Có phải Intel đã đến hồi kết thúc?
Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã thay đổi.
Sau hai đợt công bố kết quả tài chính quý thất vọng, giá trị thị trường của Intel đã giảm xuống còn 84 tỷ USD từ mức trên 210 tỷ USD. Sự bùng nổ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đã thúc đẩy các công ty sản xuất chip khác phát triển, trong khi cổ phiếu của Intel lại rớt giá mạnh kể từ cuối những năm 1990. Công ty này có thể sẽ bị loại khỏi Chỉ số công nghiệp Dow Jones để nhường chỗ cho Nvidia - gã khổng lồ trong lĩnh vực chip AI.
Đầu tháng 8, Pat Gelsinger, CEO của Intel, cho biết công ty sẽ cắt giảm lực lượng lao động từ 125.000 xuống hơn 15.000 người. Chi tiêu vốn hàng năm cũng sẽ giảm từ trên 25 tỷ USD xuống còn 20 tỷ USD, trong khi cổ tức hàng năm sẽ từ 3 tỷ USD xuống 0.
“Chi phí của chúng tôi đang quá cao, trong khi biên lợi nhuận lại quá thấp,” ông Gelsinger viết trong một bức thư gửi nhân viên. Giá cổ phiếu của công ty đã giảm 30% trong những ngày tiếp theo.
Tương lai của Intel giờ đây phụ thuộc vào kế hoạch tái cấu trúc mà ông Gelsinger dự kiến sẽ trình bày trước hội đồng quản trị trong thời gian tới. Có thể sẽ có thêm đợt sa thải, bán bớt một hoặc hai mảng kinh doanh không cốt lõi, hoặc tạm hoãn dự án xây dựng nhà máy 32 tỷ USD tại Đức.
Ông Gelsinger không hoàn toàn phải chịu trách nhiệm. Ông gia nhập Intel với mục tiêu khôi phục công ty sau chuỗi sai lầm. Cuối những năm 2000, lợi nhuận khổng lồ từ mảng PC khiến Intel không nhận ra nhu cầu gia tăng về chip di động. Công ty vẫn tiếp tục sản xuất bộ xử lý trong khi đối thủ đã chuyển sang các xưởng đúc như TSMC của Đài Loan. Những sai sót trong sản xuất đã làm chậm trễ việc ra mắt các CPU mới, tạo cơ hội cho AMD chiếm lĩnh thị trường.
Gần đây, Intel đã hoàn toàn bỏ lỡ sự phát triển của các chip AI chuyên dụng, trong khi Nvidia nhanh chóng trở thành gã khổng lồ trị giá 3 nghìn tỷ USD. Kế hoạch ban đầu của ông Gelsinger là phân chia Intel thành một đơn vị thiết kế không có nhà máy và Intel Foundry Services (IFS). Nhờ đó, đơn vị thiết kế có thể chọn lựa xưởng đúc tốt nhất cho nhu cầu của mình, còn IFS sẽ cạnh tranh dựa trên năng lực sản xuất.
Doanh thu của Intel đã giảm từ 79 tỷ USD vào năm 2021 xuống còn 55 tỷ USD trong 12 tháng đến tháng 6, do nhu cầu CPU sụt giảm. Dù tại IFS có những tiến triển hứa hẹn, khách hàng vẫn hoài nghi về khả năng sản xuất của công ty.
Theo Reuters, Broadcom, một công ty thiết kế chip trị giá 700 tỷ USD, đã thử nghiệm quy trình sản xuất của Intel và kết luận rằng quy trình này vẫn chưa sẵn sàng cho sản xuất quy mô lớn. Ông Gelsinger khẳng định rằng quy trình mới sẽ sẵn sàng vào năm tới.
Với các hợp đồng mua hàng trị giá 15 tỷ USD mà IFS đã giành được, cộng với doanh số bán tài sản, 8,5 tỷ USD tài trợ và 11 tỷ USD vay từ chính phủ Mỹ, IFS có khả năng vươn lên dẫn đầu và thu hút đơn đặt hàng. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tình hình của Intel, khi dòng tiền tự do đã chuyển từ 10 tỷ USD mỗi năm sang âm vào năm 2022.
Nhà sản xuất chip Mỹ hiện bị đánh giá là còn kém xa Nvidia, thậm chí cả AMD trong thị trường chip AI toàn cầu. Intel dự kiến doanh số chip Gaudi 3 mới nhất sẽ đạt 500 triệu USD trong năm nay, thấp hơn rất nhiều so với hàng chục tỷ USD của Nvidia từ các đơn vị xử lý đồ họa. Công ty đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự ra đi của các giám đốc điều hành chủ chốt, cùng với việc sa thải và giá cổ phiếu giảm mạnh.
Tháng 8 vừa qua, một thành viên quan trọng trong hội đồng quản trị, người giám sát chiến lược sản xuất chip, đã từ chức. Tại một hội nghị gần đây của Deutsche Bank, ông Gelsinger thừa nhận rằng công ty đã trải qua những tuần khó khăn và cần phải tái cấu trúc, sau khi công bố kế hoạch cắt giảm chi phí 10 tỷ USD vào tháng 8.
Các nhân viên vừa nghỉ việc đã thể hiện sự thất vọng về bộ máy quan liêu trong công ty. Những đợt sa thải đang làm giảm nghiêm trọng tinh thần làm việc của nhân viên, đặc biệt khi Intel còn đang xem xét thực hiện thêm nhiều thay đổi.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, vấn đề của Intel là chi tiêu quá nhiều cho việc xây dựng các nhà máy mới. Hoạt động kinh doanh đúc đã tiêu tốn đến 7 tỷ USD trong năm 2023, trong khi các mục tiêu doanh thu đầy tham vọng đặt ra vào năm 2022, thời điểm nhu cầu PC đạt đỉnh, đã không đạt được.
“Vấn đề lớn nhất mà ông Gelsinger đang phải đối mặt là ông ấy đang dần mất uy tín,” G. Dan Hutcheson tại TechInsights nhận định và cho rằng nếu Intel có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, công ty có khả năng đạt được lợi nhuận vào năm 2026 hoặc 2027.
Intel, từng là biểu tượng của ngành sản xuất chip vi xử lý, đã phải vật lộn với sự suy thoái trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Khác với hầu hết các công ty trong ngành, Intel vừa sản xuất vừa thiết kế chip, trong khi nhiều công ty khác chủ yếu dựa vào dịch vụ sản xuất bên ngoài, thường hợp tác với Công ty Sản xuất Bán dẫn Đài Loan TSMC.
Theo: The Economist, The New York Times