
Loại vũ khí người Trung Quốc gọi là Giao súng (交銃, nghĩa là 'súng Giao Chỉ') ám chỉ súng hỏa mai có nguồn gốc từ Đại Việt.
Lịch sử
Đại Việt có truyền thống sử dụng hỏa khí từ rất sớm. Cuối thế kỷ 14, vua Champa Chế Bồng Nga tử trận do trúng đạn quân Trần trên sông Hải Triều. Đời nhà Hồ, Hồ Nguyên Trừng chế tạo Thần Cơ Sang pháo. Thời Lê Sơ, hỏa khí được dùng phổ biến trong quân đội. Tại Thái Lan, một khẩu súng cổ từng được cho là từ Trung Quốc nhưng sau khi xem chữ khắc, người ta xác nhận nguồn gốc Đại Việt. Có khả năng đây là di vật từ cuộc xâm lược vương quốc Lanna (Chiang Mai ngày nay) thời Lê Thánh Tông năm 1479–1484.
Đến thế kỷ 16, khi người châu Âu tới Đại Việt buôn bán, các lãnh chúa đã mua vũ khí phương Tây để trang bị cho quân đội mình, từ đó súng hỏa mai bắt đầu du nhập vào Đại Việt. Súng hỏa mai Đại Việt không chỉ được sử dụng rộng rãi trong nước mà còn được mang vào nhà Minh sau các cuộc xung đột biên giới giữa nhà Mạc và các thổ ty ở Quảng Tây, Vân Nam.
Súng Giao Chỉ không chỉ được người Trung Quốc đánh giá cao mà còn được các nhà quan sát phương Tây đặc biệt khen ngợi về độ chính xác trong các cuộc chiến tranh Lê-Mạc và Trịnh-Nguyễn. Người đời Minh còn coi súng điểu thương Đại Việt là 'súng tốt nhất thế giới', thậm chí vượt qua cả súng Ottoman, súng Nhật Bản và súng châu Âu. Theo tiến sĩ Lý Bá Trọng, cựu trưởng khoa sử học Đại học Thanh Hoa, thì:
Vào cuối đời Minh, người An Nam chế tạo ra Hỏa thương với hiệu năng vượt trội, được người Trung Quốc gọi là 'Giao súng'. Một số người cho rằng, loại súng Giao Chỉ này về uy lực và tính năng đều vượt trội hơn súng Tây phương, súng Nhật Bản và cả súng Lỗ Mật.
Lưu Hiến Đình sống cuối đời Minh đầu đời Thanh nhận xét:
'Hỏa thương Giao Chỉ là tinh hoa của thiên hạ.'
Súng Đại Việt có thể xuyên thủng nhiều lớp giáp sắt, giết từ 2 đến 5 người chỉ bằng một viên đạn, nhưng khi bắn không phát ra âm thanh quá lớn.
- Hồ Nguyên Trừng