Một trong những phương pháp khai thác khoáng sản dưới đáy biển là thả một con robot khổng lồ để thăm dò đáy biển.
Con robot này sẽ lặn xuống độ sâu 5.000 mét dưới mực nước biển, nơi mà con người hiểu biết rất ít.
Ở độ sâu đó, đặc biệt là các vùng biển thuộc Thái Bình Dương, có nhiều cục khoáng sản hình củ khoai tây. Những cục đá này chứa nhiều kim loại quý hiếm có thể chiết xuất để sản xuất pin lithium-ion.
Ngược lại, các nhà khoa học cho rằng phương pháp khai thác này có thể gây hại cho hệ sinh thái dưới đáy biển. Các tập đoàn lớn như BMW, Google, Rio Tinto (tập đoàn khai khoáng lớn thứ hai trên thế giới) đã lên tiếng yêu cầu cấm thử nghiệm phương pháp này toàn cầu tạm thời, ít nhất là cho đến khi có đánh giá rõ ràng về tác động môi trường.
“Củ khoai tây” này được các thủy thủ người Anh phát hiện từ năm 1873, chúng hình thành sau hàng triệu năm khi các khoáng chất từ nước biển, sinh vật phù du, và vỏ sò kết tủa lại. Bên trong những cục đá này chứa mangan, nickel, đồng, và coban…
Đây là những kim loại đất hiếm được sử dụng để sản xuất pin, tấm panel NLMT, mạch điện thoại và các thiết bị điện tử.
Dự báo đến năm 2040, nhu cầu tiêu thụ kim loại đất hiếm sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay nếu các quốc gia muốn đáp ứng mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Và tăng gấp 4 lần nếu muốn đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính xuống mức bằng 0.
Trữ lượng khai thác kim loại hiếm trên đất liền ngày càng khan hiếm, làm tăng chi phí khai thác và thúc đẩy các tập đoàn, tổ chức tìm kiếm các phương pháp khai khoáng mới, chẳng hạn như khai thác dưới đáy biển.
Trung bình, để sản xuất một chiếc xe chạy bằng xăng dầu cần khoảng 34kg kim loại. Trong khi đó, để sản xuất một chiếc xe điện cần tới 207kg kim loại, chủ yếu để sản xuất pin.
Không chỉ riêng ngành sản xuất xe điện, mà các ngành nghề khác cũng cần sử dụng các kim loại quý hiếm, ví dụ như trong sản xuất điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân và những loại khác.
Hiện nay, lượng khoáng chất chiết xuất được từ mỗi mét khối đất trên mặt đất liền đang ngày càng giảm, điều này đang thúc đẩy các nước nghiên cứu về phương pháp khai thác khoáng sản dưới lòng đại dương.
Na Uy, Nhật Bản và Quần đảo Cook đã công bố họ đang nghiên cứu để cho phép khai thác khoáng sản dưới lòng đại dương. Tổ chức Giám sát Đáy biển Quốc tế (ISA) dự kiến sẽ ban hành bộ quy tắc về khai khoáng dưới lòng đại dương vào năm 2025 sớm nhất, trước đó, hạn chót là tháng 7/2023 nhưng không đạt được.
Các công ty có ý định khai thác tài nguyên dưới đáy biển sẽ cần phải tuân thủ bộ quy tắc của ISA và xin phép từ chính quyền địa phương trước khi thực hiện dự án.
Tác hại của robot khai thác
Khi những con robot khổng lồ bò dưới đáy đại dương để khai thác các khoáng sản, chúng không chỉ làm mất đi môi trường sống của các loài vi sinh vật, tảo biển, san hô, ốc sên mà còn gây tổn thương không đếm xuể đến các sinh vật sống dưới đáy biển.
Nhà sinh vật học đại dương Beth Orcutt cho biết rằng, lớp trầm tích dưới đáy đại dương mất đến 10.000 năm mới dày thêm vỏn vẹn 1mm. Trong khi đó, các robot khai khoáng có thể đào sâu đến 10cm, tương đương mất hàng triệu năm để đại dương khôi phục lại lớp trầm tích.
Không chỉ vậy, sau khi khai thác “khoai tây” từ đáy biển, khi đưa lên tàu, các robot sẽ rửa sạch chúng và số đất và cát bị rửa từ “khoai tây” sẽ bị đổ ngược trở lại biển, gây ô nhiễm môi trường biển, gây chết chìm sinh vật phiêu sinh và xáo trộn chuỗi thức ăn của các loài cá.
Tiếng ồn từ các robot khai khoáng có thể lan ra đến 500km trong nước biển, gây căng thẳng cho các loài động vật có thể định vị bằng sóng âm như cá voi, cá heo.
Trái lại, ánh sáng phát ra từ các robot khai khoáng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh vật biển dưới đáy biển. Ánh sáng từ tàu trên mặt nước cũng gây nhiễu loạn đối với các loài ưa sáng như mực, bạch tuộc và các loài chim biển.
Vào tháng 3/2023, đã có 34 quốc gia và 56 tổ chức bản địa gửi thư đến Tổ chức Giám sát Đáy biển Quốc tế (ISA) yêu cầu cấm hoạt động khai khoáng tài nguyên dưới đáy biển sâu.
Theo Reuters