1. Việc kiểm tra dinh dưỡng định kỳ cho bé quan trọng thế nào?
Những năm đầu đời là giai đoạn quan trọng đánh dấu sự phát triển và biến đổi nhanh chóng của trẻ. Dinh dưỡng cần thiết cho bé sẽ thay đổi qua từng năm, từ việc ăn sữa mẹ, sữa công thức sang ăn dặm và tăng dần sự đa dạng của món ăn. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Do đó, việc kiểm tra dinh dưỡng cho bé là rất cần thiết, đặc biệt là vào các giai đoạn như 6 - 9 - 12 - 15 - 18 và 24 tháng tuổi.
Kiểm tra dinh dưỡng cho bé giúp phụ huynh phát hiện sớm các vấn đề bé đang gặp phải - những nguyên nhân gây gián đoạn trong quá trình phát triển của trẻ. Ở trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên, việc kiểm tra dinh dưỡng nên được thực hiện 1 - 2 lần/năm.
Để kiểm tra xem trẻ đang phát triển bình thường hay có biểu hiện bị suy dinh dưỡng, béo phì, thừa cân,... thì kiểm tra dinh dưỡng là cách hiệu quả nhất để xác định được những tình trạng này. Ngoài ra, cha mẹ có thể dựa vào những dấu hiệu bất thường như sau:
-
Tình trạng trẻ thừa cân hoặc béo phì: so sánh cân nặng của bé với chỉ số tiêu chuẩn. Nếu trẻ có cân nặng trên mức tiêu chuẩn thì tức là trẻ có dấu hiệu bị thừa cân, béo phì;
-
Dấu hiệu trẻ bị suy dinh dưỡng: nếu trẻ biếng ăn hoặc không được cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết thì có nguy cơ suy dinh dưỡng cao;
-
Nguyên nhân trẻ bú kém, ăn ít;
-
Trẻ bị tăng hoặc sụt cân đột ngột;
-
Thái độ, hành vi thay đổi như hay cáu kinh, chậm chạp;
-
Rụng tóc;
-
Màu da thay đổi (nhợt nhạt, xanh xao, vàng da);
-
Hay ốm vặt, nhiễm trùng tái phát nhiều lần;
-
Cơ thể không cân xứng hoặc có chỉ số khối bất thường;
-
Chiều cao, cân nặng không phát triển theo tốc độ tiêu chuẩn bình thường tính theo độ tuổi;
-
Hấp thu kém, mắc bệnh về tiêu hóa như táo bón, nôn trớ hoặc tiêu chảy,...
Kiểm tra dinh dưỡng cho bé giúp phụ huynh phát hiện sớm những vấn đề bé đang gặp phải
2. Các hoạt động cần thực hiện khi kiểm tra dinh dưỡng cho bé
1.1. Tiêm phòng
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn còn non yếu, dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công. Chính vì vậy, việc tiêm phòng theo lịch y tế khuyến cáo sẽ giúp trẻ khỏe mạnh, phòng ngừa nguy cơ mắc phải các bệnh lý nguy hiểm do vi khuẩn, virus gây ra.
1.2. Đánh giá tình trạng tăng trưởng và phát triển của trẻ
-
Kiểm tra tổng quát về thể chất, sức khỏe của bé;
-
Xét nghiệm vi chất cho trẻ để tìm hiểu xem trẻ đang thiếu hụt chất dinh dưỡng nào cần được bổ sung, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp;
-
Đánh giá chế độ ăn uống hiện tại có đang phù hợp với trẻ;
-
Tìm giải pháp để cải thiện tình trạng thừa cân, thấp còi, sức đề kháng yếu,... để giúp trẻ phát triển đúng như lứa tuổi;
-
Điều trị các bệnh lý về đường tiêu hóa như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, táo bón, hội chứng kém hấp thu,...;
-
Tìm ra các dấu hiệu cảnh báo về các vấn đề sức khỏe ngay từ sớm và đưa ra giải pháp điều trị hiệu quả.
1.3. Chuẩn bị trước khi đưa trẻ đi khám dinh dưỡng
Ghi chép lịch trình hoạt động và thói quen ăn uống của bé:
Trước khi đến khám dinh dưỡng, hãy ghi chép lịch trình hoạt động và thói quen ăn uống hàng ngày của bé (ít nhất trong 1 tuần hoặc 1 tháng gần đây). Hãy ghi rõ các loại thức ăn, cách chế biến, thời gian, lượng sữa mà bé tiêu thụ, bao gồm cả các sản phẩm chức năng mà cha mẹ cho bé sử dụng,...
Hãy ghi lại cả các hoạt động hàng ngày của bé, bao gồm thời gian chơi, ngủ, và vận động để bác sĩ có đủ thông tin để chẩn đoán, tư vấn và đề xuất các biện pháp cải thiện và chăm sóc phù hợp nhất cho bé.
Trước khi đến khám dinh dưỡng cho bé, hãy ghi lại thói quen ăn uống và lịch trình sinh hoạt của bé
Chuẩn bị trước danh sách câu hỏi cần tư vấn từ các chuyên gia/bác sĩ:
Trong quá trình chăm sóc con cái, cha mẹ thường đối mặt với nhiều thắc mắc về nuôi dạy trẻ. Việc tham khảo ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng là cơ hội để cha mẹ có thêm kiến thức và tư vấn trong việc chăm sóc con.
Trước khi đưa con đi khám, cha mẹ cần chuẩn bị sẵn danh sách câu hỏi liên quan đến dinh dưỡng, sức khỏe và phát triển của trẻ, giấc ngủ, vận động cũng như các thói quen của bé.
Đem theo hồ sơ khám bệnh và sổ tiêm chủng của bé:
Khi đi khám dinh dưỡng cho bé, cha mẹ cần mang theo hồ sơ y tế của bé để bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe của bé dựa trên thông tin này.
Trẻ em cần được tái khám theo đúng lịch hẹn:
Việc thăm khám dinh dưỡng cho trẻ không chỉ quan trọng trong việc điều trị các vấn đề sức khỏe mà còn giúp phụ huynh đánh giá và theo dõi tình trạng dinh dưỡng của con mình một cách chặt chẽ. Điều này giúp phụ huynh có thể điều chỉnh chế độ ăn uống và điều trị kịp thời khi cần thiết.
Vì vậy, quan trọng nhất là phụ huynh cần nhớ và tuân thủ lịch hẹn khám theo đúng như đã được bác sĩ chỉ định. Nếu không thể đi đúng ngày do lý do nào đó, có thể đi sớm hoặc muộn một vài ngày nhưng vẫn cần tuân thủ khám định kỳ.
Thăm khám dinh dưỡng định kỳ mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sự phát triển của trẻ em