Tình hình ca nhiễm COVID-19 trên toàn quốc chỉ còn 158 ca tính đến ngày hôm qua, giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm qua. Vậy liệu có nên gỡ bỏ ứng dụng PC-Covid, hay tiếp tục sử dụng một cách có hiệu quả để tránh lãng phí?
Phóng viên Kênh VOV Giao thông trò chuyện với ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam về vấn đề này. PV: Thưa ông, hiện tại số lượng ca mắc Covid-19 đã giảm kỷ lục, theo ông, chúng ta có nên loại bỏ ứng dụng PC-Covid hay không? Ông Vũ Hoàng Liên: Tôi nghĩ ứng dụng PC-COVID vẫn còn phục vụ mặc dù chưa đạt được kỳ vọng, phạm vi có thể chưa rộng, số lượng người bị COVID hoặc liên quan đến ứng dụng này giảm đi cũng không nên vội vàng bỏ đi. Miễn là nó vẫn còn phục vụ được, chúng ta vẫn nên sử dụng, tận dụng trong giới hạn, dù ít thì cũng không nên bỏ. PV: Vậy ứng dụng PC-COVID có thể được sử dụng để quản lý dịch bệnh nói chung hay quản lý các dữ liệu khác về dân cư (thay thế cho VNEID) mà Bộ Công an đang xây dựng hay không? Ông Vũ Hoàng Liên: Nếu nhìn vào mặt công nghệ, có thể kế thừa ứng dụng PC-COVID hoặc một số ứng dụng phục vụ cho các tình huống dịch bệnh khác hoặc các tình huống khác thường khác trong y tế. Tuy nhiên, theo tôi, cần phải thống nhất các ứng dụng có quy mô quốc gia để phục vụ xã hội hiệu quả, không nên có quá nhiều ứng dụng. Đồng thời, một ứng dụng cần có đầy đủ các chức năng, có đủ chiều sâu và phạm vi phục vụ cho nhiều mục tiêu khác nhau. Vì vậy, cần phải có một kế hoạch và chương trình, nếu chuyển từ PC-COVID lên sẽ không đơn giản. Liên quan đến định danh điện tử và cơ sở dữ liệu dân cư mà Bộ Công an đang làm, đó là nền tảng cho nhiều ứng dụng khác nhau. Ứng dụng phát triển cho lĩnh vực y tế cần phải có sự kết nối với hệ thống định danh, xác thực cũng như dữ liệu dân cư của Bộ Công an. PV: Vậy ứng dụng PC-COVID cần được kế thừa, sử dụng như thế nào để tránh lãng phí? Ông Vũ Hoàng Liên: Tôi nghĩ rằng PC-COVID chỉ là một trong những ứng dụng trong thời gian gần đây, chúng ta cần nhìn vào một ứng dụng phục vụ lĩnh vực y tế, cần kế thừa trong đó có kế thừa cả ứng dụng PC-COVID và nhiều ứng dụng khác. Theo tôi, chúng ta phải xem xét mục tiêu và giới hạn mục tiêu, căn cứ vào mục tiêu đó phải có một kế hoạch quốc gia, tổ chức nào cần tham gia thực hiện. Khi đã rõ mục tiêu, kế hoạch quốc gia, lúc đó mới có thể chia ra những yêu cầu, modun về ứng dụng công nghệ thông tin mà chúng ta cần phát triển. Lúc đó mới đặt ra yêu cầu cho phát triển giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và phải đặt ra câu hỏi ai, phát triển cái gì và tích hợp như thế nào, nguồn lực để thực hiện ra sao...? Một loạt vấn đề đó phải đặt ra trong chương trình thì chúng ta mới đạt được mục tiêu của mình. PV: Xin cảm ơn ông./.