Mỗi ngày lại đều lên Google tra cứu, chúng ta dễ dàng rơi vào cái bẫy của hiệu ứng tâm lý này.
Google đã từ lâu là công cụ dẫn đầu trong lĩnh vực tìm kiếm trên Internet. Đây cũng là một trong những trang web được truy cập nhiều nhất trên thế giới. Google đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày và thậm chí đã được thêm vào Từ điển tiếng Anh Oxford vào năm 2006 dưới dạng một động từ. Hầu hết chúng ta đều đã từng sử dụng Google để tìm kiếm thông tin cho nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, thói quen tìm kiếm trên mạng đã trở nên quá mức và đã tạo ra hiệu ứng tâm lý được gọi là “tác động của Google” mà bạn có thể đang mắc phải mà không hề biết.
Tác động của Google là gì?
Sự phụ thuộc quá mức vào công cụ tìm kiếm có thể dẫn đến một cái bẫy tâm lý phổ biến được gọi là hiệu ứng có sẵn hoặc tác động của Google. Chuyên gia Cynthia Borja - trưởng dự án tại The Decision Lab, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn về cách con người ra quyết định, cho biết niềm tin vào tính sẵn có khiến chúng ta dễ dàng tin rằng thông tin dễ dàng tiếp cận là thông tin thực tế và chính xác nhất. Chúng ta thường tin rằng những liên kết xuất hiện đầu tiên là sự thật mà không đào sâu hơn vào độ tin cậy của nguồn thông tin.
Tuy nhiên, thực tế là không có công cụ tìm kiếm nào trên Internet hiện nay có thể cam đoan độ chính xác tuyệt đối 100%. Thuật toán của Google đôi khi hiển thị các nguồn tin không đáng tin cậy hoặc gây hiểu nhầm. Kết quả xuất hiện đầu tiên không nhất thiết là kết quả chính xác nhất.
Borja nói: “Nếu bạn không cân nhắc cẩn thận và đảm bảo rằng bạn đang kiểm tra nhiều nguồn tin, thì tất cả những gì bạn đang làm là thu thập thông tin sai lệch từ một góc nhìn”. Thói quen này có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực trong công việc, học tập và cuộc sống. Việc dễ dàng chấp nhận thông tin sai vì tin vào kết quả sẵn có trên mạng không bao giờ được khuyến khích, đặc biệt là trong các công việc học thuật.
Chỉ cần quan sát lại cách mọi người thường dùng Google mỗi ngày, bạn sẽ nhận ra liệu mình có dễ dàng bị “hiệu ứng Google” lừa dối hay không.
Không chỉ vậy, hiện tượng này còn được gọi là hiện tượng mất trí nhớ số, là khi não bộ nhanh chóng quên đi thông tin đã tra cứu vì chúng quá dễ dàng truy cập trực tuyến.
Ví dụ, khi bạn đọc sách và gặp từ mới, bạn tra Google ngay. Nhưng chỉ trong vài ngày hoặc vài tiếng sau, bạn lại quên đi ý nghĩa của từ đó.
Tình huống này chính là hiệu ứng Google: Khi thông tin quá dễ dàng tiếp cận, chúng ta sẽ không ghi nhớ. Hiện tượng này không chỉ áp dụng cho việc tìm kiếm trên công cụ này mà còn cho hầu hết thông tin có sẵn trên máy tính và điện thoại ngày nay.
Làm thế nào để tránh rơi vào hiệu ứng Google?
Để hạn chế sự thiên vị này, Borja khuyên chúng ta nên tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau: “Tôi không bao giờ dừng lại ở một nguồn và tin tưởng ngay lập tức. Tôi tìm thông tin từ một trang web đại học, rồi kiểm tra từ một tổ chức phi lợi nhuận khác.”
Ví dụ, nếu bạn đang tìm kiếm cách tăng cơ bắp nhanh chóng và tình cờ đọc một nghiên cứu, hãy so sánh với nguồn khác và kiểm tra ai tài trợ cho nghiên cứu đó. Dù bạn đọc từ một nguồn uy tín, bạn cũng nên kiểm tra nguồn họ trích dẫn có hợp pháp không.
Giám đốc điều hành Google, Beth Goldberg, cho biết người dùng nên kiểm tra tính uy tín của kết quả tìm kiếm và học cách phát hiện thông tin sai lệch bằng cách xác minh thông tin qua nhiều nguồn và đánh giá độ tin cậy của tác giả, tổ chức và trang web đăng tải.
Goldberg cũng khuyên người dùng nên tìm kiếm thông tin về nhà tài trợ, tên trang web và nguồn gốc của nó, đồng thời tìm kiếm các nguồn khác để xác minh tính chính xác và uy tín của thông tin.
Nếu có thời gian, hãy tìm kiếm thông tin từ các nguồn bên ngoài mạng. Việc lạm dụng Google và Internet là vấn đề phổ biến hiện nay.
Theo Borja, sách vẫn giữ giá trị và thư viện vẫn là một nguồn thông tin đáng tin cậy. Có nhiều cách để tìm kiếm thông tin mà không chỉ phụ thuộc vào Google.
Nguồn: CNBC