Đến tối thứ Ba, SpaceX cũng đã đạt được một cột mốc đặc biệt, với lần hạ cánh thành công thứ 300 của các tên lửa Falcon, bao gồm Falcon 9 và Falcon Heavy. Falcon 9 đã hạ cánh 285 lần và Falcon Heavy 15 lần. Tất cả điều đã diễn ra trong thời gian chưa đầy một thập kỷ. Thực tế, Falcon 9 phải chờ đến chuyến bay thứ 20 mới có lần hạ cánh đầu tiên thành công, sự kiện này đã xảy ra trong sứ mệnh ORBCOMM-2 vào ngày 22/12/2015, khi tên lửa Falcon 9 trở về một bệ nằm gần nơi phóng. Chỉ trong chưa đầy 4 tháng sau, vào ngày 8/4/2016, đã có lần đổ bộ đầu tiên của Falcon 9 xuống một bệ phao trên biển trong sứ mệnh CRS-8.
Tên lửa Falcon 9 hạ cánh trên biển năm 2016.
Hai tên lửa đẩy Falcon Heavy Block 5 B1052 và B1053 đang hạ cánh vào tháng 4/2019.
Xét về số lần phóng, chỉ một số ít tên lửa mới từng phóng đi hàng trăm lần và phần lớn là của Nga. Trong những năm qua có một số biến thể của tên lửa Soyuz đã được ra mắt, trong đó Soyuz-U là nhà vô địch mọi thời đại với 786 lần phóng, tiếp theo là tên lửa đẩy Kosmos-3M với 445 lần phóng và tên lửa đẩy Proton-K với 211 lần phóng. Còn sau Falcon 9 với 326 lần thì thực sự chưa có đối thủ nào xứng tầm. Tên lửa đẩy Proton-M của Nga sắp ngừng hoạt động có 115 lần phóng, tên lửa Atlas V của Mỹ có 99 lần phóng và tên lửa Trường Chinh 2D của Trung Quốc có 89 lần phóng.
Trên tất cả các biến thể kể từ lần đầu tiên xuất hiện năm 1966, Soyuz đã phóng hơn 1.700 lần. Gần 60 năm đã trôi qua, Soyuz có thể sẽ tiếp tục thực hiện khoảng một chục sứ mệnh mỗi năm trong thời gian còn lại của thập niên này. Tuy Nga có cho biết về việc thay thế Soyuz bằng một dòng tên lửa mới hơn, nhưng mọi thứ vẫn còn trên bản vẽ. Dự kiến Falcon 9 sẽ vượt qua con số của Soyuz vào giữa những năm 2030.
Falcon 9 không phải là tên lửa duy nhất hoạt động trong thời gian tới. Vào một thời điểm bất kỳ trong một hoặc hai năm nữa, tàu Starship lớn hơn đáng kể của SpaceX sẽ bắt đầu phóng các vệ tinh Starlink, cắt giảm phần nào nhu cầu đối với Falcon 9. Dù vậy nó vẫn sẽ tiếp tục làm việc trong tương lai gần, ít nhất là đến thập niên 2030.
Theo AT.