Gần đây, Steam đã bị tố cáo về việc cạnh tranh không lành mạnh khi thực hiện các chính sách ưu ái cho game thủ ở các quốc gia đang phát triển
Steam được biết đến là một trong những nền tảng bán game hàng đầu thế giới, với hàng ngàn tựa game nổi tiếng đã có mặt trên nền tảng này, giúp game thủ thoải mái lựa chọn và mua những sản phẩm yêu thích. Tuy nhiên, chính sách bán game với mức giá thích ứng với điều kiện kinh tế của từng khu vực đã khiến Valve bị điều tra về hành vi 'cạnh tranh không lành mạnh' bởi Liên minh Châu Âu. Valve đã thiết lập nhiều mức giá cho game tại các quốc gia khác nhau và nhà phát hành có quyền quyết định mức giá này. Để ngăn chặn gian lận giá, Steam đã ngăn chặn game thủ mua game ở mức giá thấp ở một quốc gia rồi tặng cho người ở quốc gia khác.
Ví dụ, game thủ Việt Nam có thể mua game với giá VND ưu đãi nhưng không thể chuyển tặng cho người chơi ở Mỹ hoặc Canada.
Tuy nhiên, việc này đã khiến cho Steam phải đối mặt với sự phản đối từ cộng đồng game thủ, những người cho rằng hành động của Steam là không công bằng và gây ra nhiều tranh cãi.
Tòa án liên minh châu Âu đã bắt đầu điều tra hành vi của Steam từ năm 2017. Họ cho rằng việc hạn chế người dùng sử dụng dịch vụ qua biên giới và bán game với giá khác nhau cho các khu vực là vi phạm luật cạnh tranh. Khách hàng không nên bị phân biệt đối xử dựa trên nơi họ sinh sống và quốc tịch.
Valve đã cố gắng thuyết phục tòa án rằng chính sách của họ nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển và không dính líu đến cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, tòa án đã từ chối luận điểm này.
Liên minh Châu Âu đã lập luận rằng: 'Chính sách chặn vùng được thiết lập nhằm bảo vệ các trò chơi khỏi việc bị mua ở các khu vực có giá rẻ rồi được bán ở nơi giá cao hơn. Chính sách này không nhằm bảo vệ bản quyền cho các nhà sản xuất mà chỉ nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu game để kiếm lời, đồng thời bảo vệ lợi nhuận của các nhà phát hành cũng như lợi nhuận từ hoa hồng của Valve'.