Quá trình học ngôn ngữ không thể thiếu các chiến thuật (Brown, 1980). Dù có những chiến thuật học ngôn ngữ đạt hiệu quả cao, hay chưa cao; dù là với đối tượng nào, thì các chiến thuật này vẫn có tầm quan trọng rất lớn đối với quá trình học ngoại ngữ. Oxford (1990) đã chỉ ra rằng người học sử dụng các chiến lược cụ thể để giúp cho việc học tập dễ dàng hơn, nhanh hơn, thú vị hơn, mang tính tự chủ hơn, hữu ích hơn, và dễ dàng thích nghi hơn với các tình huống mới.
Oxford đã chia các chiến lược học ngôn ngữ thành sáu loại. Cho đến thời điểm hiện tại, các sự phân loại này vẫn được coi là hoàn thiện nhất.
Chiến lược ghi nhớ (memory-related): sử dụng để ghi nhớ và nhớ lại thông tin mới.
Chiến lược nhận thức (cognitive): sử dụng để sử dụng ngôn ngữ một cách trực tiếp. Thông qua suy luận, phân tích, ghi chú, tóm tắt, tổng hợp, phác thảo, tổ chức lại thông tin.
Chiến lược bù đắp (compensation): sử dụng giúp người học bù đắp những kiến thức còn thiếu.
Chiến lược siêu nhận thức (metacognitive): sử dụng giúp người học kiểm soát toàn bộ quá trình học.
Chiến lược tình cảm (affective strategies): sử dụng giúp người học vượt qua những rào cản, áp lực tâm lý trong quá trình học tập và ứng dụng ngoại ngữ trong đời sống.
Chiến lược xã hội ( social strategies): sử dụng giúp người học hiểu hơn về văn hoá và ngôn ngữ.
Các chiến lược trên đều quan trọng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp cho quá trình tiếp nhận, tích lũy, nhớ lại và sử dụng ngôn ngữ trong tình huống thực tế.
Bài viết này tìm hiểu sâu hơn về chiến lược bù đắp, được coi là một trong những chiến lược cần thiết đối với người học ngôn ngữ thứ hai không phải ngôn ngữ mẹ đẻ. Thêm nữa, bài viết đi sâu hơn vào ứng dụng của chiến thuật này vào kĩ năng đọc trong bài test IELTS. Thực tế, ngay cả những người học ngoại ngữ lâu năm cũng gặp những rào cản về ngôn ngữ. Vì vậy, để đạt được việc đọc hiểu văn bản một cách hiệu quả, người học cần có chiến thuật đề bù đắp lại các thiếu sót về mặt từ vựng và ngữ pháp tại thời điểm giao tiếp thông qua văn bản.
Định nghĩa
Phân loại Compensatory strategy:
Achievement strategies: Dùng mọi phương tiện, nguồn lực có sẵn để hiểu văn bản như: dự đoán có cơ sở, dạng từ, dịch, kiến thức có sẵn, so sánh với ngôn ngữ khác, sử dụng từ đồng nghĩa – trái nghĩa ….
Avoidance strategies: Né tránh lỗ hổng về ngôn ngữ, hoặc dự đoán không có cơ sở về nghĩa của từ.
Các kỹ năng áp dụng khi sử dụng Chiến lược Bù đắp trong đọc
Nhận diện thông tin quan trọng
Việc nhận diện được thông tin quan trọng trong văn bản có tác dụng lớn trong quá trình đọc hiểu hiệu quả (Hiebert, 1984). Người đọc dùng ba phương thức chính để nhận diện các thông tin quan trọng, và loại trừ hoặc đọc lướt qua các thông tin kém phần quan trọng hơn:
Một là, người đọc vận dụng các kiến thức nền. Những người đọc nắm càng nhiều thông tin về chủ đề, càng có khả năng phân biệt được các thông tin quan trọng với thông tin không quan trọng. (Anderson, 1994; Afflerbach, 1985).
Hai là, người đọc tập trung vào các thông tin nổi bật trong văn bản. Các thông tin như địa điểm, tên người, các hành động chính của đối tượng, những tình tiết khác lạ và bất ngờ thường được coi là những thông tin quan trọng và đáng ghi nhớ.
Ba là, người đọc nhận diện thông tin quan trọng của việc tập trung vào các thông tin liên quan đến mục đích đọc của họ. Ví dụ: để chuẩn bị cho một bài kiểm tra, học sinh sẽ chọn lựa các thông tin quan trọng liên quan đến đề cương hoặc phần kiến thức được giáo viên ghi chú.
Các kỹ năng sử dụng khác
Trong quá trình đọc văn bản, hai yếu tố mà người đọc cần nắm được để hiểu nội dung văn bản là từ vựng và ngữ pháp. Nghiên cứu của Anna Ljungberg thực hiện dựa vào mục tiêu tìm ra các kĩ năng được học sinh ứng dụng trong quá trình đọc để bù đắp thiếu hụt trong kiến thức về từ vựng và ngữ pháp.
Cuộc khảo sát thực hiện với 1600 học sinh. Các học sinh được đưa một danh sách các câu chứa các điểm ngữ pháp khác nhau, và một văn bản với mỗi đoạn văn bản chứa ba từ vựng mới. Học sinh được yêu cầu đưa ra các câu trả lời tương ứng để kiểm tra mức độ hiểu văn bản, và nội dung câu chứa ngữ pháp. Những học sinh này sau đó đưa ra đánh giá các chiến lược tiếp cận với những điểm ngữ pháp và những từ mới này.
Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy:
Về ngữ pháp: Chiến lược được sử dụng phổ biến nhất là “sound image” – học sinh đọc to câu văn trong đầu và nhận định câu văn nghe đúng hay sai. Tiếp theo, học sinh áp dụng kiến thức cơ bản, dựa trên các công thức và cấu trúc ngữ pháp đã học để đưa ra đánh giá. Xếp thứ ba là việc học sinh sử dụng chiến lược dự đoán.
Về từ vựng: Khi đọc văn bản và gặp từ không biết nghĩa, học sinh thường sử dụng chiến lược dựa vào ngữ cảnh, sau đó là việc đoán nghĩa của từ, sử dụng kiến thức cơ bản có sẵn, và cuối cùng là sử dụng hình thức của từ.