Sirius Aviation là một công ty khởi nghiệp tại Thuỵ Sĩ bởi Alexey Popov. Gia đình ông sở hữu công ty hàng không FED gần 100 năm tuổi tại Ukraine với chuyên môn sản xuất linh kiện, hệ thống và bảo trì máy bay. Alexey Popov từng học tại Viện hàng không Kharkiv thuộc đại học hàng không quốc gia Ukraine. Ông cũng là một phi công và từng thực hiện chuyến bay một mình xuyên Đại Tây Dương trên chiếc Cirrus SR22 G2. Sau nhiều năm nắm giữ các vị trí cấp cao tại FED, Popov thành lập Sirius Aviation vào năm 2021 dưới sự hậu thuẫn của FED với mục tiêu phát triển và thương mại hóa máy bay dùng nhiên liệu hydro lỏng, có khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng (VTOL). Sirius Aviation hiện đang hợp tác với xưởng thiết kế BMW Designworks, Leonardo Aerostructures và đội đua công thức 1 Sauber Group.
Tại triển lãm MOVE Expo vừa diễn ra tại London, Sirius Aviation đã ra mắt 2 mẫu máy bay VTOL chạy hydro-điện gồm CEO Jet và Adventure Jet. CEO Jet như tên gọi hướng đến phân khúc hàng không thương gia tư nhân, thiết kế cabin cao cấp với tối đa 3 chỗ ngồi cùng nhiều tiện nghi thường thấy trên máy bay phản lực doanh nhân. Khách hàng có thể tuỳ chọn chất liệu, màu sắc cabin, hệ thống chiếu sáng, vật liệu sàn, trang bị thêm tủ lạnh, phòng tắm, bếp …
Máy bay có khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng, cánh nâng chính và cánh canard có thể nghiêng để hướng luồng khí xuống dưới cũng như chuyển đổi sang trại thái bay ngang. Thiết kế này khiến máy bay có thể đáp chính xác tại vị trí đã chọn, từ đó tăng tính cơ động cho máy bay.
Thiết kế của Sirius CEO Jet hay Adventure Jet khá giống thiết kế của Lilium Jet của Đức (ảnh trên). Chiếc Lilium Jet có 36 động cơ điện lắp trên cánh nâng chính và cánh canard, cánh cũng có thể xoay để chuyển đổi trạng thái cất/hạ cánh và bay ngang. Tuy nhiên, Sirius CEO Jet và Lilium Jet khác biệt lớn ở hệ thống truyền động. Trong khi Lilium Jet phụ thuộc hoàn toàn vào gói pin Li-ion 1 MW, cho tầm hoạt động hạn chế ở 280 km, tốc độ tối đa của máy bay vào khoảng 300 km/h thì mẫu VTOL của Sirius dùng nhiên liệu hydro lỏng, từ đó mang lại tầm hoạt động đến gần 2000 km. Với cabin điều áp, Sirius CEO Jet có thể bay ở độ cao 30.000 ft (9144 m) và tốc độ tối đa có thể đạt gần 520 km/h.
Hệ thống hydro-điện trên máy bay của Sirius Aviation gồm thùng nhiên liệu chứa hydro lỏng cấp cho fuel-cell và tại đây phản ứng xảy ra. Hydro lỏng được đưa vào cực dương và không khí được đưa vào cực âm, chất xúc tác ở cực dương sẽ tách các phân tử hydro thành proton và electron, electron đi qua mạch điện bên ngoài tạo ra dòng điện còn proton đi qua chất điện phân đến cực âm, nơi chúng kết hợp với oxy và các electron để tạo ra nước và sinh nhiệt. Dòng điện từ fuel-cell được phân phối đến bộ chuyển đổi DC, các gói pin Booster và động cơ. Sirius cho biết hệ thống pin Booster này chỉ hoạt động trong 90 giây cho mỗi chu kỳ bay, tự sạc lại và không cần thay thế. Thứ cần nạp lại cho chiếc máy bay là hydro lỏng và Sirius Aviation cho biết chi phí cho đầy thùng nhiên liệu sẽ vào khoảng 500 USD.
Sirius Aviation cũng trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến cho CEO Jet và Adventure Jet bao gồm hệ thống định vị GPS, hệ thống dẫn đường VOR, hệ thống hỗ trợ hạ cánh ILS, radar Doppler và hệ thống AutoPilot kỹ thuật số hỗ trợ các hình thái bay như lơ lửng và tự động tiếp cận điểm đáp. Ngoài ra, CEO Jet và Adventure Jet còn có hệ thống dù khẩn cấp tự động bung khi máy bay gặp sự cố trên không.
Sirius Aviation kỳ vọng sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt và đạt các chứng chỉ bay cho Sirius Jet trước năm 2028. Chuyến bay đầu tiên của CEO Jet hay Adventure Jet đã được lên lịch vào năm tới. Hiện tại dù vẫn đang trong giai đoạn phát triển như Sirius Aviation đã nhận được sự quan tâm từ các hãng hàng không trên thế giới. Điển hình như Mehair - công ty điều hành thuỷ phi cơ của Ấn Độ đã đặt hàng 50 chiếc Adventure Jet hay công ty du lịch Indonesisa - Parq Development cũng đã đặt hàng 5 chiếc CEO Jet và 5 chiếc Adventure Jet.
Tuy nhiên, sự thành công của Sirius Aviation sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhiên liệu hydro. Loại nhiên liệu này vẫn đối mặt với nhiều thách thức như chi phí sản xuất, lưu trữ và vận chuyển, hạ tầng phân phối nhiên liệu phức tạp. Những thách thức này đã khiến không ít công ty phải chùn chân hay thậm chí là từ bỏ, điển hình là cú ngã ngựa mới đây của Universal Hydrogen - công ty khởi nghiệp tại Mỹ tham vọng chuyển đổi máy bay thương mại truyền thống dùng động cơ chạy xăng sang chạy hydro lỏng. Universal Hydrogen đã công bố phá sản do thiếu nguồn vốn để tiếp tục hoạt động nghiên cứu và phát triển hệ thống đẩy dùng pin nhiên liệu hydro cũng như giải pháp lưu trữ mô-đun.
Universal Hydrogen được thành lập vào năm 2020 và đã huy động được lên đến 100 triệu USD từ các nhà đầu tư để phát triển hệ thống truyền động hydro. Công ty đã đề ra kế hoạch chuyển đổi các máy bay ATR 72 dùng động cơ cánh quạt sang sử dụng động cơ chạy hydro lỏng. Điều kiện tham vọng hơn, Universal Hydrogen còn muốn xây dựng và triển khai cơ sở hạ tầng vận chuyển hydro lỏng tại các sân bay để cung cấp nhiên liệu cho các máy bay đã được trang bị động cơ mới.
Năm ngoái, công ty đã thử nghiệm chuyển đổi thành công một chiếc deHavilland Dash 8 sang sử dụng nhiên liệu hydro lỏng và hiện đang tiến hành giai đoạn thử nghiệm kéo dài 2 năm với chiếc máy bay này tại California. Kể từ khi công bố ngừng hoạt động, chiếc Dash 8 đã thực hiện thành công 13 chuyến bay. Hệ thống lưu trữ hydro lỏng dưới dạng mô-đun cũng đã được thử nghiệm từ đầu năm nay tại Toulouse, Pháp.
Tuy nhiên, trước những thách thức lớn chưa được giải quyết, đặc biệt là xử lý hydro lỏng nén và việc phát triển, tích hợp hệ thống đẩy sử dụng nhiên liệu hydro lỏng vào máy bay, cộng với thiếu nguồn đầu tư, Universal Hydrogen đã phải dừng lại.