Canon và Nikon đang đối mặt với một đối thủ đáng gờm và sẽ tụt lại nếu không thay đổi kịp thời
8 giây là thời gian tối thiểu mà một anh cao bồi cần để bắt đầu được tính điểm trên yên ngựa. Với nhiếp ảnh gia, thời gian ngắn này có thể làm hỏng những bức ảnh nếu không chú ý đủ
Đấu ngựa Rodeo là môn thể thao hấp dẫn nhưng khó chụp với các tay nhiếp ảnh do chuyển động không ngừng của người và ngựa
'Trước đây, nhiếp ảnh gia thường lấy nét trước ở khoảng cách ước lượng và cầu nguyện để có bức ảnh tốt nhất', Kenneth Jarecke chia sẻ
Sử dụng máy ảnh mirrorless, Jarecke tạo ra những bức ảnh chủ thể chuyển động nhanh nhưng vẫn nét căng
Đây không phải là lần đầu thị trường máy ảnh gặp biến động lớn. 20 năm trước, kỷ nguyên máy ảnh kỹ thuật số đã khiến các nhà sản xuất phải đua theo thời đại hoặc là bị 'bỏ lại phía sau' nếu vẫn cứng đầu với phim (Kodak và Fujifilm là ví dụ điển hình). Trong 10 năm qua, thị trường smartphone bắt đầu phát triển mạnh mẽ, với hệ thống camera ngày càng cải tiến, ảnh hưởng đến thị phần máy ảnh đến 80%. Các sản phẩm dành cho dân chuyên nghiệp như Nikon D5 (giá 6.500 USD) hoặc Canon 1D Mark II (giá 5.500 USD) có vẻ không bị ảnh hưởng, nhưng điều đó sẽ thay đổi.
Thị trường máy ảnh trị giá 3,2 tỉ USD/năm đang chứng kiến sự xuất hiện của nhiều thương hiệu máy ảnh (và smartphone), trong đó Canon, Nikon và Sony là ba thương hiệu lớn cung cấp các sản phẩm máy ảnh cao cấp, ống kính phục vụ cho thể thao, báo chí và nghệ thuật. 'Sony hiện đang chiếm thị phần lớn hơn' theo Kazunori Ito từ Morningstar Investment Services.
Sony a7 III (trái) và a9 là hai dòng máy ảnh chủ lực của Sony hiện nay.
Câu chuyện về Sony thay đổi thị trường nhiếp ảnh chuyên nghiệp không phải mới. Nó đã bắt đầu từ thời kỳ đầu của cảm biến ảnh kỹ thuật số. Trong những năm 90, máy ảnh Cybershot đã làm thay đổi cách sử dụng máy ảnh, nhỏ gọn và dễ sử dụng. Sau này, Sony cũng cung cấp cảm biến và vi xử lý ảnh cho thị trường smartphone, trong đó có cả Apple.
Vào năm 2006, Sony mua Konica Minolta, một động thái bất thường với một công ty tự hào về công nghệ. Dù máy ảnh DSLR Alpha đầu tiên của họ chỉ là sự kế thừa, nhưng sau đó, Sony đã phát triển nhanh chóng. 8 năm trước, Sony bắt đầu loại bỏ hệ thống gương lật và giới thiệu khung ngắm điện tử. Thiết kế nhỏ gọn, nhẹ hơn đã giúp người dùng dễ dàng mang theo máy ảnh hơn.
Công nghệ phát triển nhanh, nhưng không phải ai cũng chấp nhận thay đổi. Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường rất trung thành với thiết bị của mình vì độ tin cậy đã được chứng minh. Họ đã chi tiêu nhiều tiền để đầu tư vào ống kính chuyên nghiệp, mà giá thường cao hơn cả body máy ảnh. Một số nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cho rằng Sony vẫn chưa tung ra đủ ống kính mới, và dịch vụ hỗ trợ khách hàng cũng không bằng Nikon và Canon. Sony đang cải tiến tất cả, không chỉ về sản phẩm mà còn về dịch vụ, với mục tiêu cuối cùng là sản phẩm dành cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Tất nhiên, các đối thủ cũng không ngồi yên. Trong khi Sony đang nổi lên, Nikon cũng đang phát triển dòng máy ảnh Mirrorless cảm biến Full Frame và sẽ tiết lộ thêm chi tiết vào ngày 23/8 tới.
Canon vẫn chưa công bố kế hoạch cụ thể, cho biết họ đang 'trong quá trình phát triển'. Theo Tomonori Igari từ tờ Asahi Camera, 'Sony vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức lớn'. 'Tuy nhiên, thành công của họ vẫn phụ thuộc vào việc họ cam kết cải thiện hệ thống hỗ trợ khách hàng, cũng như chiến lược phát triển máy ảnh mirrorless của Nikon và Canon.'
Trong thời điểm hiện tại, Sony tiếp tục tận dụng lợi thế dẫn đầu của mình. Nhà sản xuất máy ảnh từ Tokyo đang tăng cường quảng bá cho dòng máy ảnh Alpha của mình. Ngoài ra, máy ảnh a9 trị giá 4.500 USD của họ gần đây đã đoạt nhiều giải thưởng hàng đầu tại 3 cuộc thi nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Sony cũng đưa ra một loạt dòng sản phẩm Alpha mới dành cho cả người dùng cá nhân và chuyên nghiệp. Họ dự đoán lợi nhuận sẽ tăng 40%, gần 1 tỉ USD trong 3 năm tới.
Nếu Sony thành công trong việc đưa máy ảnh mirrorless trở thành tiêu chuẩn mới trong ngành công nghiệp này, các cuộc họp báo chắc chắn sẽ trở nên yên bình hơn khi không còn tiếng kêu gương lật từ các máy DSLR. Điều này là điểm mạnh khi các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cần sự yên tĩnh khi làm việc tại các sự kiện như giải golf hay trong phòng xử án. Thậm chí, buổi lễ thoái vị của Hoàng đế Nhật Bản Akihito trong tháng 4/2019 cũng sẽ cấm các thiết bị chụp ảnh tạo ra tiếng ồn, là cơ hội để những chiếc máy Alpha của Sony lóe sáng.
Tham khảo từ Bloomberg