Bài văn
(trang 67, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 tập 2)
Trong cuộc sống, khi đối mặt với một vấn đề, thường xuất hiện các quan điểm khác nhau, trong đó có những ý kiến mà chúng ta không đồng ý. Việc biết đồng tán thành với ý kiến đúng cũng cần phải biết phản đối ý kiến sai. Trong nhiều trường hợp, việc phản đối được thể hiện thông qua việc viết bài văn nghị luận. Để việc phản đối có sức thuyết phục, người viết bài văn nghị luận cần phải trình bày ý kiến rõ ràng, lập luận sắc bén, có bằng chứng tiêu biểu, xác thực, dựa trên những tiêu chuẩn logic được chấp nhận rộng rãi.
Phương pháp giải - Xem chi tiết
- Trình bày vấn đề một cách rõ ràng, làm sáng tỏ bản chất của vấn đề
- Diễn đạt rõ ràng ý kiến phản đối của người viết về một quan niệm, cách hiểu khác
- Đưa ra lý lẽ và bằng chứng để chứng tỏ ý kiến phản đối là hoàn toàn có cơ sở
Lời giải chi tiết
'Có thể bỏ qua một số môn chỉ nên học môn mình yêu thích' đang là một chủ đề lớn của lớp tôi trong những giờ ra chơi. Đã có rất nhiều ý kiến, lý lẽ và dẫn chứng được các bạn đưa ra để bảo vệ quan điểm cá nhân của mình. Riêng tôi, tôi không thể chấp nhận được việc coi thường các môn khác của một số bạn học sinh.
Sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa kéo theo sự bùng nổ của khoa học, công nghệ thông tin đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống vật chất và tinh thần của con người, trong đó có giáo dục, đặc biệt là sự xuất hiện của xu hướng nhiều phụ huynh, học sinh thích chạy theo những môn học cần trong khối thi mà bỏ quên những môn học khác. Mỗi môn học khi được đưa vào chương trình đều có ý nghĩa và giá trị riêng. Các môn khoa học tự nhiên giúp chúng ta có thêm khả năng tính toán, tư duy, các môn khoa học xã hội bồi dưỡng thêm nhân cách, phẩm chất và tâm hồn, môn ngoại khóa giúp thư giãn tâm hồn sau thời gian học tập vất vả. Tình trạng học sinh chỉ quan tâm và chú ý đến một số môn học mình yêu thích và bỏ quên những môn còn lại đang rất phổ biến. Học sinh 'quay lưng' với những trang văn thấm đẫm giá trị nhân đạo về cuộc sống nhân sinh; buồn chán trước những sự kiện lịch sử trọng đại mà quên mất rằng đó là những cột mốc đánh dấu sự thay đổi to lớn của đời sống dân tộc; lạnh nhạt với những bài học 'làm người' sâu sắc ẩn chứa sau mỗi bài học về đạo đức, giáo dục công nhân; thấy nhàm chán với những công thức, phản ứng hóa học;.....
Thực trạng trên có nguồn gốc từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Các bạn học sinh cho rằng việc học theo khối thi sẽ giúp cho các bạn định hướng tốt hơn và tập trung hơn vào khối môn học và các bạn mong muốn dùng để xét tuyển. Đó là nguyên nhân chính khiến cho các bạn coi thường các môn học không nằm trong chương trình thi. Chúng ta không thể phủ nhận được vai trò và sự cần thiết của các môn học nằm trong khối thi. Thế nhưng ta cũng cần biết rõ các môn học luôn có sự hỗ trợ lẫn nhau và mỗi một môn học đều có vai trò, ý nghĩa, sứ mệnh riêng. Ví dụ, nếu học tốt môn Ngữ văn, chúng ta sẽ có vốn từ vựng phong phú để giao tiếp, trình bày các quan điểm của bản thân một cách rõ ràng, lưu loát; đồng thời môn Văn còn là môn học giúp con người nuôi dưỡng và bồi đắp các giá trị tâm hồn trước sự lên ngôi của giá trị vật chất. Hay là việc học tốt Toán sẽ giúp con người chúng ta có những tư duy logic và chặt chẽ hơn trong quá trình giao tiếp, ứng dụng môn Văn. Khi nhìn nhận một vấn đề ta không chỉ nhìn từ một phía, có thể nhận thức trong chúng ta không được sâu rộng. Bạn không thể là một con người hoàn hảo, được mọi người kính trọng nếu như giỏi tính toán mà không biết giao tiếp.
Để khắc phục vấn đề này, trước hết, chúng ta cần thay đổi những quan điểm tiêu cực, đồng thời nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa to lớn, quan trọng của việc học các môn. Đội ngũ giáo viên cần liên tục cải tiến, đổi mới các phương pháp giảng dạy để tạo động lực trong mỗi bài học cụ thể và thúc đẩy niềm đam mê đối với học học nói chung. Đồng thời, cần thay đổi quan điểm, cách nhìn của phụ huynh, học sinh về vai trò, ý nghĩa quan trọng mà các môn học mang lại.
Tóm lại, chúng ta có thể khẳng định việc học tất cả các môn là vô cùng quan trọng. Là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần tạo ra động lực tích cực cho việc học, rèn luyện thái độ tích cực trong học hành và thi cử để ngày càng phát triển tốt hơn.