'Tôi tin rằng kawaii, hay cảm giác dễ thương, nhắc nhở chúng ta về những mối liên kết mà chúng ta đã lãng quên.' Nittono Hiroshi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tâm lý Nhận thức tại Đại học Osaka, chia sẻ.
Nittono là một nhà khoa học nghiên cứu về kawaii – ông nghiên cứu khái niệm dễ thương của người Nhật và cách chúng ta trải nghiệm nó. Công trình của ông chỉ ra rằng việc nhìn vào những hình ảnh dễ thương, như chó con hoặc mèo con, giúp ta tập trung hơn, chú ý chi tiết và tăng cường khả năng thực hiện công việc hiệu quả hơn.
'Những món đồ dễ thương không chỉ làm chúng ta cảm thấy tốt hơn mà còn thay đổi hành vi của chúng ta.' – một nghiên cứu của Nittono vào năm 2012 ghi nhận.
Văn hóa phương Tây thường định nghĩa kawaii là dễ thương. Tuy nhiên, tại Nhật, nơi kawaii đã trở thành một hiện tượng văn hóa đại chúng suốt nhiều thập kỷ qua, thuật ngữ này phức tạp hơn nhiều. Nittono giải thích rằng từ kawaii ban đầu là một tính từ miêu tả cảm giác đối với một vật cụ thể. Ông cho biết ở Nhật, bạn có thể nói rằng bạn cảm thấy kawaii. Về mặt thị giác, các nhà nghiên cứu lập luận rằng kawaii liên quan đến hình ảnh của trẻ con – đầu to, mắt to, mặt tròn – và kawaii còn ảnh hưởng đến các giác quan khác. Trong một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Universal Access, các nhà nghiên cứu cho rằng con người cũng cảm thấy một số âm thanh nhất định là dễ thương và những âm thanh này thường rất cao, như tiếng kêu của chim non. Kawaii không nhất thiết phải là một thứ dễ thương theo nghĩa truyền thống. Những thứ xấu hoặc lạ cũng có thể gợi lên cảm giác kawaii – hay còn được gọi là kimo-kawaii, “dễ thương lạ.”
Nói một cách đơn giản, Nittono cho biết, kawaii là “cảm giác dễ thương” mà bạn trải nghiệm khi có vật thể kích thích cảm giác đó xung quanh bạn. Kawaii khiến bạn muốn véo má em bé hoặc chơi đùa với chó con. Kawaii cũng ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta theo nhiều cách khác nhau, nó có tác dụng làm dịu và chữa lành. Kawaii làm chúng ta trở nên dễ tính hơn và dễ đồng ý với yêu cầu từ người khác.
Kawaii không chỉ khiến bạn ngay lập tức muốn chạm vào tác nhân kích thích mà còn kích hoạt bản năng bảo vệ chúng. Cảm giác bảo vệ này có thể là lý do tại sao kawaii giúp chúng ta tập trung hơn khi làm việc. Một nghiên cứu vào năm 2009 cho thấy những người tham gia thí nghiệm thực hiện các nhiệm vụ yêu cầu sự cẩn thận tốt hơn sau khi xem những bức ảnh dễ thương. Nghiên cứu của Nittono và các cộng sự cũng chỉ ra điều tương tự. 'Nhìn thấy hình ảnh dễ thương của động vật nhỏ khiến chúng ta hành động nhẹ nhàng và có trách nhiệm để bảo vệ chúng,' ông giải thích. 'Những gì dễ thương nhưng yếu đuối và không thể tự vệ khơi dậy bản năng bảo vệ của người lớn.' Những thứ dễ thương khiến chúng ta muốn bảo vệ chúng, và khi ở trong trạng thái đó, chúng ta tự nhiên sẽ tập trung hơn vào mọi thứ xung quanh.
Nghiên cứu của Nittono còn gợi ý rằng những thứ dễ thương làm trỗi dậy một thứ gọi là “động cơ tiếp cận,” một sự thôi thúc tiến tới những tác nhân tích cực. “Động cơ tiếp cận” giúp chúng ta tập trung hơn vào những quy trình có tính hệ thống yêu cầu sự chú ý cao độ, chẳng hạn như lái xe hay xử lý công việc.
Kỹ sư, nhà quảng cáo và lập trình viên lợi dụng hiện tượng này để can thiệp vào trải nghiệm và hành vi của người dùng. Các nhà nghiên cứu gọi đây là thiết kế dễ thương (cute engineering). Đây là cách tăng cảm giác và cảm xúc tích cực để “khuyến khích, tương tác và định hình hành vi của người dùng theo hướng tích cực,” theo Owen Noel Newton Fernando, giảng viên tại Đại học Kỹ thuật Nanyang tại Singapore. Đôi khi thiết kế dễ thương được thực hiện tinh tế, nhưng phần lớn rất dễ nhận biết. Ví dụ như kỹ sư sử dụng kawaii vào lập trình robot, robot càng dễ thương thì càng có nhiều người muốn tương tác với nó.
Trong nhiều năm qua, Apple đã thiết kế iMac theo hướng dễ thương ngầm. Nó “khuyến khích những người không dùng máy tính cảm thấy hứng thú với đồ điện tử và từ đó bán được nhiều sản phẩm hơn,” Fernando viết. Ông gọi “bộ lọc dễ thương” là một phần của thiết kế dễ thương khiến trải nghiệm kawaii của người dùng được cá nhân hóa, chẳng hạn như người dùng có thể tùy chọn màu sắc của sản phẩm. Bằng cách này, người dùng có thể tự tạo cảm giác kawaii cho mình. “Bằng cách sử dụng bộ lọc dễ thương, người dùng có thể tùy chỉnh các thông số như màu sắc, kích cỡ, chuyển động, mùi hương và hương vị để tạo ra sản phẩm theo ý muốn của mình.”
Một phần quan trọng khác của thiết kế dễ thương là hệ thống tương tác dễ thương, ví dụ như Siri kể chuyện cười cho bạn nghe, hoặc những yếu tố bất ngờ cũng mang lại cảm giác kawaii. Fernando miêu tả rằng các nhà thiết kế game sử dụng yếu tố này nhằm “thưởng cho người chơi bằng cách đẩy cảm xúc của họ lên cao trào để họ kết nối về mặt cảm xúc với trò chơi đó.” Các nhà thiết kế dùng kawaii để bán tai nghe, làm giọng nói của trợ lý ảo nghe thân thiện hơn và thiết kế những trò chơi dễ thương và gây nghiện.
Nittono tin rằng sự thân thuộc và thân thiện là lý do vì sao khái niệm kawaii được yêu mến trong những năm gần đây. “Trong một xã hội xem trọng vật chất và đôi khi gây stress, người ta bắt đầu tìm kiếm những gì dịu dàng và ấm lòng để cảm thấy nhẹ nhõm hơn,” ông nói. Ông chỉ ra rằng kawaii còn được dùng cho những mục tiêu phát triển bền vững, ví dụ như khuyến khích tái chế vì môi trường.
Nittono lưu ý rằng mạng xã hội đóng vai trò quan trọng cho sự bùng nổ của kawaii bởi vì phần lớn kawaii đến từ hình ảnh. “Hình ảnh kawaii dễ dàng lan truyền trên mạng xã hội và internet nói chung.”
Nhất là trong những thời khắc hỗn loạn, sự dễ thương giúp người dùng mạng xã hội có một khoảng nghỉ giữa hàng loạt tin tức tiêu cực. 'Chúng ta có thể tận dụng sức mạnh của kawaii,' Nittono nói, 'cho nhiều mục đích tốt đẹp.'
Vy Vũ | Wired