Các ngôn ngữ khác nhau trong rất nhiều phương diện, từ sự khác biệt rõ ràng về cách phát âm và từ vựng cho đến sự khác biệt tinh tế hơn về ngữ pháp. Câu hỏi được các nhà khoa học đặt ra là liệu có hay không sự ảnh hưởng của ngôn ngữ đến suy nghĩ và định hình thế giới xung quanh người sử dụng. Những trải nghiệm, việc lưu giữ ký ức và diễn đạt của họ có khác nhau chỉ vì họ nói các ngôn ngữ khác nhau hay không?
Tất cả các nghiên cứu mới đều cho thấy rằng các cấu trúc tồn tại trong ngôn ngữ của con người định hình sâu sắc cách người đó xây dựng thực tế và thế giới quan của riêng họ. Bài viết tổng hợp và giới thiệu những phân tích của những công trình nghiên cứu liên quan về vấn đề sự ảnh hưởng của ngôn ngữ đến suy nghĩ để đưa ra kết luận.
Con người có khả năng suy tư mà không cần sử dụng ngôn ngữ
Câu trả lời phụ thuộc vào cách mà mỗi cá nhân định nghĩa “ngôn ngữ” và “suy nghĩ”. Một định nghĩa khái quát gồm: Ngôn ngữ là một thành phần của suy nghĩ, trong khi suy nghĩ tạo ra ngôn ngữ. Ngôn ngữ và suy nghĩ phụ thuộc vào nhau đến mức gần như là giống nhau.
Ngôn ngữ in sâu vào hầu hết mọi khía cạnh mà con người dùng để tương tác với thế giới, vì thế rất khó để hình dung giả thuyết con người sẽ diễn đạt, đặt câu hỏi hoặc nói về những điều chưa xảy ra như thế nào nếu không có tên cho tất cả mọi thứ. Hầu hết các kết luận được rút ra cho vấn đề này đều chỉ ra con người vẫn có thể trải nghiệm và nhận thức các cảm giác và sự việc mà không có ngôn ngữ, tuy nhiên sẽ có sự khác nhau giữa việc nhận thức được một sự vật và sở hữu được khái niệm của sự vật đó.
Khác với suy nghĩ và ngôn ngữ, nhận thức là những cơ chế mà qua đó một người có được những thông tin cần thiết để hình thành suy nghĩ và ngôn ngữ. Cả suy nghĩ và ngôn ngữ đều không thể thực hiện được nếu không có khả năng nhận thức ở một mức độ nào đó. Ví dụ, một người vẫn có thể hình thành nhận thức về “ánh sáng” mà không biết đến khái niệm “ánh sáng”.
Một cách thường được dùng trong các nghiên cứu để kiểm tra ảnh hưởng của ngôn ngữ đối với nhận thức là nghiên cứu các trường hợp khi việc tiếp cận ngôn ngữ bị trì hoãn.
Theo bài viết “Life without language” của Greg Downey (2010), một số người lớn khiếm thính không có khả năng học ngôn ngữ nói, cũng như không có khả năng tiếp cận với ngôn ngữ ký hiệu, trên thực tế giao tiếp với những người có tình trạng tương tự như họ và thế giới bên ngoài bằng những cử chỉ và ký hiệu tự tạo. Mặc dù họ không có kinh nghiệm về ngôn ngữ hoặc cách thức hoạt động của ngôn ngữ, một cách trừu tượng, họ vẫn có thể khái niệm hóa những sự vật và sự việc mang tính chất biểu tượng. Điều này gợi ý rằng họ có thể hiểu những sự vật, trải nghiệm và cảm giác xung quanh họ trước khi tạo ra một cử chỉ để thể hiện chúng.
Các phương thức ngôn ngữ ảnh hưởng đến suy nghĩ của một cá nhân
Cách định hình Khía cạnh Thời gian của những người sử dụng ngôn ngữ khác nhau
Ngôn ngữ một người nói có thể thay đổi cách người đó nhìn nhận thời gian. Ví dụ, những người nói tiếng Anh và Thuỵ Điển có xu hướng nói về thời gian như một đường (line) với khoảng cách “dài” hoặc “ngắn”. Ví dụ: “What a long day” để nói về “một ngày dài”. Mặt khác, các ngôn ngữ như Tây Ban Nha và Hy Lạp thường xem thời gian như một hộp chứa và nói về thời gian với từ “đầy” thay vì “dài”.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 trên Tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm (Journal of Experimental Psychology), các nhà nghiên cứu đã thiết kế một thí nghiệm để tìm hiểu.
Họ cho các nhóm người nói tiếng Thụy Điển và Tây Ban Nha xem một loạt hình ảnh động. Đầu tiên, các hình ảnh động hiển thị các đường thẳng dài ngắn khác nhau và thay đổi độ dài trên màn hình. Tất cả các hoạt ảnh dài 3 giây, nhưng người tham gia thí nghiệm không biết được điều này, họ chỉ được yêu cầu ước tính thời gian đã trôi qua cho mỗi người.
Trong khi những người nói tiếng Tây Ban Nha biết rằng 3 giây đã trôi qua bất kể đường thẳng dài ra như thế nào trong 3 giây đó, thì những người nói tiếng Thụy Điển có xu hướng nghĩ rằng thời gian đã trôi qua nhiều hơn khi đường thẳng dài ra hơn khi kết thúc 3 giây. Ngược lại, khi các hình ảnh động cho thấy một thùng chứa đầy chất lỏng thay vì một đường thẳng, những người nói tiếng Tây Ban Nha gặp khó khăn trong việc ước tính thời gian, trong khi người Thụy Điển thì chính xác hơn.
Cách định hình Khía cạnh Không gian của những người sử dụng ngôn ngữ khác nhau
Theo khái niệm từ nghiên cứu “Language and the perception of Space, Motion and Time” (Angelica Fulga, 2012), mặc dù không gian có các tính chất vật lý giống nhau trên toàn thế giới, nhưng vị trí của cơ thể con người và của các đối tượng trong giới hạn địa lý được mã hóa theo những cách khác nhau qua ngôn ngữ.
Người nói tiếng Anh và tiếng Hà Lan sử dụng các thuật ngữ không gian tương đối (trái, phải, trước, sau) để mô tả không gian. Ngược lại, những người nói tiếng Tzeltal (nói ở vùng Chiapas, Mexico) sử dụng một trong hai đối tượng hoặc tọa độ địa tâm dựa trên độ nghiêng của đất để thể hiện hướng và để mô tả không gian, ví dụ: lên dốc, xuống dốc – tương ứng với các thuật ngữ không gian tuyệt đối (nam, bắc) trong tiếng Anh.
Một nghiên cứu của Levinson (1996) đã xem xét liệu những khác biệt ngôn ngữ giữa tiếng Hà Lan và tiếng Tzeltal có ảnh hưởng đến cách những người nói những ngôn ngữ này nhận thức và định hình không gian hay không.
Trong nghiên cứu này, những người nói tiếng Hà Lan và Tzeltal đã được xem một cặp mũi tên vào hai lần khác nhau. Trong lần đầu tiên, họ nhìn thấy hai mũi tên chỉ về cùng một hướng (ví dụ: hai mũi tên chỉ sang phải/bắc). Sau đó, họ được xoay 180 độ để được cho xem một cặp mũi tên khác: một trong số đó hướng về cùng hướng tương đối với các mũi tên từ lần đầu tiên (ví dụ: sang phải [hướng tuyệt đối là hướng nam]), và mũi tên còn lại hướng vào cùng hướng tuyệt đối với các mũi tên từ lần đầu tiên (ví dụ: hướng bắc [hướng tương đối bên trái]).
Khi Levinson yêu cầu những người nói tiếng Hà Lan và Tzeltal xác định mũi tên “giống như mũi tên mà họ đã thấy trước đây“, những người nói tiếng Hà Lan đã chọn mũi tên chỉ theo cùng một hướng tương đối (ví dụ: mũi tên chỉ sang phải [tuyệt đối hướng là nam]), trong khi những người nói tiếng Tzeltal chọn mũi tên chỉ theo cùng một hướng tuyệt đối (ví dụ: hướng bắc [hướng tương đối là bên trái]).
Do đó, Levinson kết luận rằng những người nói tiếng Hà Lan và Tzeltal dường như bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ mẹ đẻ tương ứng của họ trong việc hiểu định hướng không gian.
Cách phân loại các đối tượng của những người sử dụng ngôn ngữ khác nhau
Không giống như tiếng Anh, các ngôn ngữ như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và tiếng Đức có điểm ngữ pháp là: giới tính ngữ pháp, trong đó các từ (đặc biệt là danh từ) được chỉ định giới tính (giống cái, giống đực). Các ngôn ngữ khác như tiếng Anh hoặc tiếng Nhật không chỉ định giới tính cho các từ và do đó không có giới tính ngữ pháp.
Có rất ít mối quan hệ giữa giới tính ngữ pháp và giới tính sinh học. Điều này khiến các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi liệu những người nói ngôn ngữ có giới tính ngữ pháp có phân loại đối tượng theo những cách khác nhau, so với những người nói ngôn ngữ không có giới tính ngữ pháp hay không. Sera, Berge và del Castillo Pintado (1994) đã xem xét câu hỏi này, bằng cách yêu cầu người nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha chỉ định giọng nữ hoặc giọng nam cho các đối tượng khác nhau.
Nghiên cứu của họ cho thấy rằng những người sử dụng tiếng Tây Ban Nha đã áp đặt giọng nói theo giới tính cho các thực thể giống với giới tính ngữ pháp tiếng Tây Ban Nha của từ đó (ví dụ: một quả táo sẽ được gán cho giọng của phụ nữ vì từ “táo” trong tiếng Tây Ban Nha là giống cái). Ngược lại, những người sử dụng tiếng Anh chỉ định giọng nói theo giới tính cho tất cả các thực thể một cách ngẫu nhiên.
Theo nghiên cứu “The Languages We Speak Affect Our Perceptions of the World” (Mykhailyuk & Pohlod, 2015), thậm chí những yếu tố nhỏ về ngữ pháp, như việc áp đặt giới tính cho một danh từ dường như ngẫu nhiên, có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của con người về các thực thể cụ thể trên thế giới.
Ví dụ, trong lĩnh vực nghệ thuật – các thực thể trừu tượng như “cái chết”, “tội lỗi”, “chiến thắng” hoặc “thời gian” được biểu hiện dưới hình dạng con người. Làm sao để một nghệ sĩ quyết định xem “cái chết” nên được thể hiện như một người đàn ông hay một người phụ nữ? Mykhailyuk và Pohlod cho rằng 85% sự lựa chọn giới tính cho một thực thể trừu tượng được dự đoán bởi giới tính ngữ pháp của từ trong ngôn ngữ mẹ đẻ của nghệ sĩ. Vì vậy, ví dụ, các họa sĩ Đức sẽ biểu hiện “cái chết” như một người đàn ông nhiều hơn, trong khi các họa sĩ Nga có nhiều khả năng thể hiện “cái chết” như một phụ nữ.