Việc ngừng hoạt động một cấu trúc có kích thước lớn như một sân bóng đá trong không gian đòi hỏi phải có kế hoạch rất cẩn thận. Nếu nó rơi xuống Trái đất mà không kiểm soát được thì có thể gây nguy hiểm cho các khu vực có dân số đông.
Do đó, để đảm bảo việc hạ cánh an toàn vào biển, con tàu này sẽ được gắn vào Trạm ISS và thực hiện một loạt thao tác cần thiết để điều khiển nó quay trở lại bầu khí quyển Trái đất sau khi ngừng hoạt động vào năm 2030.
Trạm ISS hoạt động ở độ cao lên đến 422 km.
Lựa chọn phương tiện USDV sẽ giúp NASA và các đối tác quốc tế đảm bảo an toàn và có trách nhiệm trong quá trình chuyển đổi trên quỹ đạo thấp của Trái đất khi kết thúc hoạt động của ISS
Dự án USDV khác với các hợp tác trước đây với SpaceX. NASA sẽ sở hữu hoàn toàn phương tiện USDV sau khi chế tạo hoàn tất và chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của nó, không giống như việc dịch vụ vận chuyển hàng hóa và người lên ISS như NASA đã làm trước đây. Việc phóng tàu sẽ có hợp đồng riêng biệt. NASA nói: “Cùng với Trạm ISS, dự kiến USDV cũng sẽ bị phá hủy hoàn toàn trong quá trình tái nhập bầu khí quyển.”
Ban đầu kế hoạch sử dụng các tàu Progress của Nga - các tàu thường được sử dụng để duy trì độ cao của Trạm ISS - để đưa ISS ra khỏi quỹ đạo. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy cần phải có một phương tiện chuyên dụng cho sứ mệnh phức tạp này. Hầu hết các đối tác của ISS đồng ý vận hành trạm cho đến năm 2030, trong khi Nga cam kết chỉ hỗ trợ ISS đến năm 2028.
Tàu Progress ghép nối với mô-đun Zvezda của ISS.
Vào năm 1998, các cơ quan vũ trụ đã hợp tác xây dựng kỳ quan khoa học lớn nhất thời điểm đó là Trạm ISS. Ngoài NASA, các cơ quan vũ trụ khác bao gồm CSA (Cơ quan Vũ trụ Canada), ESA (Cơ quan Vũ trụ Châu Âu), JAXA (Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản) và Roscosmos (Tập đoàn Vũ trụ Nga).
Trong hơn hai thập kỷ qua, ISS đã đóng vai trò là nền tảng cho nghiên cứu sinh học, khoa học vũ trụ và y học. Trên không gian này, đã có hơn 3.300 thí nghiệm được thực hiện. Tuy nhiên, công nghệ cũ và môi trường khắc nghiệt đang khiến ISS dần xuống cấp. Các thành phần như mô-đun, bộ tản nhiệt và kết cấu khung giàn của nó đang có tuổi thọ giới hạn.
Khi ISS sắp ngừng hoạt động, các công ty tư nhân sẽ tham gia để lấp đầy khoảng trống. Một số liên doanh tư nhân đang cạnh tranh xây dựng các trạm vũ trụ thương mại. Ví dụ, Axiom Space đang phát triển Trạm Axiom, Voyager Space đang phát triển Starlab cùng với Lockheed Martin và Northrop Grumman. Còn công ty Vast Space có kế hoạch phóng mô-đun Haven-1 của họ trên tên lửa Falcon 9 vào năm 2025.
Theo [1], [2].