Sự việc OpenAI sử dụng giọng đọc giống hệt của nữ diễn viên Scarlett Johansson cho trợ lý ảo 'Sky' không chỉ là một bi kịch truyền thông mà còn cho thấy sự coi thường nghiêm trọng về vấn đề bản quyền trí tuệ.
Hãy tưởng tượng nếu từ đầu, OpenAI thành công trong việc chiêu mộ Scarlett Johansson để làm giọng đọc cho 'Sky'. Giọng của cô ấy, thay vì chỉ nhắc nhớ mơ hồ đến bộ phim 'Her', sẽ trở thành một bản sao hoàn hảo, đưa Johansson trở lại vai diễn đình đám.
Ý tưởng này có vẻ thú vị, nhưng có lẽ chỉ phù hợp cho một đoạn quảng cáo hài hước trên Super Bowl, không phải cho một sản phẩm chính của OpenAI được kỳ vọng sẽ thay đổi thế giới. Và liệu một trợ lý ảo cần phải có giọng nói nữ tính, cuốn hút kiểu Mỹ không?
Sự thật tệ hơn khi CNN đưa tin, CEO Sam Altman mời Scarlett Johansson tham gia dự án vào tháng 9, giữa cuộc đình công của Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh. Tuy nhiên, cô từ chối. OpenAI sau đó đã thuê một nữ diễn viên lồng tiếng khác và phủ nhận rằng giọng đọc này giống Johansson.
Hầu hết mọi người đều nhận ra sự tương đồng rõ rệt giữa giọng nói của 'Sky' và nữ diễn viên nổi tiếng. Trong buổi giới thiệu sản phẩm, Altman còn tweet với nội dung 'her' (cô ấy), khiến công chúng càng tin rằng OpenAI cố ý gợi nhắc nhân vật của Johansson trong phim.
Mặc dù OpenAI phủ nhận giọng nói của 'Sky' là bắt chước Johansson, và Altman cũng xin lỗi vì không truyền đạt rõ ràng hơn, nhưng có vẻ như mọi chuyện đã quá muộn.
Hiện tại, Altman và OpenAI đang gặp phải vấn đề lớn với một ngôi sao nổi tiếng, được hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới yêu mến, còn có chồng là một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng với những phát ngôn sắc bén về các sự kiện nóng bỏng. Không chỉ thế, sự việc còn làm dấy lên nỗi lo sợ ẩn dấu trong tâm trí của công chúng về một tương lai mà trí tuệ nhân tạo có thể chiếm đoạt nội dung và thay thế vai trò của con người.
Có thể nói, Altman đã đẩy công ty vào một cuộc khủng hoảng truyền thông lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ kể từ vụ Facebook Beacon. Việc sử dụng giọng nói giống Scarlett Johansson cũng là một sai lầm không thể chấp nhận. Tất cả những điều này khiến chúng ta phải tự hỏi: Những người liên tục phạm lỗi này có xứng đáng để làm lãnh đạo trong một lĩnh vực công nghệ đầy tiềm năng, có thể thay đổi thế giới không?
Sự việc 'giọng nói của Scarlett Johansson' chỉ là một trong số các vấn đề gần đây của OpenAI. Một số nhân viên cấp cao, bao gồm cả thành viên hội đồng quản trị Ilya Sutskever, đã rời khỏi công ty.
Trước đó 6 tháng, việc sa thải Altman vào tuần lễ Tạ ơn và sự trở lại bất ngờ của ông chỉ một tuần sau đó, được các nhân viên OpenAI và Microsoft gọi là 'Turkey-Shoot Clusterfuck', đã hé lộ rằng không phải là cuộc chiến giữa thiện và ác để kiểm soát một siêu trí tuệ nhân tạo như nhiều người đồn đoán, mà là kết quả của những tin đồn không căn cứ và cáo buộc bắt nạt tại nơi làm việc.
Tất cả những sự kiện này khiến ngay cả những người lạc quan nhất về trí tuệ nhân tạo cũng phải đặt ra câu hỏi: Chuyện gì đang diễn ra với công ty này? Nếu trí tuệ nhân tạo thật sự mạnh mẽ và có khả năng thay đổi thế giới như những gì OpenAI tuyên bố, liệu chúng ta có nên lo lắng khi những người kiểm soát nó liên tục mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn?