1. Khái niệm thiếu hụt dinh dưỡng là gì?
Thiếu hụt dinh dưỡng xảy ra khi cơ thể không nhận được đủ lượng dưỡng chất cần thiết. Những dưỡng chất đó bao gồm calo, protein, khoáng chất và các loại vitamin. Những người mắc phải tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng thường có vóc dáng nhỏ nhắn, nhẹ cân hơn so với người khác cùng giới, cùng tuổi dựa trên tiêu chuẩn trung bình.
Tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm điều kiện y tế, kinh tế và các vấn đề liên quan đến môi trường. Dựa trên ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 150 triệu trẻ em và 460 triệu người trưởng thành đang mắc phải tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng. Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng có thể là do:
-
Mất an ninh lương thực, giá cả thực phẩm quá đắt đỏ: thường xuất hiện ở các quốc gia kém phát triển, điều kiện kinh tế khó khăn, nạn đói kéo dài, chiến tranh,... khiến người dân không có đủ lương thực để tiếp tục cuộc sống;
-
Khả năng hấp thu dưỡng chất kém, gặp phải các vấn đề về tiêu hóa: ví dụ như mắc các bệnh như bệnh Celiac, bệnh Crohn, hại khuẩn phát triển lấn át lợi khuẩn trong đường ruột, bị bệnh về dạ dày, tiêu hóa thức ăn kém, giun sán phát triển,... góp phần dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng;
-
Rối loạn sức khỏe tâm thần: bệnh thần kinh, trầm cảm,... cũng ảnh hưởng đến vấn đề ăn uống của người bệnh;
-
Lạm dụng rượu, chất kích thích: việc hấp thụ calo, protein và các dưỡng chất khác sẽ bị cản trở bởi rượu khi cơ thể dung nạp quá nhiều loại đồ uống này;
-
Đối với trẻ em, suy dinh dưỡng có thể là do trẻ không được ăn đủ sữa mẹ, sức đề kháng yếu, dùng nhiều thuốc kháng sinh, mắc các bệnh lý đường ruột, hệ hô hấp, biếng ăn tâm lý lâu ngày,...
Khi một người thường xuyên bị thiếu hụt dưỡng chất quan trọng thì sẽ gặp tình trạng suy dinh dưỡng
2. Biểu hiện của suy dinh dưỡng là gì?
Bệnh nhân suy dinh dưỡng có thể thuộc các dạng suy dinh dưỡng như: thể phù (Kwashiorkor) khi cơ thể thiếu chất protein gây sưng bụng do tích nước. Ngoài ra còn có thể là teo đét (Marasmus), bắt nguồn từ thiếu hụt calo nghiêm trọng khiến cơ thể trở nên gầy còm, teo mỡ và teo cơ.
Tổng quan, khi cơ thể trải qua biến đổi do tác động của suy dinh dưỡng sẽ gây ra các dấu hiệu sau:
-
Giảm cân, lượng mỡ và cơ bắp giảm đi theo;
-
Da, tóc trở nên khô;
-
Mắt sưng húp, má nhăn nheo;
-
Cảm thấy mệt mỏi, thiếu động lực;
-
Dễ cáu kỉnh, tâm trạng thất thường, khó tập trung, lo lắng, thậm chí là trầm cảm;
-
Vết thương không lành;
-
Lớp mỡ dưới da mất dần, cơ bắp trở nên lỏng lẻo;
-
Hệ miễn dịch suy giảm, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng;
-
Chức năng sinh dục và sinh sản giảm sút.
-
Đối với những trường hợp suy dinh dưỡng nặng, bệnh nhân còn phải đối mặt với các triệu chứng như: da khô mất đàn hồi, lớp mỡ dưới da teo như tan biến, gương mặt hốc hác, tóc rụng mạnh, dễ mắc các vấn đề về gan, tim, hô hấp. Nếu bệnh nhân kiêng ăn liên tục trong nhiều ngày thì nguy cơ tử vong là rất cao.
Thiếu hụt vi chất gây ra suy dinh dưỡng cũng làm cho bệnh nhân thể hiện các biểu hiện khác nhau, cụ thể là:
-
Thiếu vitamin A: gây ra bệnh quáng gà, khô mắt, suy giảm thị lực và dễ bị nhiễm trùng;
-
Thiếu kẽm: gây ra còi xương, mất cảm giác ngon miệng, tóc rụng, vết thương chậm lành, có thể gây tiêu chảy;
-
Thiếu sắt: gây ra thiếu máu, ảnh hưởng đến hoạt động của não, gây rối loạn thân nhiệt và tăng nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày;
-
Thiếu iot: làm giảm khả năng sản xuất hormone tuyến giáp, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và tăng trưởng của cơ thể.
Nếu tình trạng suy dinh dưỡng tiếp tục không được cải thiện, sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
Biếng ăn không chỉ là nguyên nhân mà cũng là hậu quả của suy dinh dưỡng
3. Các phương pháp hỗ trợ điều trị suy dinh dưỡng
Mục tiêu của việc điều trị suy dinh dưỡng là tập trung vào giải quyết nguyên nhân và xử lý triệu chứng. Để bệnh nhân hồi phục và được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, các bác sĩ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị phù hợp nhất, bao gồm:
-
Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh: người mắc suy dinh dưỡng cần nhận đủ năng lượng hàng ngày cùng với các loại vitamin, khoáng chất, lipid, protein, và carbohydrate. Nếu việc ăn uống thông thường gặp khó khăn, có thể sử dụng thêm thuốc hoặc thực phẩm bổ sung;
-
Đối với những người mắc suy dinh dưỡng nặng, việc ăn qua đường miệng gặp khó khăn, có thể áp dụng ống dẫn dạ dày hoặc cung cấp dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch;
-
Đánh giá và theo dõi tiến triển bệnh: bệnh nhân cần được đánh giá và theo dõi các chỉ số cơ thể để đảm bảo việc điều trị hiệu quả. Thông qua việc này, sẽ giúp xác định chế độ ăn uống phù hợp, chọn thời điểm chuyển từ chế độ ăn nhân tạo sang ăn tự nhiên, đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi và giảm bớt gánh nặng chăm sóc y tế đặc biệt cho bệnh nhân.
4. Phòng tránh tình trạng suy dinh dưỡng như thế nào?
Để tránh nguy cơ suy dinh dưỡng cho cả trẻ em và người lớn, có thể thực hiện các biện pháp sau:
-
Thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là sữa mẹ. Trẻ nên được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục ít nhất đến 2 tuổi. Nếu không đủ sữa, có thể bổ sung sữa công thức để đảm bảo trẻ đủ dinh dưỡng cần thiết;
-
Trẻ em và người lớn nên thay đổi các món ăn, tạo sự đa dạng để kích thích sự thèm ăn và tạo niềm vui khi ăn uống;
-
Thực hiện các hoạt động thể chất đều đặn, tăng cường hệ miễn dịch và kích thích quá trình trao đổi chất;
-
Chăm sóc cho bệnh về tiêu hóa và các bệnh lý khác đúng cách, vì chúng là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng;
-
Chỉ sử dụng kháng sinh khi được chỉ định, tránh sử dụng quá mức.
Không nên giảm cân quá mức vì điều này có thể gây ra suy dinh dưỡng