Hiện nay, các thay đổi về nhân khẩu học, cấu trúc gia đình, lối sống và xu hướng di cư đang ngày càng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các thế hệ trên toàn cầu. Toàn cầu hóa và di cư khiến giới trẻ xa rời gia đình vì học tập hoặc công việc, dẫn đến sự giảm kết nối trong mối quan hệ gia đình và giữa các thế hệ.
Mối quan hệ giữa các thế hệ là một phần quan trọng của mỗi xã hội và có ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của cả người già và người trẻ. Dù khác biệt, các thế hệ chia sẻ kiến thức, chuẩn mực văn hóa, truyền thống, cũng như quan tâm, hỗ trợ và chia sẻ nguồn lực với nhau. Tuy nhiên, họ cũng phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ thế hệ trẻ trong thời gian dài hơn.
Hiểu biết về tầm quan trọng của hội nhập xã hội và sự đoàn kết giữa các thế hệ ngày càng tăng, xuất phát từ sự phụ thuộc lẫn nhau suốt cuộc đời. Nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường mối quan hệ gia đình và củng cố tình đoàn kết giữa các thế hệ trong những năm qua.
Theo thống kê và nghiên cứu, trong thời hiện đại, tuổi thọ tăng cao và mức sinh giảm, thế giới đang già hóa nhanh chóng. Số người trên 60 tuổi dự kiến sẽ tăng 50% vào năm 2050 ở các nước phát triển và gấp ba lần ở các nước đang phát triển. Tuổi thọ toàn cầu dự kiến tăng lên 75 tuổi. Tỷ lệ người cao tuổi so với người trẻ tăng lên đáng kể, đòi hỏi cách tiếp cận mới trong lực lượng lao động và các mối quan hệ kinh tế xã hội giữa các thế hệ. Dự báo đến năm 2047, số người cao tuổi sẽ vượt quá số trẻ em lần đầu tiên và đến năm 2050, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ nhiều hơn số thanh thiếu niên từ 10-24 tuổi (2,1 tỷ so với 2,0 tỷ). Đây là lý do tại sao cần tạo ra mối liên hệ mới giữa các thế hệ để phản ánh sự điều chỉnh của xã hội đang già đi, đảm bảo phân phối và chia sẻ nguồn lực bình đẳng giữa thanh niên và người cao tuổi trong tương lai.
Những thay đổi về nhân khẩu học và những thách thức đối với hệ thống bảo trợ xã hội hiện nay chưa rõ ràng và thực thi nghiêm ngặt, đặc biệt là về lương thưởng và phúc lợi, có thể làm cho tương lai của giới trẻ trở nên bấp bênh. Thêm vào đó, tình trạng thất nghiệp gia tăng, thiếu nhà ở, và không đủ điều kiện để độc lập có thể khiến giới trẻ phải dựa dẫm vào cha mẹ lâu hơn.
Điều này vẫn phổ biến ở nhiều nơi tại Việt Nam và trên thế giới, nơi các gia đình đa thế hệ hỗ trợ và dựa dẫm lẫn nhau, đặc biệt ở khu vực đô thị. Gia đình ngày càng nhỏ lại, người trẻ trì hoãn kết hôn, sinh ít con và ly hôn nhiều hơn. Ở nông thôn, việc thanh niên di cư lên thành phố lớn khiến mô hình xã hội hóa giữa các thế hệ bị gián đoạn, họ bỏ lỡ cơ hội nhận kiến thức và sự hướng dẫn từ người lớn tuổi. Những xu hướng này đặt ra yêu cầu mới cho các thành viên trong gia đình, thử thách mối quan hệ truyền thống giữa ông bà, cha mẹ và con cái.
Xã hội hiện đại cần cách tiếp cận mới để thúc đẩy bình đẳng và trao đổi hiệu quả giữa các thế hệ, bao gồm việc tham gia đầy đủ vào các chương trình giảm nghèo, tạo việc làm và hòa nhập xã hội. Các thành viên lớn tuổi có thể coi trọng ý kiến, công bằng và quyền lựa chọn của người trẻ, tôn trọng công việc và lòng nhiệt thành của họ. Đồng thời, người trẻ có thể lắng nghe ý kiến và lời khuyên từ những người đi trước. Công bằng giữa các thế hệ là nền tảng của phát triển bền vững, bao gồm vai trò của đạo đức và thái độ trong thay đổi lối sống và hành vi của các thế hệ. Ví dụ, một gia đình kinh doanh ngành dầu khí, thế hệ cũ tập trung vào kỹ thuật khai thác mới, trong khi thế hệ trẻ tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế hoặc lo ngại về tác động môi trường. Để công việc và mối quan hệ gia đình phát triển, cần phát triển tầm nhìn chung được chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau.
Ngoài gia đình, tại nơi làm việc và trong xã hội, báo chí và nghiên cứu học thuật thường cho rằng sự khác biệt giữa các thế hệ là nguồn gốc của xung đột. Tuy nhiên, cần xem xét bản chất, nguyên nhân và phản ứng của xung đột dựa trên kinh nghiệm. Các yếu tố cơ bản như khoảng cách tuổi tác, sự khác biệt nhận thức và quyết định định hướng thành tích, hình ảnh, cùng với yếu tố ngữ cảnh xã hội và công việc đều đóng vai trò quan trọng.
Thế hệ cũ cần chấp nhận rằng trong bất kỳ tổ chức nào, có lúc các hoạt động cần được nâng cấp và thay đổi. Thế hệ trẻ cần nhận ra rằng, dù thực hành có thể thay đổi, một số nguyên tắc cơ bản cần được bảo tồn. Cần tôn trọng cả nguyên tắc mà thế hệ cũ trân quý và sự đổi mới mà thế hệ trẻ mang lại. Khi có tầm nhìn chung, việc tích cực nỗ lực sẽ giúp chuyển giao kiến thức giữa các thế hệ. Thế hệ cũ không thể mãi dẫn đầu, do đó, sự tiến bộ đòi hỏi thế hệ trẻ phải chấp nhận trách nhiệm lớn hơn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc phát triển tầm nhìn chung, chuyển giao kiến thức và các nhiệm vụ liên thế hệ như kế hoạch kế thừa và di sản không hề dễ dàng. Xây dựng sự hiểu biết, tôn trọng và tự hào giữa các thế hệ để tăng cường mối liên kết là một thách thức lớn.
Tác giả: Ngô Trần Phương Uyên