Với nền tảng thương mại điện tử mới này, người dùng có thể mua sắm trên Youtube qua liên kết đến trang Shopee thuộc công ty mẹ Sea.
Theo hãng tin Reuters, Youtube và Shopee vừa công bố hợp tác phát triển nền tảng thương mại điện tử mang tên Youtube Shopping tại Indonesia, với kế hoạch mở rộng ra toàn Đông Nam Á để cạnh tranh với các đối thủ như TikTok Shop.
Người dùng sẽ có thể thực hiện mua hàng trên Youtube thông qua liên kết dẫn đến trang Shopee của công ty mẹ Sea với nền tảng TMĐT mới này.
Các lãnh đạo cho biết họ sẽ mở rộng nền tảng này sang Thái Lan và Việt Nam trong thời gian tới. Hiện tại, Youtube Shopping đã hoạt động tại Hàn Quốc và Mỹ.
Kể từ đầu tháng 9/2024, Youtube đã giới thiệu tính năng 'Shopping on Youtube' tại Việt Nam, cho phép các nhà sáng tạo nội dung chèn liên kết sản phẩm từ Shopee vào video, tương tự như tính năng giỏ hàng trên TikTok.
Ngoài ra, các kênh Youtube của nhà sáng tạo nội dung sẽ có thêm mục 'Cửa hàng' để người xem dễ dàng tìm kiếm sản phẩm.
Đối đầu với TikTok
Trở lại Indonesia, ông Ajay Vidyasagar, Giám đốc Youtube khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cho biết sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến tại đây là một trong những lý do chính cho việc ra mắt này.
Theo Reuters, sự xuất hiện của Youtube Shopping đánh dấu bước hợp tác giữa Alphabet (Google) và Shopee nhằm đối phó với TikTok Shop của ByteDance, đặc biệt sau khi công ty Trung Quốc này mua lại Tokopedia, sàn thương mại điện tử lớn nhất Indonesia.
Khi được hỏi về quy mô dự án, ông Vidyasagar cho biết sự hợp tác này có quy mô lớn nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin. Ông cũng cho biết Youtube Shopping sẽ mở rộng hợp tác với các đối tác khác ngoài Shopee theo từng giai đoạn.
Nếu điều này trở thành hiện thực, Youtube Shopping sẽ kết nối các đối thủ của TikTok Shop để cùng nhau cạnh tranh với ông lớn từ Trung Quốc.
Năm 2023, TikTok Shop đạt tổng giá trị hàng hóa gộp (GMV) 16,3 tỷ USD tại Đông Nam Á, tăng gần gấp 4 lần so với năm trước, giúp nền tảng này trở thành chợ TMĐT lớn thứ hai trong khu vực sau Shopee.
Theo hãng tin Reuters, Đông Nam Á với gần 700 triệu người là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất thế giới.
Dữ liệu từ Momentum Works cho thấy 8 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á đã đạt tổng giá trị hàng hóa gộp (GMV) 114,6 tỷ USD trong năm 2023, tăng 15% so với năm 2022.
*Nguồn: Reuters