Trên thực tế, phụ đề tiếng Anh có tác dụng rất tích cực nếu người học có thể sử dụng phụ đề đúng cách. Bài viết này sẽ giới thiệu về những tác động của phụ đề tiếng Anh đối với việc tiếp thu từ mới và cải thiện kĩ năng nghe hiểu, và cách áp dụng phụ đề vào việc học tiếng Anh một cách hiệu quả
Key Takeaways
Phụ đề tiếng Anh giúp cải thiện vốn từ vựng, và kĩ năng đọc hiểu thông qua việc rèn luyện theo dõi câu chữ cùng lúc với tốc độ nói thật.
Phụ đề tiếng Anh không chỉ giúp nhận diện từng từ riêng lẻ mà còn giúp nhận diện âm. Người sử dụng phụ đề tiếng Anh có thể nhận diện được từ đã từng gặp và cả từ mới có chứa cùng âm với từ đã từng gặp.
Phụ đề tiếng bản ngữ chỉ có thể giúp nhận diện từ riêng lẻ chứ không có tác dụng trong việc nhận diện từ mới.
Phụ đề tiếng bản ngữ hạn chế việc hiểu từ theo một nghĩa duy nhất, dẫn tới không nhận diện được từ đó khi được dùng với nghĩa khác hoặc ngữ cảnh khácNgười học nên sử dụng phụ đề tiếng Anh khi cần có sự hỗ trợ để hiểu được nội dung; và hướng đến mục tiêu dần dần bỏ phụ đề khi có thể hiểu phần lớn nội dung chỉ bằng việc nghe.
Trong khi xem và theo dõi phụ đề tiếng Anh, nên áp dụng kèm các phương pháp như ghi chép lại từ mới và shadowing (nói nhại)
Tại sao lại cần sử dụng phụ đề tiếng Anh?
Nâng cao vốn từ và kỹ năng đọc hiểu
Lợi ích dễ thấy nhất của phụ đề tiếng Anh là việc người học sẽ học được chính xác cách viết và cách chia của các từ và cấu trúc ngữ pháp mới. Ngôn ngữ được sử dụng trong phim ảnh và các chương trình truyền hình thường là ngôn ngữ phổ thông, có tần suất sử dụng lớn trong đời thực. Điều này có nghĩa người học có thể bổ sung cho mình một lượng từ lớn để áp dụng trong cả các bài thi và trong tình huống thực.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của hình ảnh và âm thanh, người học sẽ nắm được rõ hơn ngữ cảnh thích hợp để vận dụng những từ và cấu trúc đó.
Cuối cùng, xem phim với phụ đề cũng chính là một môi trường luyện tập kĩ năng đọc hiểu, bởi người học sẽ cần vừa theo dõi phụ đề vừa cần xử lý thông tin với tốc độ bằng tốc độ hội thoại của các nhân vật. Thói quen này sẽ giúp cải thiện tốc độ đọc và người học xử lý các văn bản tốt hơn.
Tăng cường khả năng nhận diện âm và nghe hiểu
Một lợi ích lớn hơn cả việc học từ mới ở cấp độ chính tả là nhận diện được từ đó ở cấp độ âm.
Khi xem phim và TV cùng với phụ đề tiếng Anh, người học có thể “ghép” được âm thanh với mặt chữ của từ. Điều này là yếu tố quan trọng giúp người học làm quen với các cách viết phổ biến của từng âm và nắm bắt các quy tắc phát âm. Ngoài ra, dựa vào mặt chữ, người học cũng sẽ dễ nhận diện được âm thanh bắt đầu và âm thanh kết thúc của một từ. Như vậy, trong những bài nghe tiếp theo, khi gặp lại đúng từ đó, người học sẽ dễ dàng phân tách được chúng với các từ khác.
Nhưng lợi ích của phụ đề không chỉ dừng lại ở việc nghe hiểu từng từ cụ thể. Khi đã nhận diện được từng âm riêng biệt trong một từ, người học có thể nhận diện từ mới nhanh chóng hơn. Một nghiên cứu của viện Max Planck và đại học Radboud chỉ ra rằng sau khi sử dụng tiếng Anh, người học không chỉ có thể ghi nhớ từ đã xuất hiện trong bài nghe mà còn cải thiện khả năng nghe hiểu các từ mới, chưa từng nghe trước đó, nhưng có chứa cùng âm với từ đã từng được nghe.
Cuối cùng, phụ đề giúp người học làm quen với những accent tiếng Anh khác nhau, do dù một từ được phát âm theo nhiều ngữ điệu và nhiều cách biến âm khác nhau, mặt chữ thể hiện trên phụ đề của từ đó không thay đổi. Khi được tiếp xúc đủ nhiều, người học có thể nhận diện được từ ở nhiều accent đa dạng.
Tất cả những điều trên đều góp phần làm tăng tốc độ nhận diện từ, qua đó tăng khả năng nghe hiểu
Lợi ích của phụ đề tiếng Anh so với phụ đề tiếng bản ngữ
Bất lợi lớn nhất của phụ đề tiếng Việt đó là người học sẽ không thể “ghép” âm với mặt chữ như khi xem phụ đề tiếng Anh. Điều này có nghĩa người học sẽ không thể tiếp thu kiến thức ở cấp độ âm để có thể áp dụng vào các tài liệu mới. Trong cùng nghiên cứu, các nhà khoa học tại Max Planck và Radboud đã chứng minh rằng những người sử dụng phụ đề tiếng bản ngữ có cùng khả năng nhận diện từ đã từng được nghe như những người sử dụng phụ đề tiếng Anh, nhưng khả năng nhận diện từ hoàn toàn mới có cùng âm lại kém hơn nhiều.
Một bất lợi khác là khi ghép một từ tiếng Anh với một từ bản ngữ xuất hiện trên phụ đề, người học sẽ lưu trữ từ đó dưới dạng một từ - một nghĩa. Nếu trong một bài nghe mới từ này được dùng với nghĩa khác, hoặc có sắc thái nghĩa thay đổi vì được dùng trong ngữ cảnh khác, người học sẽ khó có thể nhận diện được.
Vì các lí do trên, người học không nên sử dụng phụ đề tiếng bản ngữ nếu có mục đích xem để rèn luyện. Thay vào đó, cần có những cách vận dụng phụ đề tiếng Anh hiệu quả hơn.
Cách sử dụng phụ đề tiếng Anh để học tiếng Anh
Khi nào cần sử dụng phụ đề tiếng Anh?
Các bộ phim, chương trình truyền hình,... sử dụng ngôn ngữ với độ phức tạp khác nhau, vì vậy không nhất thiết phải dùng phụ đề với mọi bài nghe. Người học nên dùng phụ đề khi:
Không theo dõi được nội dung nếu không có phụ đề
Không nắm bắt được điểm bắt đầu và điểm kết thúc của các từ trong bộ phim/chương trình đó
Có thể nghe hiểu được từ nhưng giọng điệu/accent của người nói khiến người học cần thời gian để xử lý thông tin, dẫn tới việc khó theo kịp nội dung
Sử dụng phụ đề tiếng Anh khi nghe
Ghi chép từ và cấu trúc mới
Người học có thể sử dụng nút pause để ghi chép lại các từ và cấu trúc mới mà mình gặp trong lúc xem. Không chỉ ghi chép, hãy đọc và phân tích kĩ về các cấu trúc để nắm được các đặc điểm về cách sử dụng của từ và cấu trúc đó (chẳng hạn như động từ thuộc nhóm đặc biệt hay có quy luật, thì của động từ được chia, giới từ hay trạng từ đi kèm, vv…)
Ngoài ra, người học cũng có thể ghi chép các thông tin về ngữ cảnh mà từ và cấu trúc được sử dụng để có thể vận dụng đúng cách.
Áp dụng kỹ thuật Shadowing
Người học có thể xây dựng thói quen bắt chước theo các câu nói, cụm từ trong các phim, chương trình mà mình xem. Phụ đề sẽ giúp người học nói theo chuẩn xác và đầy đủ hơn. Càng theo dõi nhiều, người học sẽ càng dễ dàng bắt gặp những từ/cụm từ phổ biến để nói theo. Dần dần, các từ, câu này có thể trở thành phản xạ mà người học có thể áp dụng một cách nhuần nhuyễn trong tình huống thực.
Hiện nay, với sự xuất hiện của Closed Caption, phụ đề không chỉ bao gồm câu chữ nữa mà còn có cả những thông tin về ngữ cảnh (như thái độ, giọng điệu của người nói). Người học có thể tận dụng cả những thông tin này để bắt chước một cách chính xác nhất, để khiến câu nói của mình trở nên tự nhiên hơn.
Giảm dần tần suất sử dụng phụ đề
Mặc dù phụ đề tiếng Anh là một công cụ rất hữu ích, mục tiêu sau cùng của người học vẫn là có thể phát triển kĩ năng nhận diện từ và nghe hiểu đến trình độ có thể nghe mà không cần phụ đề. Sau khi đã thấy được sự cải thiện, người học có thể dần dần bớt phụ thuộc vào việc sử dụng phụ đề.
Trong giai đoạn sử dụng phụ đề tiếng Anh, người học không nên quá sa đà vào việc đọc chữ. Việc đọc cần được thực hiện phối hợp với việc nghe âm thanh để đạt được hiệu quả lớn nhất. Nếu người học tạm dừng một bộ phim/chương trình đang xem và thấy mình không nhớ được cách phát âm của từ tương ứng trên phụ đề, hãy xem lại đoạn đó và tập trung cân đối giữa việc đọc và nghe.
Dần dần, người học có thể tập trung nhiều hơn vào việc nghe; và chỉ nhìn vào phụ đề khi không thể “ghép” âm mình nghe được với một chuỗi chữ cái nhất định.
Cuối cùng, hãy tiến dần tới việc xem mà không bật phụ đề, nếu người học thấy:
Có thể hiểu được khoảng 90% mà không cần đọc phụ đề
Có thể theo được nội dung và thấy nội dung thú vị mà không cần phụ đề
Có thể đoán được các từ không nghe rõ dựa vào ngữ cảnh
Cảm thấy đã tiến bộ và muốn tìm những phương pháp luyện tập thử thách hơn.
Đương nhiên, độ khó của mỗi bộ phim/chương trình là khác nhau, vì vậy người học có thể bỏ phụ đề với những chương trình mình đã nghe hiểu được và vẫn tiếp tục dùng phụ đề với những tài liệu nghe khó hơn.
Giới thiệu tài liệu nghe theo trình độ
Đối với người mới bắt đầu
Với những người bắt đầu học tiếng Anh, điều quan trọng là chọn những tài liệu nghe có độ khó vừa phải, với lượng cấu trúc và từ vựng đơn giản. Ở trình độ này, có rất ít tài liệu tự nhiên có thể đáp ứng các tiêu chí này, vì vậy người học có thể tìm đến những tài liệu từ các kênh giáo dục, với thời lượng ngắn, và nội dung được thiết kế riêng cho người học ở trình độ bắt đầu.
Đối với người ở trình độ trung cấp
Các gameshow, phim ảnh hoặc chương trình truyền hình thực tế thường sử dụng nhiều ngôn ngữ đời thường, với tốc độ nhanh và nhiều kiểu accent khác nhau. Sẽ dễ dàng hơn nếu người học bắt đầu với những chương trình được thiết kế kĩ càng hơn về ngôn ngữ, chẳng hạn như phim tài liệu hay những chương trình phỏng vấn, talk show không mang tính giải trí.
Cho người ở trình độ cao cấp
Một lưu ý nhỏ đó là các bộ phim có bối cảnh thực, hiện đại sẽ sử dụng ngôn ngữ gần với đời sống thực hơn các bộ phim lịch sử hay thần thoại - viễn tưởng.
Bài tập vận dụng
Phụ đề tiếng bản ngữ | Phụ đề tiếng Anh | |
Nhận diện từ cũ | ||
Nhận diện từ mới | ||
Hiểu nghĩa từ cũ | ||
Hiểu nghĩa từ trong ngữ cảnh mới | ||
Nhận diện cấu trúc ngữ pháp (cụm từ, thành ngữ, vv…) |
Đáp án
Phụ đề tiếng bản ngữ | Phụ đề tiếng Anh | |
Nhận diện từ cũ | Có | Có |
Nhận diện từ mới | Không | Có |
Hiểu nghĩa từ cũ | Có | Có |
Hiểu nghĩa từ trong ngữ cảnh mới | Không | Có |
Nhận diện cấu trúc ngữ pháp (cụm từ, thành ngữ, vv…) | Không | Có |