Súng phóng lựu 40 mm M79 | |
---|---|
Mặt bên phải của M79. | |
Loại | Súng phóng lựu |
Nơi chế tạo | |
Lược sử hoạt động | |
Phục vụ | 1961–nay |
Sử dụng bởi | |
Trận | |
Lược sử chế tạo | |
Người thiết kế | Springfield Armory |
Năm thiết kế | 1953–1960 |
Nhà sản xuất | Springfield Armory, Action Manufacturing Company, Exotic Metal Products, Kanarr Corporation, và Thompson-Ramo-Woolridge |
Giai đoạn sản xuất | 1961–1971 |
Số lượng chế tạo | 350.000 (Hoa Kỳ sản xuất) Hàng chục nghìn (Việt Nam sản xuất) |
Thông số | |
Khối lượng | 2.93 kg (6.45 lb) đã nạp đạn 2.7 kg (5.95 lb) trống |
Chiều dài | 73.1 cm (28.78 in) |
Độ dài nòng | 35.7 cm (14 in) |
Đạn | 40x46mm |
Cơ cấu hoạt động | Bắn từng phát bằng nạp từng viên vào nòng |
Tốc độ bắn | 6 phát/phút |
Sơ tốc đầu nòng | 76 m/s (247 ft/s) |
Tầm bắn hiệu quả | 350 m (383 yd) |
Tầm bắn xa nhất | 400 m (437 yd) |
Súng lựu M79 (thường được gọi là Thumper/Blooper) là một vũ khí lựu đạn do Hoa Kỳ chế tạo, phổ biến trong cuộc chiến Việt Nam. M79 lần đầu tiên được trang bị cho quân đội Mỹ vào năm 1961.
Thiết kế
M79 được thiết kế cho bộ binh sử dụng lựu đạn, là một trong hai vũ khí cá nhân của bộ binh. Chiến binh cần một vũ khí chuyên dụng và một khẩu súng ngắn. M79 hoạt động như một cầu nối giữa lựu đạn cầm tay và súng cối tầm gần (50 đến 300 mét), trở thành vũ khí thiết yếu trong đội quân. Với chiều dài 737 mm (nòng dài 355 mm), súng và đạn nặng 3 kg.
M79 bắn từng viên một, sử dụng đạn cỡ 40 mm nạp trực tiếp vào khóa nòng. Có miếng đệm cao su để giảm giật khi bắn. Lựu đạn M406 40 mm HE rời khỏi nòng với tốc độ 75 m/s, chứa chất nổ trong vỏ thép, khi nổ phát tán hơn 300 mảnh vụn với tốc độ 1524 m/s và bán kính sát thương 5 mét. Đạn đạo ổn định nhờ lựu đạn xoay trong không khí với tốc độ 3700 vòng/phút do vòng xoáy trong nòng tạo ra.
M79 được trang bị thước ngắm và đầu ruồi, có khả năng ngắm bắn xa đến 375 mét. Tầm bắn hiệu quả của M79 là 200 mét với mục tiêu là người đứng, và 350 mét với các mục tiêu công sự như lô cốt.
Khi chiến đấu ở cự ly gần, M79 sử dụng hai loại đạn. Loại đầu tiên là đạn mũi tên, chứa 45 viên nhỏ trong vỏ nhựa, được sử dụng thử nghiệm. Sau đó, nó được thay thế bằng đạn chì M576, gồm 2700 mảnh đạn chì nhỏ, chứa trong vỏ đạn nhựa 40 mm. Loại đạn này bay chậm hơn nhưng ít bị lệch do gió, giúp chính xác hơn. Ngoài ra, M79 còn có thể sử dụng nhiều loại đạn khác như đạn nổ mảnh, đạn nổ bi với bán kính sát thương khác nhau, lên đến 35 mét. Súng cũng có thể bắn lựu đạn khói (cả loại tiêu chuẩn và loại có dù rơi chậm), khí CS và đạn lửa.
M79 có một số hạn chế: súng không có hộp tiếp đạn và cần phải nạp lại sau mỗi phát bắn, khiến tốc độ bắn chậm hơn so với các súng phóng lựu có hộp tiếp đạn. Cơ cấu ngòi nổ phức tạp, đạn cần đủ lực tác động mới phát nổ, nên nếu đạn trúng bề mặt mềm như bùn hoặc nước, hoặc tiếp đất ở cạnh, có thể không nổ và trở thành mìn nguy hiểm. Những viên đạn M79 chưa nổ gây ô nhiễm bom mìn lớn tại Việt Nam, và nhiều thường dân vẫn gặp nguy hiểm nhiều năm sau chiến tranh do dẫm phải đạn này.
Sử dụng
M79 là một vũ khí hữu hiệu trong các khu vực nhiều vật cản, rừng rậm, và đồi núi như ở Việt Nam. Vũ khí này có khả năng tiêu diệt các ụ súng và lô cốt bán kiên cố từ xa gấp nhiều lần so với việc ném lựu đạn bằng tay, và cũng chính xác hơn. Trong quân đội nhân dân Việt Nam thời đó chưa có vũ khí tương đương; dù súng B-40, B-41 cũng có thể bắn bộ binh và lô cốt, nhưng chúng chủ yếu được thiết kế để chống xe cơ giới. Để có vũ khí tương tự M79, quân Giải phóng đã chế tạo súng cối 'Giải Phóng' cỡ 60mm, nặng 5kg, không có bệ và chân chống, bắn theo phương pháp ứng dụng. Súng cối 'Giải Phóng' được sản xuất hơn 2.000 khẩu và mặc dù có đạn nổ mạnh hơn, cũng khó ngắm bắn hơn so với M79, và chỉ là giải pháp tạm thời để bù đắp sự thiếu thốn vũ khí.
Sau chiến tranh, Việt Nam thu hồi hàng chục nghìn khẩu M79 cùng nhiều kho đạn, vì vậy súng này được chọn làm tiêu chuẩn cho quân đội. Trong khi phần lớn trang bị của quân đội Việt Nam theo hệ Liên Xô/Nga, M79 được sử dụng trong hệ thống vũ khí Mỹ. Việt Nam đã sản xuất phiên bản M79VN (còn gọi là SPL40), thay thế vật liệu gỗ bằng nhựa và lắp thêm kính ngắm để nâng cao độ chính xác và tốc độ ngắm bắn so với thước ngắm cũ.
Vào thập niên 1980, quân đội Mỹ thay thế M79 bằng súng phóng lựu M203 gắn dưới súng trường như M16. Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn tiếp tục sử dụng M79 do tầm bắn xa hơn (350 mét so với 150 mét của M203). M203 làm cho súng trường trở nên cồng kềnh hơn và nặng thêm khoảng 1 kg, ảnh hưởng đến độ cân bằng và khả năng ngắm bắn chính xác. Do đó, một số binh sĩ chọn mang theo cả M79 và M16 thay vì gắn M203 vào M16.
Các quốc gia sử dụng
- Hoa Kỳ
- Australia
- Brazil
- Campuchia
- Chad
- Colombia
- Costa Rica
- Cộng hòa Dominican
- El Salvador
- Eritrea
- Ethiopia
- Fiji
- Hy Lạp
- Guatemala
- Haiti
- Honduras
- Indonesia
- Iran
- Ireland
- Israel
- Jamaica: Jamaica Defence Force
- Jordan
- Kenya
- Lebanon
- Malaysia
- Myanmar
- Nicaragua
- Oman
- Paraguay
- Philippines
- Bồ Đào Nha
- Saint Vincent và Grenadines
- Ả Rập Xê Út
- Somalia
- Hàn Quốc: Sản xuất bởi S&T Daewoo dưới tên KM79
- Tây Ban Nha
- Đài Loan
- Thái Lan
- Thổ Nhĩ Kỳ
- Việt Nam: Sản xuất phiên bản M79VN bởi nhà máy Z-125
- Lào
- Yemen