Đó là lời của nhân vật Phileas Fogg gửi gắm cho trợ lý của mình trước khi khởi hành trong chuyến phiêu lưu toàn cầu của tiểu thuyết “80 ngày vòng quanh thế giới” của Jules Verne. Tại sao họ lại chọn không mang theo rương?
Lý do rất đơn giản: vào thời điểm đó, chiếc vali như chúng ta biết hôm nay chưa ra đời. Những chiếc rương khi ấy rất cồng kềnh, làm từ gỗ, da và có phần đế sắt nặng nề. Những chiếc rương chất lượng cao thường được bảo vệ thêm bằng lớp vải bạt hoặc nhựa cây để chống nước, bởi vì tàu hơi nước là phương tiện chính lúc bấy giờ. Nếu không có lớp bảo vệ, rương có thể bị ướt chỉ sau vài giờ và toàn bộ đồ đạc bên trong sẽ bị hỏng.
Di chuyển những chiếc rương từ chuyến tàu này sang chuyến tàu khác cũng là một công việc tốn nhiều công sức và thời gian. Vào thế kỷ 18, khi du lịch trở nên phổ biến trong giới thượng lưu và trung lưu, nghề khuân vác hành lý phát triển mạnh mẽ. Các gia đình khá giả thường thuê người khuân vác để hỗ trợ trong các chuyến đi của họ.
Vào cuối thế kỷ 19, khi du lịch đại chúng bắt đầu phát triển, mục đích của du lịch đã chuyển từ việc chỉ là sự khám phá và tò mò sang sự giải trí và thư giãn. Khoảng năm 1900, ngành du lịch đại chúng thực sự bùng nổ, các khách sạn tại Thuỵ Sĩ đón hàng triệu lượt khách mỗi năm và các bãi biển ở Anh thu hút hàng trăm nghìn du khách vào mùa hè. Lúc này, du lịch không còn chỉ là đặc quyền của giới thượng lưu nữa.
Tầng lớp lao động và các gia đình bình dân không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ khuân vác và càng không thể đưa người khuân vác đi cùng. Do đó, nhu cầu về một giải pháp hành lý tiện lợi hơn đã thúc đẩy sự phát triển của vali.
Ban đầu, vali chỉ là một phần trong ngành kinh doanh hành lý và đồ da, nhưng nhanh chóng trở thành biểu tượng của sự di chuyển. Trong danh mục sản phẩm của cửa hàng T Eaton & Co năm 1907, vali chiếm nhiều trang hơn so với các mẫu rương, còn trong catalog của United Company năm 1911, khoảng 40% quảng cáo là về vali.
Những chiếc vali thời kỳ đầu, dù nhẹ hơn và dễ di chuyển hơn rương, nhưng theo tiêu chuẩn hiện đại, chúng vẫn còn cồng kềnh. Chúng thường được bọc da hoặc vải cao su quanh khung gỗ hoặc thép cứng, với các góc vali được bo tròn bằng đồng hoặc da. Các tay cầm được gắn bên hông để dễ dàng khuân vác. Sau đó, thị trường vali bắt đầu điều chỉnh để thêm các mẫu nhẹ hơn phù hợp với nữ giới.
Theo thời gian, vali đã dần thay thế rương, không chỉ vì tính tiện dụng mà còn vì sự thể hiện phong cách cá nhân của người dùng. Đến những năm 1920, vali đã xuất hiện trong các tác phẩm văn học như The Hardy Boys và các bộ phim như The Woman in the Suitcase.
Trong một báo cáo kinh doanh năm 1933, Hugh S. Johnson, một quản lý của Cục Quản Lý Phục hồi Quốc gia, đã viết cho Tổng thống Franklin Roosevelt rằng: “Với sự gia tăng sử dụng ô tô, thay vì các loại hành lý truyền thống, người dân đang chuyển sang sử dụng thùng carton để chứa đồ ở phía sau xe nhằm tiết kiệm chi phí và tiện lợi hơn. Nói cách khác, để cạnh tranh, vali cần phải nhẹ hơn và rẻ hơn. Những chiếc vali làm từ gỗ, thép và da cồng kềnh cần được cải tiến và nhựa có thể là giải pháp mới.”
Trong suốt nửa thế kỷ qua, vali đã trải qua nhiều cải tiến đáng kể như thay thế khóa cài bằng khóa kéo, có thêm nhiều kích cỡ và quan trọng nhất là bánh xe. Những thay đổi này phản ánh thói quen di chuyển của xã hội, đặc biệt khi du lịch hàng không trở nên phổ biến. Theo bằng sáng chế năm 1970 của Bernard Sadow, việc gắn bánh xe vào vali đã giải quyết vấn đề di chuyển hành lý nặng nề tại sân bay, nơi hành khách phải tự mang hành lý và di chuyển nhiều hơn.
Trước Bernard Sadow, đã có hai bằng sáng chế liên quan đến rương và hành lý có bánh xe (1887 và 1945), nhưng chúng không phổ biến do ngành hàng không chưa phát triển. Dữ liệu cho thấy từ năm 1949 đến 1969, số lượng hành khách bay tăng từ 17 triệu lên 172 triệu người. Năm 1969 cũng chứng kiến kỷ lục về số vụ không tặc với 82 vụ. Tình trạng này đã làm quy trình kiểm tra hành lý và an ninh sân bay trở nên nghiêm ngặt hơn, khiến hành khách phải thực hiện nhiều thủ tục tại sân bay. Kể từ đó, vali liên tục được cải tiến để đáp ứng nhu cầu của xã hội.