IELTS Writing Task 2 thường là một thử thách với các thí sinh tham gia kì thi IELTS bởi để hoàn thành bài thi, thí sinh được yêu cầu không chỉ có kiến thức ngôn ngữ mà còn cả vốn hiểu biết xã hội và khả năng tư duy. Thí sinh cần phân tích đề bài, lên ý tưởng, triển khai một bài viết khoảng 250 từ với các luận điểm và dẫn chứng chỉ trong 40 phút. Các cách tư duy hiệu quả có thể giúp thí sinh tối ưu hóa thời gian trong phòng thi và hoàn thiện bài viết với những ý tưởng tốt nhất của bản thân. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tới bạn đọc mô hình tư duy Productive thinking (tạm dịch: Tư duy năng suất) để hỗ trợ người học trong quá trình lên ý tưởng cho bài thi IELTS Writing.
Mô hình tư duy Hiệu quả là gì
Tuy nhiên, bạn đọc cần lưu ý đây là Mô hình Tư duy năng suất là một khung cấu trúc để tìm ra giải pháp cho các vấn đề, không phải một kỹ năng tư duy. Các kỹ năng như brainstorming hay tư duy đa chiều có thể được áp dụng ở các bước khác nhau trong quy trình Tư duy năng suất.
Phương pháp thực hiện
Mô hình Tư duy năng suất của Hurson gồm 6 bước như sau:
Bước 1: Chuyện gì đang xảy ra (What’s going on)?
Đầu tiên, cần hiểu rõ về vấn đề bản thân đang đối mặt. Đây thường là bước quan trọng nhất trong quá trình. Bạn có thể sử dụng các câu hỏi sau để hỗ trợ quá trình xác định vấn đề:
Vấn đề là gì? (What Is the Problem?)
Tạo một danh sách các vấn đề và cơ hội, đánh giá và so sánh để gộp các vấn đề tương tự vào một nhóm và tập trung tìm ra vấn đề cốt lõi cần giải quyết.
Tác động là gì? (What’s the Impact?)
Đào sâu vào vấn đề và xác định những ảnh hưởng của nó.
Thông tin là gì? (What’s the Information?)
Miêu tả chi tiết các khía cạnh của vấn đề. Bạn biết gì về nó? Bạn không biết gì về nó? Có những ai khác đã gặp vấn đề và giải quyết ra sao?…
Người liên quan là ai? (Who’s involved or causing the problem?)
Xác định các bên liên quan trong vấn đề.
Tầm nhìn là gì? (What’s the Vision?)
Xác định những thay đổi nếu vấn đề được giải quyết.
Bước 2: Thành công là gì? (What is Success?)
Trong bước này, cần tập trung xác định thành công là gì khi giải quyết vấn đề để có mục tiêu rõ ràng cho những hành động trong tương lai. Người đọc có thể sử dụng mô hình “DRIVE” mà tác giả Hurson giới thiệu trong cuốn “Think better” để hỗ trợ quá trình xác định mục tiêu:
Do – Bạn muốn giải pháp thực hiện điều gì? (what do you want the solution to do?)
Restrictions – Giải pháp không được phép làm gì? (what must the solution NOT do?)
Investment – Những nguồn lực nào có thể đầu tư vào giải pháp? (what resources can be invested?)
Values – Giá trị mà giải pháp cần hướng tới là gì? (what values must you live by?)
Essential outcomes – Kết quả cần đạt được là gì? (what are the essential outcomes?)
Bước 3: Câu hỏi là gì? (What is the Question?)
Mục đích của bước này là tạo ra các câu hỏi mà nếu trả lời tốt sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề. Để làm được điều này, hãy xem xét và đánh giá lại tất cả các thông tin bạn đã thu thập được ở hai bước đầu tiên, sau đó suy nghĩ về những câu hỏi cần trả lời để đạt được mục tiêu. Người đọc có thể bắt đầu với câu hỏi “Làm thế nào…?” (How?).
Bước 4: Tạo ra câu trả lời? (Generate Answers)
Trong bước này, Cần tạo ra giải pháp cho vấn đề của mình bằng việc lần lượt trả lời những câu hỏi bạn đã đặt ra ở phần trước. Có thể brainstorm nhiều câu trả lời cho một câu hỏi.
Bước 5: Tạo giải pháp (Forge the Solution)
Sau khi có các câu trả lời, cần phát triển ý tưởng của mình thành một giải pháp hoàn chỉnh. Có thể đánh giá chất lượng của các ý tưởng bằng việc so sánh chúng với mục tiêu đã đặt ra ở Bước 2 và chọn ra giải pháp tốt nhất dựa trên các tiêu chí đó.
Bước 6: Sắp xếp nguồn tài nguyên (Align Resources)
Ở bước cuối cùng, cần xác định các nguồn tài nguyên cần thiết để thực hiện ý tưởng của mình. Để làm được điều này, cần hình dung chi tiết và cụ thể từng bước thực hiện giải pháp.
Ưu điểm của mô hình Tư duy năng suất là nó tạo điều kiện sử dụng kỹ năng tư duy sáng tạo và phê phán trong từng giai đoạn của quá trình giải quyết vấn đề. Điều này giúp người sử dụng có một cái nhìn tổng thể và toàn diện hơn cũng như đưa ra được những ý tưởng chất lượng hơn.
Ứng dụng mô hình tư duy Productive thinking trong viết IELTS
Đề bài mẫu
Để người đọc hình dung rõ hơn về cách áp dụng, bài viết sẽ lựa chọn một đề bài trong bài thi IELTS Writing Task 2 và lấy ví dụ về cách tư duy theo mô hình Productive thinking của tác giả Hurson.
The government should spend more money on medical research to protect citizens’ health rather than on protecting the environment. Do you agree or disagree?
(Tạm dịch: Chính phủ nên chi nhiều tiền hơn cho nghiên cứu y tế để bảo vệ sức khỏe của công dân hơn là bảo vệ môi trường. Bạn đồng ý hay không đồng ý?)
Give reasons for your answer and include any relevant examples from your own knowledge or experience.
Write at least 250 words.
Áp dụng mô hình tư duy Productive thinking
Bước 1: Chuyện gì đang xảy ra (What’s going on)?
Ở bước này, người viết cần xác định vấn đề đặt ra ở đề bài là gì.
Vấn đề là gì? (What Is the Problem?)
Vấn đề sử dụng tiền của Chính phủ
Tác động là gì? (What’s the Impact?)
Tác động của vấn đề liên quan đến chất lượng y tế và các hoạt động bảo vệ môi trường của đất nước.
Thông tin là gì? (What’s the Information?)
Trong trường hợp này, đề bài không cung cấp nhiều thông tin trực tiếp về chủ đề. Tuy nhiên, thí sinh có thể dựa vào vốn hiểu biết cá nhân để xác định được các thông tin liên quan đến vấn đề được đề cập đến ở đề bài (y tế và môi trường).
Ví dụ: Y tế hiện nay đang đối mặt với đại dịch Covid-19. Đây là vấn đề nghiêm trọng gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và cần có sự hỗ trợ từ phía chính phủ.
Người liên quan là ai? (Who’s involved or causing the problem?)
Hai đối tượng liên quan trực tiếp đến chủ đề là chính phủ và người dân. Ngoài ra, cụ thể hơn, liên quan đến y tế có thể có các bác sĩ, dược sĩ, nhà nghiên cứu khoa học, bệnh nhân,…
Tầm nhìn là gì? (What’s the Vision?)
Tầm nhìn ở trường hợp này là có những thay đổi, hoàn thiện trong phân phối ngân sách của chính phủ để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bước 2: Thành công là gì? (What is Success?)
Ở bước này, cần xác định các tiêu chí để đánh giá các ý tưởng của cho bài viết.
Do – Bạn muốn ý tưởng thực hiện được điều gì?
Ý tưởng cần trả lời được câu hỏi của đề bài “Chính phủ nên chi nhiều tiền hơn cho nghiên cứu y tế để bảo vệ sức khỏe của công dân hơn là bảo vệ môi trường. Bạn đồng ý hay không đồng ý?”
Restrictions – Ý tưởng không được…
Ý tưởng không được đi xa khỏi trọng tâm của đề và không nên quá khó cho việc triển khai.
Ví dụ: Ý tưởng “Chính phủ nên đầu tư vào giáo dục để tăng trình độ dân trí và giải quyết vấn đề thất nghiệp.” là một ý tưởng không phù hợp vì đã đi xa khỏi trọng tâm của đề là vấn đề y tế và môi trường dù cùng bàn luận về ngân sách của chính phủ.
Investment – Những nguồn lực nào có thể đầu tư vào ý tưởng? (what resources can be invested?)
Nguồn lực có thể đầu tư vào ý tưởng chính là thời gian và suy nghĩ. Thời gian cho một bài viết IELTS Writing Task 2 thường là 40 phút. Thí sinh cần cân nhắc nguồn lực thời gian hạn chế này để có sự phân bố hợp lý. Ví dụ, bài viết có 3 ý tưởng chính cần được triển khai. Như vậy, thời gian hợp lý cho mỗi ý tưởng là không quá 10 phút.
Values – Giá trị mà ý tưởng cần hướng tới là gì?
Giá trị mà ý tưởng cần hướng tới là sự rõ ràng, mạch lạc và tính thuyết phục.
Essential outcomes – Kết quả cần đạt được là gì?
Ý tưởng trả lời trọn vẹn các yêu cầu của đề. Ý tưởng có đủ thời gian để triển khai và được triển khai một cách đầy đủ, hợp lý.
Bước 3: Câu hỏi là gì? (What is the Question?)
Ở bước này, cần đặt các câu hỏi nhằm tìm ra những ý tưởng khả thi cho bài viết. Câu hỏi của đề bài là câu hỏi lớn. Để trả lời câu hỏi đó, người học sẽ cần xem xét nhiều khía cạnh của vấn đề và đặt ra những câu hỏi nhỏ hơn.
Ví dụ: Chính phủ đầu tư nhiều hơn vào y tế mang lại những lợi ích gì? (Y tế có ý nghĩa thế nào với đời sống con người? Mức đầu tư hiện nay của chính phủ đã hợp lý chưa? Y tế đang gặp phải những khó khăn gì?…)
Chính phủ không đầu tư vào các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ có thể có những ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống con người? (Môi trường đóng vai trò gì trong cuộc sống con người? Môi trường đang gặp phải những vấn đề gì cần xử lý? Ai là người có trách nhiệm bảo vệ môi trường?…)
Bước 4: Tạo ra câu trả lời? (Generate Answers)
Trong bước này, người học tìm ra các ý tưởng cho bài viết của mình bằng việc trả lời các câu hỏi ở phần trên. Bạn có thể brainstorm nhiều câu hỏi cho một câu hỏi.
Ví dụ: Để trả lời cho câu hỏi “Môi trường đóng vai trò gì trong cuộc sống con người?”, có thể đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau như:
“Môi trường là không gian sống của con người.”
“Môi trường cung cấp các nguồn tài nguyên.”
“Môi trường lưu trữ lịch sử phát triển của loài người.”
Bước 5: Tạo giải pháp (Forge the Solution)
Sau khi có các câu trả lời, cần đánh giá các ý tưởng dựa trên các tiêu chí đã đề ra ở Bước 2 và chọn ra những ý tưởng phù hợp nhất để triển khai. Với các đề bài Writing Task 2, người viết thường lựa chọn 2-3 ý tưởng lớn làm các luận điểm chính và với mỗi ý tưởng này sẽ có 1-2 ý tưởng nhỏ để giải thích và chứng minh.
Ví dụ: Với đề bài đã cho, ý tưởng “Chính phủ không nên cắt giảm đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường vì sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống con người.” có thể là một luận điểm chính. Để chứng minh cho luận điểm này, ta sử dụng câu trả lời cho các câu hỏi nhỏ như ví dụ ở bước 4, câu trả lời về vai trò quan trọng của môi trường: “Môi trường là không gian sống của con người.”
Bước 6: Sắp xếp nguồn tài nguyên (Align Resources)
Ở bước kế tiếp, cần xác định các nguồn tài nguyên cần thiết để thực hiện ý tưởng của mình. Cụ thể, nguồn tài nguyên ở đây chính là từ vựng và ngữ pháp để triển khai các ý tưởng thành bài viết. Đây là bước quan trọng trong quá trình áp dụng mô hình tư duy Productive thinking vào viết IELTS vì sử dụng không hiệu quả nguồn tài nguyên có thể ảnh hưởng đến việc trình bày ý tưởng và làm giảm giá trị của chúng.
Đánh giá
Sử dụng Productive thinking trong viết IELTS giúp thí sinh tổ chức vấn đề một cách hiệu quả hơn, đồng thời có thể áp dụng các kỹ năng tư duy để phân tích kỹ lưỡng và sâu sắc các khía cạnh của vấn đề, từ đó đưa ra những ý tưởng sáng tạo và chất lượng. Mô hình Productive thinking cũng có thể được áp dụng linh hoạt trong nhiều loại bài viết khác nhau.
Tuy nhiên, việc tư duy theo mô hình của tác giả Hurson, với nhiều bước nhỏ và chi tiết, có thể tốn nhiều thời gian của thí sinh trong phòng thi nếu họ chưa quen với cấu trúc của mô hình. Do đó, lời khuyên dành cho độc giả muốn áp dụng mô hình Productive thinking trong viết IELTS là dành thời gian luyện tập để các bước tư duy trở nên tự nhiên và có thể thực hiện một cách trơn tru trong thời gian ngắn nhất có thể.