vẫn có 13,7% cho rằng đây là một phương pháp không tiện lợi bằng. Đặc biệt, số liệu từ khảo sát chỉ ra rằng, tỷ lệ người dùng đánh giá “tiện lợi” của các khu vực khác cao hơn so với người dùng sống tại Hà Nội và TP HCM.
Quy định xác thực sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến nhằm mục đích tăng cường bảo mật và bảo vệ người dùng trước các rủi ro. Tuy nhiên, do quy định mới chỉ được áp dụng chính thức chưa đầy 1 tuần, người dùng vẫn cần thời gian để thực hiện chuyển đổi và thích nghi.