1. Vắc xin Covid-19 và phản ứng sau tiêm
Virus SARS-CoV-2 với nhiều biến chủng phức tạp vẫn đang lan rộng trên toàn cầu. Hiện đã có hơn 210 triệu ca nhiễm và gần 5 triệu người tử vong vì căn bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus này gây ra. Để ngăn chặn các tác hại nghiêm trọng của Covid-19, vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất giúp cơ thể tạo ra kháng thể để tiêu diệt virus này.
Những người tham gia tiêm vắc xin Covid-19 đều có thể gặp phản ứng phụ ở vị trí tiêm hoặc toàn thân ở mức độ khác nhau. Mặc dù không phải ai cũng gặp các triệu chứng này sau tiêm, nhưng nếu có, đây là điều bình thường và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, chúng thường tự biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, mọi người vẫn cần theo dõi và cần phải được xử lý kịp thời nếu có các biến chứng nguy hiểm.
Mặc dù có gây ra các phản ứng phụ, nhưng không thể phủ nhận rằng lợi ích mà vắc xin Covid-19 mang lại là vô cùng to lớn
Vắc xin được sử dụng để phòng ngừa Covid-19 đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả thông qua quá trình thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt trước khi triển khai rộng rãi trong cộng đồng. Mặc dù có một số trường hợp gặp phản ứng phụ như sốt sau 2 ngày tiêm phòng Covid, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, sưng tại chỗ tiêm,... nhưng hầu hết là nhẹ và trung bình, điều này cho thấy vắc xin đang hoạt động tốt trong việc kích thích hệ miễn dịch hình thành cơ chế phòng thủ trước các tác nhân gây bệnh.
2. Có những trường hợp nào không nên tiêm vaccine Covid-19?
Dưới đây là các đối tượng nên suy xét trì hoãn việc tiêm phòng Covid-19:
Không nên tiêm vaccine Covid-19 đối với những người đang có triệu chứng sốt và nhiễm trùng;
Những trường hợp có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần tá dược hoặc hoạt chất nào có trong vaccine hoặc đã từng gặp biến chứng nghiêm trọng sau lần tiêm đầu tiên;
Người có cơ địa dị ứng từ độ 2 trở lên cần tham vấn ý kiến của bác sĩ khi khám sàng lọc trước khi tiêm chủng;
Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Trước khi tiêm chủng, cần tham khảo chỉ định của Bộ Y tế vì không phải đối tượng nào cũng phù hợp
Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm chủng đối với các trường hợp sau:
Người có cơ địa dị ứng từ độ 2 trở lên với các tác nhân khác như hải sản, mỹ phẩm, bụi, phấn hoa,...;
Người gặp vấn đề về xuất huyết, bầm tím, đang dùng thuốc chống đông máu;
Người mắc các bệnh lý nền mạn tính hoặc đang sử dụng các thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch (thuốc ung thư, thuốc ức chế miễn dịch, corticosteroid liều cao).
3. Hướng dẫn theo dõi sau khi tiêm vaccine Covid-19
Dưới đây là các khuyến cáo của Bộ Y tế cho những người tham gia tiêm vắc xin ngừa Covid-19:
Thường xuyên theo dõi và cập nhật mức thân nhiệt. Nếu:
Nếu sốt dưới 38 độ C: hãy cởi bỏ bớt quần áo để cơ thể hạ nhiệt và không để đổ mồ hôi, lau nách và bẹn bằng khăn ấm, đảm bảo uống đủ nước và đo nhiệt độ mỗi 30 phút;
Nếu sốt cao hơn 38 độ C: nếu thân nhiệt không giảm hoặc tăng thêm, hãy sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn. Trong trường hợp sốt không ổn định, thậm chí là sốt sau 2 ngày tiêm vắc xin Covid, hãy liên hệ ngay với cán bộ y tế để được hướng dẫn hoặc đến bệnh viện gần nhất.
Khi phát hiện cơ thể có các triệu chứng lạ và nghiêm trọng ngày càng gia tăng như:
Khó thở;
Ngứa họng, nghẹn, căng cứng, nói khó;
Tê vùng quanh lưỡi và miệng;
Nổi mẩn đỏ, phát ban, chảy máu dưới da;
Đau đầu nhiều, kéo dài hoặc dữ dội;
Ngủ gà gật, li bì, không tỉnh táo, hôn mê, thậm chí bị co giật;
Ngực đau tức, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực liên hồi, ngất xỉu;
Đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy;
Người như muốn ngã, choáng, mệt mỏi bất thường;
Sốt cao trên 39 độ C và sốt 2 ngày sau tiêm phòng covid, không cải thiện sau khi đã uống thuốc hạ sốt.
Người thân cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để được tư vấn hoặc đưa người tiêm chủng đi cấp cứu trong trường hợp có biến chứng nặng
Mặc dù các biến chứng có thể xảy ra, nhưng tỷ lệ gặp phải rất thấp trong khi lợi ích từ vaccine cho cộng đồng và bản thân người được tiêm là rất lớn.
Bên cạnh đó, quy trình tiêm vaccine tại Việt Nam được triển khai rất cẩn thận và khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đảm bảo mức độ an toàn cao nhất, thậm chí còn khắt khe và tiến bộ hơn nhiều lần so với các khu vực khác trên thế giới;
Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế trong cấp cứu đều được đảm bảo và chuyên môn cán bộ, nhân viên y tế đạt chuẩn để thực hiện chương trình tiêm chủng rộng rãi cho người dân;
Trước khi tiêm, mỗi người đều được tham gia quy trình khai báo y tế, thăm khám sàng lọc và được tư vấn kỹ lưỡng bởi các y bác sĩ theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
Các điểm tiêm chủng và cơ sở y tế, bệnh viện luôn trong trạng thái thường trực, sẵn sàng hỗ trợ người dân và cấp cứu kịp thời nếu xảy ra biến chứng sau tiêm vaccine nhằm đảm bảo tối đa tính an toàn cho người tham gia tiêm chủng;
Sau khi tiêm, người dân sẽ được theo dõi tình trạng sức khỏe trong ít nhất 30 phút và tiếp tục tự theo dõi phản ứng phụ tại nhà trong khoảng thời gian từ 7 - 28 ngày.
Thay vì lo ngại trước những phản ứng phụ vô cùng hiếm gặp, mọi người nên tham gia tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe và sớm được trở lại trạng thái bình thường mới trong sinh hoạt.