Trong hành trang bước vào đời, không thể thiếu chữ “nhẫn”. Cổ nhân có câu: “Tiểu bất nhẫn, tất loạn đại mưu”, nghĩa là nếu không kiềm chế trong những việc nhỏ, sẽ làm hỏng việc lớn.
Vậy “nhẫn” là gì? — Nhẫn là biết chịu đựng và dằn lòng xuống. Nó thường đi kèm với những từ như nhẫn nại, nhẫn nhịn, nhẫn nhục. Nhẫn nại là sự kiên trì trước khó khăn. Nhẫn nhịn là biết nhẫn chịu và nhường nhịn. Còn nhẫn nhục là biết dằn lòng trước những điều khó chịu. Tất cả đều là sự thể hiện khả năng tự kiềm chế trước áp lực.
Trong cuộc sống hằng ngày, mâu thuẫn và xung đột là điều khó tránh khỏi. Không nên phóng đại vấn đề nhỏ. Nếu không nhẫn nhịn và kiềm chế, việc nhỏ có thể trở thành việc lớn, như ông bà ta thường nói: “Một điều nhịn là chín điều lành”. Cổ ngữ có câu: “Tiến bất nhẫn bất thành đại sự” (nếu không biết nhẫn nhịn chuyện nhỏ thì việc lớn không thành).
Trong cuộc sống, đôi khi ta phải làm ngơ trước những lời lẽ khó chịu từ những kẻ hung hăng. Có những lúc bị đối xử tệ bạc mà vẫn phải nhẫn nhịn, nhường nhịn. Chúng ta không cần tranh cãi với những người nóng tính hay thô lỗ. Như câu tục ngữ: 'Tránh voi chẳng xấu mặt nào', hoặc 'Thấy cứt tránh ngang, có sang gì cứt!'. Đôi khi cần tránh xa 'trâu lấm' để giữ hòa khí.
Những cuốn sách cổ kể lại nhiều câu chuyện về chữ “nhẫn”. Trương Lương (sau này là mưu sĩ cho Hán Cao Tổ) từng gặp một ông lão kỳ quặc ở bến đò. Ông ta bắt Trương Lương nhặt giày, xỏ giày cho mình, rồi bảo Trương Lương đến gặp ông sau 5 ngày. Trương Lương nén lòng chịu đựng, đến lần thứ ba, ông ta mới được gặp Hoàng Thạch Công và nhận được sách Binh pháp Thái Công. Đó là phần thưởng xứng đáng cho sự nhẫn nhịn và kiên nhẫn.
Một câu chuyện khác kể về Hàn Tín bị một anh bán thịt châm chọc và buộc phải chui qua háng. Dù trong lòng tức giận, Hàn Tín vẫn nhẫn nhịn, không gây sự. Sự nhẫn nhịn này đã cho thấy phẩm chất của một vị đại tướng tương lai của nhà Hán, làm đúng theo lời cổ nhân dạy: “Tiểu bất nhẫn, loạn đại mưu”.
Nhẫn nhịn, nhẫn nhục là một đức tính của người biết làm chủ bản thân và giữ bình tĩnh trước những tình huống khó khăn. Đôi khi bị người thân trách nhầm, hoặc bạn bè hiểu sai, dễ dẫn đến mâu thuẫn. Nóng giận có thể gây rạn nứt mối quan hệ. Bình tĩnh là cách tốt nhất để tháo gỡ tình hình và tránh những hậu quả không mong muốn.
Nhẫn nhịn không phải là sự yếu đuối. Ngược lại, đó là biểu hiện của một tinh thần tự tin và quyết tâm. Người biết nhẫn nhịn là người có khả năng tự kiềm chế và kiên cường trước nghịch cảnh.
Lan Tương Như, vị Tể tướng quyền cao chức trọng thời Chiến quốc, là người luôn khiêm nhường và nhẫn nhịn dù ở gia đình hay nơi triều đình. Nguyễn Công Trứ, nhà thơ xuất sắc, vị quan cao cấp thời Nguyễn, đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời nhưng vẫn giữ được phẩm cách. Ông từng là Thủ khoa, rồi Tham tán, sau đó là Tổng đốc Đông, có lúc trở thành lính thú. Nhưng ông nói: 'Lúc làm Đại tướng, ta không lấy thế làm vinh, thì lúc là lính thú, ta cũng không lấy thế làm nhục!' Dù là tướng hay lính, ông vẫn giữ được sự điềm tĩnh và khí phách của một người quân tử, một bậc trượng phu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam - đã viết nên những trang sử hào hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ thập kỷ 1980 đến nay (năm 2010), trong nhà riêng của Đại tướng có treo một chữ “nhẫn” lớn. Có nhiều lý do để ông làm vậy, nhưng tấm lòng trong sáng và phẩm chất đáng ngưỡng mộ của ông đã khiến ông trở thành biểu tượng của sự nhẫn nại và kiên cường.
Nhẫn nhịn là biểu hiện của lòng độ lượng, giúp tâm hồn trở nên trong sáng và thanh thản. Người có khả năng kiềm chế bản thân, biết nhẫn nại sẽ là người có bản lĩnh, trí tuệ, và lòng bao dung. Sự nhẫn nhịn không chỉ thể hiện sức mạnh nội tâm mà còn phản ánh phẩm chất cao quý của con người.
Ai cũng cần biết “nhẫn” trong cuộc sống. Tuổi trẻ cần học cách nhẫn nhịn để rèn luyện bản lĩnh, chờ thời cơ, và vượt qua khó khăn để đạt được mục tiêu trong cuộc sống.