Định hướng
(trang 46, SGK Ngữ văn lớp 7 tập 2)
a) Nghị luận về một vấn đề trong cuộc sống là trình bày ý kiến của mình (tán thành hoặc phản đối) về một vấn đề nào đó của cuộc sống bằng cách đưa ra lý lẽ rõ ràng, kết hợp với bằng chứng đa dạng để thuyết phục người đọc, người nghe
b) Để viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong cuộc sống, cần:
- Xác định được vấn đề cần bàn luận
- Tìm hiểu các tư liệu liên quan đến vấn đề xã hội cần nghị luận đó
- Giải thích vấn đề và làm sáng tỏ ý kiến của mình bằng việc nêu ra lý lẽ và bằng chứng
Thực hành
(trang 46, SGK Ngữ văn lớp 2)
Viết bài văn trả lời cho câu hỏi: “Lối sống giản dị là gì?”.
Phương pháp giải:
Đọc kỹ lại văn bản về Đức tính giản dị của Bác Hồ và tập hợp hiểu biết để tìm ý, lập dàn ý sau đó viết bài theo yêu cầu đã nêu.
Lời giải chi tiết:
Dàn ý:
1. Mở bài
- Đưa ra vấn đề cần nghị luận (Ví dụ: những nhân vật vĩ đại thường là những người giản dị)
- Nêu vấn đề: cần sống giản dị
2. Thân bài
- Nêu quan niệm về lối sống giản dị (Ví dụ: Giản dị là lối sống đơn giản, tiết kiệm)
- Nêu biểu hiện của lối sống giản dị trong sinh hoạt hàng ngày (ăn, mặc, ở, nói, viết…)
- Phân tích ý nghĩa của lối sống giản dị
Ví dụ:
+ Giản dị tạo ra sự hòa đồng, kết nối, sự cảm thông lớn với mọi người
+ Một số tấm gương đã chứng minh vẻ đẹp của lối sống giản dị
- Liên hệ với bản thân trong việc rèn luyện lối sống giản dị. Cần diễn đạt chân thành, cụ thể suy nghĩ của mình
3. Kết bài
- Khẳng định vai trò của lối sống giản dị. (Ví dụ: Giản dị là một phẩm chất cao quý cần có ở mỗi con người)
- Nêu suy nghĩ về hướng rèn luyện của em
Bài tham khảo:
Xã hội là tiền đề phát triển suy nghĩ nhận thức của mỗi người, rèn cho ta những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Một trong số đó con người ta đã và đang rèn luyện đức tính sống giản dị bởi sống giản dị là một lối sống đẹp của con người.
Vậy sống giản dị là gì? Là sống phù hợp với điều kiện với hoàn cảnh của bản thân gia đình và xã hội, không sống xa hoa lãng phí, không cầu kỳ kiểu cách, không chạy theo những nhu cầu về vật chất và hình thức bên ngoài.
Lối sống giản dị được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đó không chỉ thể hiện ở cách ăn mặc trong việc sinh hoạt hàng ngày mà còn thể hiện ở cả lời ăn tiếng nói, ở cả quan điểm sống, cách cư xử của con người trong mọi hoàn cảnh trước mọi vấn đề. Một người giản dị là một người ăn nói cẩn thận, không khoa trương, ăn nói ngắn gọn dễ hiểu. Hay là người luôn giải quyết mọi công việc một cách nhanh nhất nhưng vẫn phải đảm bảo tính hiệu quả của nó. Đó cũng là những người sống hòa đồng với tất cả mọi người không quá cầu kỳ trong cách cư xử. Hơn thế nữa những người sống giản dị là những người không lãng phí, sử dụng tiền đúng mục đích, không sử dụng vào những công việc vô bổ, biết nhìn nhận mọi vấn đề đúng với chuẩn mực và không làm quan trọng hóa vấn đề. Trong cách ăn mặc, họ không cần mặc những trang phục hàng hiệu mà chỉ cần những bộ quần áo giản đơn thôi nhưng họ cũng làm cho mình trở nên đẹp hơn lịch sự hơn. Tất cả những đặc điểm trên là biểu hiện của những người sống giản dị.
Quả thật sống giản dị là một lối sống đẹp vì nó không phải là lối sống đơn giản thô sơ mà là một phong cách sống cao đẹp. Không những thế mà lối sống giản dị còn giúp cho con người ta không bị lệ thuộc vào những ham muốn về mặt vật chất và tinh thần. Nó giúp ta biết tự điều hòa kiềm chế bản thân vượt qua những cám dỗ trong cuộc sống. Sống giản dị giúp ta tiết kiệm thời gian, không bị chi phối bởi những việc vô bổ, cũng giúp con người có khả năng hòa đồng với thiên nhiên, quan tâm tới mọi người xung quanh nhiều hơn. Nhờ có vậy mà con người được sống một cuộc sống vui vẻ bình yên hạnh phúc và thanh thản.
Từ xưa tới nay có rất nhiều tấm gương về đức tính giản dị mà chúng ta cần phải học tập. Đầu tiên là phải nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh người được cả thế giới khâm phục và ngưỡng mộ. Mặc dù là chủ tịch nước nhưng Người lại sống một cuộc sống hết sức giản dị chứ không như những vị chủ tịch khác. Trang phục thường ngày của Bác chỉ là bộ bà ba nâu đã phai màu, bộ kaki đã cũ và đôi dép lốp cao su. Nơi làm việc của Bác cũng chỉ là một ngôi nhà sàn nhỏ bé đơn sơ chỉ vỏn vẹn có hai phòng. Ngay cả trong cách ăn nói người cũng rất giản dị ngắn gọn và dễ hiểu như 'ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, ốm đau được chữa bệnh'. Hay chúng ta có thể kể đến Nguyễn Trãi cũng có lối sống giản dị bởi ông đã từng nói:
'Bữa ăn giàu có dưa muối
Áo mặc này chi gấm là'
Bên cạnh những tấm gương cho lối sống giản dị cũng không ít những người sống phung phí xa hoa. Trong thời hiện đại ngày nay có rất nhiều bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng lại nhuộm tóc rồi ăn mặc phá cách không đúng với tư cách của một người học sinh. Hay là những người hoàn cảnh gia đình khá giả lại ăn mặc một cách khoa trương mặc toàn hàng hiệu.
Chính vì thế nên để sống giản dị thì cần phải có bản lĩnh và trí tuệ để biết đủ biết dừng chứ không phải sống khổ hạnh hay ép mình. Là một học sinh em cần phải tu dưỡng đạo đức rèn luyện bản thân. Khi tới trường chỉ cần phải ăn mặc đúng đồng phục không cầu kỳ kiểu cách. Hơn thế nữa em sẽ tuyên truyền để bạn bè cùng hiểu rõ sự cần thiết và tác dụng của lối sống giản dị.
Quả thật sống giản dị giúp con người thanh thoát hơn không tiêu tốn tiền bạc của cải tạo cho xã hội sự hòa đồng bình đẳng thân ái. Chính vì vậy mà mỗi người chúng ta cần tạo cho mình một lối sống giản dị và lan tỏa lối sống giản dị đến những người xung quanh để cuộc sống luôn tươi đẹp và hài hòa.
(Bài làm của bạn Lê Quỳnh Chúc,
Lớp 9B – Trường THCS Thái Nguyên, Thái Bình)