Nếu bạn là người khá giả ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal thuộc đất nước Ấn Độ của chúng tôi, thì không dễ để bạn được ngắm nhìn mọi thứ. Khi còn nhỏ, tôi từng thích ngắm mặt trời lặn trên đường chân trời lấp lánh của thành phố từ ô cửa sổ căn hộ tầng 13 nơi tôi lớn lên. Tôi chẳng thèm ngó xuống khu ổ chuột bên dưới.
Và cho đến khi xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều người trong chúng tôi (thuộc tầng lớp trung lưu) vẫn ít nghĩ đến thực tế rằng ngôi nhà của chúng tôi cũng là nơi trú ngụ của một tầng lớp người lao động nghèo khổ, bao gồm: người giúp việc, đầu bếp và cả người lái xe. Tất cả họ và chúng tôi, dù là chủ và tớ, nhưng đều hít thở chung một bầu không khí, đồng nghĩa với việc sống cùng sống mà chết thì cùng chết, vì tiền không mua nổi mạng người lúc nguy cấp.
Tôi không thể tưởng tượng cuộc sống của mình khi không có 2 người giúp việc là bà Saraswati và ông Nageshwar. Bà Saraswati được thuê cách đây 42 năm để giúp mẹ tôi thay tã lót cho em gái tôi, dỗ dành nó lúc cáu kỉnh và pha trà cho gia đình. Bà ấy thực sự là một 'người mẹ tinh thần', lo lắng cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Ông Nageshwar thì trầm lắng hơn. Không ai, kể cả bản thân ông ấy, nhớ được mẹ tôi thuê ông ấy từ khi nào. Chỉ biết rằng con số chắc chắn không nhỏ hơn 20 năm, vì cả thập kỷ nay chúng tôi đều nói với nhau như thế.
Đã nhiều năm rồi không ai trong gia đình tôi gọi bà Saraswati là ayah (người giúp việc) hay ông Nageshwar là naukar (người hầu) nữa. Khi được hỏi, bố mẹ tôi và tôi thích nói rằng: 'Cả hai người họ đều như thành viên trong gia đình chúng tôi'.
Sống cùng sống mà chết thì cùng chết
Thực sự, tôi chưa bao giờ nghĩ đến ranh giới mong manh về sự sống và cái chết nhiều như thế cho đến năm 2019 khi tôi chuyển về nhà sống cùng gia đình sau một vài năm sống ở thành phố Mumbai. Khi mới chuyển về nhà, tôi ung dung tận hưởng sự nhàn rỗi đến mức chẳng phải động ngón tay vào bất kỳ việc gì. Ở Mumbai, tôi cũng từng thuê một người dọn dẹp theo giờ, nhưng tôi và người đó hiếm khi chạm mặt nhau.
Trong căn hộ của bố mẹ tôi, bà Saraswati và ông Nageshwar vẫn luôn ở đó, siêng năng và cần mẫn. Bà Saraswati phết thêm một lớp bơ lên bánh mì nướng của tôi vào mỗi buổi sáng. Khi dọn giường cho tôi, ông Nageshwar luôn cố vuốt phẳng từng nếp gấp. Nói không ngoa nhưng họ đối xử với tôi như một vị vua vậy.
Chẳng bao lâu sau, sự sắp xếp về chỗ ăn ngủ trong căn hộ của chúng tôi bắt đầu khiến tôi cảm thấy kỳ quặc. Tôi đã luôn nghĩ rằng căn hộ của chúng tôi là một nơi thống nhất, không phân biệt chủ-tớ. Nhưng giờ tôi mới nhận ra rằng nó được phân chia rõ ràng thành 2 khu vực.
Bố mẹ và tôi sử dụng các phòng ngủ, phòng khách và bàn ăn uống. Ban công là nơi bà Saraswati phơi quần áo của chúng tôi và ông Nageshwar thì là ủi chúng thật phẳng phiu. Trong nhà bếp, nơi tôi hiếm khi bước vào, ông Nageshwar và bà Saraswati thường ngồi trên sàn nhà và ăn cơm nấu từ loại gạo rẻ tiền, khô cứng hơn cơm của chúng tôi. Tối đến, bà Saraswati trải nệm ngủ trong phòng khách, còn ông Nageshwar ngủ trong một căn phòng nhỏ mà từ khi thiết kế căn hộ người ta đã gọi sẵn là 'khu của người hầu'. Ông ấy chỉ bước vào phòng ngủ của chúng tôi khi cần dọn dẹp.
Đại dịch Covid-19 xảy ra, tình cảnh của bà Saraswati và ông Nageshwar càng khiến tôi chú ý nhiều hơn. Sau khi Thủ tướng Narendra Modi ra thông báo phong tỏa toàn quốc vào tháng 3 năm 2020, ông Nageshwar đến gặp tôi với vẻ tuyệt vọng. Ông đã quen với việc đi đến bang Bihar lân cận hàng tháng để đưa tiền lương của mình cho các con gái chi tiêu. Giờ phong tỏa thì ông gửi tiền kiểu gì đây?
2 tuần sau, khi Covid-19 giết chết chủ nhân của một căn hộ ngay phía trên chúng tôi, ông Nageshwar đã hỏi tôi rằng liệu 'Covid-19' có phải là một từ khác để chỉ cái chết hay không, liệu con virus SARS-CoV-2 có phải là một 'âm mưu' nào đó để đe dọa và khiến mọi người hoảng sợ hay không. Ông ấy dường như không cảm thấy lo lắng và chỉ muốn được ở bên gia đình của mình. Cuối cùng tôi nhận ra rằng căn hộ của chúng tôi đơn giản là nơi làm việc của ông Nageshwar, không phải là 'nhà' của ông.
Đầu năm nay, Thủ tướng Modi tuyên bố Covid-19 đã bị đánh bại. Người dân tận hưởng cảm giác hân hoan, hạnh phúc chưa được bao lâu thì 'cơn sóng thần' Covid-19 lại ập đến, mạnh hơn, hung hãn hơn.
Ngày 21 tháng 4, mẹ đến nói với tôi rằng mọi cư dân khác trong tầng của chúng tôi đều có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Cả bố mẹ tôi đều bị sốt 3 ngày rồi. Tôi nghe tiếng bà Saraswati ho trong bếp. Ông Nageshwar thì kêu than rằng ông thấy đau nhức khắp người.
Chúng tôi đều được làm xét nghiệm kiểm tra: tất cả các thành viên trong gia đình, ngoại trừ tôi, đều có kết quả dương tính với loại virus nguy hiểm kia. Vào thời điểm chúng tôi nhận được kết quả, lượng oxy của bố tôi đã xuống quá thấp nên ông cần phải nhập viện. Ngay cả các cơ sở y tế tư nhân cũng đã hết giường, nhưng nhờ mối quan hệ của gia đình và bạn bè, chúng tôi cuối cùng đã tìm được cho bố một chỗ nằm trong bệnh viện. Sau đó, tôi nghĩ về các thành viên còn lại trong gia đình. Điều gì sẽ xảy ra nếu tình trạng của bà Saraswati và ông Nageshwar cũng diễn biến nặng?
Và rồi, tôi xấu hổ nhận ra, là trong suốt những năm họ làm việc cho chúng tôi, chúng tôi chưa bao giờ mua cho họ bất kỳ loại bảo hiểm y tế nào. Các bác sĩ gia đình của chúng tôi đã khám cho họ những bệnh lặt vặt trong nhiều năm, nhưng chúng tôi chưa bao giờ lên kế hoạch phải làm gì nếu 1 trong 2 người cần một bệnh viện hiện đại, đầy đủ tiện nghi. Đã quá muộn để mua bảo hiểm ngay bây giờ. Chúng tôi quyết định rằng các bệnh viện công - những nơi đang thiếu thiết bị y tế trầm trọng - không phải là lựa chọn nếu tình trạng của họ trở nên tồi tệ. Chúng tôi sẽ đưa họ đến bệnh viện tư và chấp nhận chi phí cao hơn.
Tôi mời bà Saraswati và ông Nageshwar vào phòng ngủ trống của căn hộ để nghỉ ngơi trong thời gian điều trị Covid-19. Nhưng cả 2 người đều nói rằng họ thích ngủ ở sàn hơn là ngủ trên giường. Họ thậm chí không chấp nhận thức ăn được mang đến cho họ mà đựng trên đĩa của chúng tôi: Họ muốn dùng đồ của riêng họ. Điện thoại của ông Nageshwar liên tục rung lên vì những cuộc gọi từ các cô con gái của ông. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy ông ấy làm việc không hiệu quả nhưng lại rất thương.
Khi tôi yêu cầu một bác sĩ viết đơn thuốc cho bà Saraswati và ông Nageshwar, bà ấy đã cười, và sau đó nói với mẹ tôi rằng bà ấy nhận thấy sự quan tâm của tôi đối với “người ở” hơi quá mức.
Khi nghe tin người giúp việc gia đình của chúng tôi có kết quả dương tính, một người họ hàng quan tâm hỏi tôi qua điện thoại: 'Cháu có nghĩ bà Saraswati vẫn có thể pha cho mẹ cháu một ít trà không?'.
Khi bố tôi xuất viện trở về, bà Saraswati và ông Nageshwar đang hồi phục. Bà Saraswati trở lại với công việc thường ngày của mình - lấy sữa, pha trà, rửa chén đĩa - với sự vui vẻ, phấn khích đáng ngạc nhiên. Còn ông Nageshwar, mặc dù vẫn còn hơi mệt, nhưng vẫn hùng hồn tuyên bố đã trở lại với tràn trề nhựa sống. Trước sự nhẹ nhõm và cả sự khó chịu của tôi, trật tự cũ trong gia đình đã tự thiết lập lại.
Chúng tôi bắt đầu nghe thấy những lời kể về những người giúp việc khác trong tòa nhà đã làm việc như thế nào. Hầu hết họ đều không được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.
“Mấy người chủ lo lắng chuyện ai sẽ làm thay giúp việc nếu họ (ám chỉ giúp việc) có kết quả dương tính với virus', mẹ tôi giải thích.
Tôi rất tức giận, nhưng vẫn im lặng. Nếu nói về một điều tôi rút ra được trong thử thách lần này, thì đó là tôi không có tư cách để bàn về đạo đức.
Tạm kết
Covid-19 đã cướp đi của người dân trên khắp thế giới quá nhiều thứ: tiền bạc, sức khỏe, những chuyến du lịch khám phá, những cuộc gặp gỡ bạn bè và thậm chí là cả tính mạng. Tuy nhiên, Covid-19 ập đến, buộc người ta sống chậm hơn để từ đó nhìn nhận ra được nhiều điều mà lâu nay chẳng ai đoái hoài đến. Đừng phủ nhận nữa, đúng thế mà!
Câu chuyện của nhà báo Shreevatsa Nevatia là một minh chứng rõ ràng. Ai cũng ghét Covid-19, sợ Covid-19, căm thù Covid-19 nhưng có ai thừa nhận Covid-19 đã giúp người ta hiểu ra nhiều thứ. Shreevatsa đã tự nhận mình là một kẻ 'vô đạo đức' khi lâu nay vẫn đối xử với người giúp việc chẳng ra gì dù trong lòng vẫn đinh ninh họ là một thành viên của gia đình mình. Sau khi Covid-19 tấn công gia đình, anh mới nhận ra giữa anh và họ có khoảng cách quá lớn. Khoảng cách ấy còn có cả rào chắn vô hình do chính 2 bên tạo ra, vì sự mặc cảm, tự ti và cả sự cao ngạo, hay lối suy nghĩ đã ăn mòn vào nhiều thế hệ, rằng nghèo thì chỉ xứng đáng được như thế thôi.
Nhiều người giàu có ở Ấn Độ, như Shreevatsa, vẫn cho rằng mình là những người tốt bụng khi biết thương yêu đùm bọc những người nghèo khó. Nhưng chẳng ai nhận ra, sự thương yêu đó chỉ là 'trong suy nghĩ' còn thực tế thì hoàn toàn ngược lại.