1. Một số thông tin cơ bản về bệnh viêm xoang
Trước khi trả lời câu hỏi nên hay không nên dùng tinh dầu xông mũi trị viêm xoang, hãy cùng tìm hiểu đôi nét về bệnh.
Viêm xoang hay được gọi chung là viêm mũi xoang, bệnh có nguyên nhân do vi khuẩn hoặc một vài tác nhân khác gây ra khi chúng xâm nhập vào lớp niêm mạc ở các xoang. Điều này khiến cho lớp này bị phù nề, tăng tiết nhầy, dẫn tới tắc nghẽn các xoang.
Các xoang tắc nghẽn có thể gây nên nhiều khó chịu, bất tiện
Tùy vào thời gian mắc mà bệnh được chia thành hai loại: cấp tính và mạn tính. Trong đó, cấp tính là dạng bệnh diễn tiến, tự khỏi trong khoảng dưới 4 tuần còn mạn tính là dai dẳng hơn 3 tháng mà không khỏi. Tuy nhiên, từ cấp tính chuyển sang mạn tính sẽ rất dễ dàng nếu không được phát hiện, chú ý điều trị.
Những triệu chứng cũng như bất tiện mà người mắc bệnh này gặp phải có thể kể ra như:
- Vùng trán, thái dương, gò má, hốc mắt đau nhức, đặc biệt là những lúc cúi đầu xuống phía trước.
- Ho dai dẳng, ho kéo dài, nhất là thời điểm ban đêm.
- Dịch ở mũi chảy xuống họng hoặc chảy ra bên ngoài nhiều, dịch có thể vàng hoặc xanh, nặng hơn có thể kèm mủ và hôi.
- Nghẹt, tắc một hoặc cả hai bên mũi, thường xuyên ngứa mũi, hắt hơi,
- Hơi thở mùi hôi, có thể kèm theo đau hàm trên.
- Có thể sốt.
- Khứu giác suy giảm, có thể khiến việc ngửi trở nên khó khăn, thậm chí là không thể ngửi được.
2. Nguyên nhân gây nên bệnh
Một số nguyên nhân sau đây được xem là dẫn tới việc mắc bệnh:
- Nấm, vi khuẩn, virus: khi chúng tấn công vào các xoang gây tổn thương tế bào lông, niêm mạc xoang. Từ đó, chất nhầy ứ đọng lại ở bên trong làm cho không khí không lưu thông được và dẫn tới viêm nhiễm.
- Dị ứng: Những người có cơ địa dị ứng với một số dị nguyên, chẳng hạn như: phấn hoa, thời tiết, khói bụi, hóa chất, lông chó mèo,... có thể gặp tình trạng phù nề niêm mạc mũi gây tắc. Từ đó, các chất nhầy đọng lại, dẫn tới viêm xoang.
- Đề kháng kém: Tạo điều kiện cho các tác nhân có hại bên ngoài xâm nhập và khiến niêm mạc hô hấp suy yếu, dẫn tới viêm xoang.
- Vệ sinh kém: Là một trong những cơ quan thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường bên ngoài, lại có cấu trúc khá phức tạp, mũi rất dễ bị bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập. Khi chúng ta vệ sinh không tốt, những chất bẩn, tác nhân này sẽ bị tích tụ lại gây nên nhiều nguy cơ, trong đó có viêm xoang.
- Chấn thương: Tại vùng mũi khiến bầm, tụ máu, bít tắc,... Điều này cũng có thể dẫn tới viêm xoang.
- Bơi, lặn hoặc thường xuyên để mũi tiếp xúc với nước có clo: Clo có thể là nguyên nhân khiến cho khoang mũi của bạn bị sưng tấy và viêm nhiễm, gây nguy cơ viêm xoang.
Các tác nhân gây dị ứng có thể khiến mũi bị yếu đi
3. Có nên sử dụng tinh dầu xông mũi để trị viêm xoang?
Dùng tinh dầu xông mũi có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng của viêm xoang như nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đớn ở vùng mặt, trán, mũi, đau đầu,... và mang lại cảm giác thoải mái.
Khi xông hơi, tinh dầu giúp cung cấp độ ẩm cho mũi và làm cho việc lưu thông không khí trở nên tốt hơn, từ đó giúp giảm nhẹ triệu chứng khó chịu.
Hơi nước từ xông hơi tác động trực tiếp lên mũi, giúp mũi thông thoáng tức thì. Xông hơi cũng ít gây ra tác dụng phụ so với việc sử dụng thuốc.
Vì những lý do trên, việc sử dụng tinh dầu xông mũi để hỗ trợ trị viêm xoang là một phương pháp mà bạn có thể cân nhắc thực hiện. Các loại tinh dầu thường được sử dụng bao gồm: tinh dầu bạc hà, tràm trà, bạch đàn, đinh hương, chanh, tía tô, kinh giới, sả,...
Chúng tốt cho đường hô hấp, sát khuẩn, làm thông thoáng mũi, giảm đờm, giúp cơ thể và tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng, thư giãn.
Để xông, bạn có thể làm như sau:
- Nấu nước sôi, nguội bớt, thêm vài giọt tinh dầu. Nếu dùng lá thay cho tinh dầu, rửa sạch và đun sôi trong nước.
- Xông nên hít chậm bằng mũi, thở ra bằng miệng, không quá 15 phút.
- Hoặc đập mấy tép tỏi, cho vào cốc nước nóng, thêm tinh dầu, dùng giấy cuộn thành hình phễu để xông.
Xông giúp sát khuẩn mũi họng
4. Khi sử dụng tinh dầu xông mũi, bạn cần chú ý điều gì?
Mặc dù không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như thuốc, nhưng khi sử dụng tinh dầu xông mũi, bạn cần chú ý:
- Chọn tinh dầu có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn và không chứa tạp chất.
- Tinh dầu xông mũi chỉ là biện pháp hỗ trợ, không phải phương pháp chữa trị, không thể sử dụng thay thế cho việc điều trị bệnh.
- Giữ khoảng cách khi xông để tránh bỏng hoặc kích ứng da.
- Người dễ mẫn cảm, phụ nữ mang thai và trẻ em không nên tự ý sử dụng tinh dầu xông mũi.
- Bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh, bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật.
- Nếu có dấu hiệu bất thường khi xông, cần dừng lại và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Bạn cần được khám, kiểm tra để chữa trị căn bệnh một cách hiệu quả
Xông tinh dầu có thể giúp giảm tạm thời cảm giác khó chịu do các triệu chứng gây ra. Tuy nhiên, để khỏi bệnh cần thăm khám, kiểm tra và điều trị phù hợp. Khi nghi ngờ viêm xoang, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám.